P.V:Với tư cách nhà nghiên cứu về chiến lược, đề nghị Thiếu tướng cho biết thêm thông tin về hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền Việt Nam trên Biển Đông đang gây xôn xao dư luận thời gian gần đây?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Ngày 17/7, Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington thông báo, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 cùng các tàu hộ vệ, tàu hải cảnh của Trung Quốc đã hoạt động ở lô 06.1, phía Tây Bắc bãi Tư Chính của Việt Nam, ở tọa độ chỉ nằm cách đường cơ sở của Việt Nam khoảng 100 hải lý, tức nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Cần lưu ý, trên Biển Đông có rất nhiều mỏ dầu, túi dầu, nhưng bãi trũng Tư Chính - Vũng Mây và Nam Côn Sơn ở phía Nam Biển Đông, nơi Trung Quốc đang hoạt động phi pháp là túi dầu lớn nhất của Biển Đông được phát hiện. Toàn bộ tài nguyên bao gồm tài nguyên sinh vật và phi sinh vật trong vùng biển này thuộc sở hữu của nước CHXHCN Việt Nam. Các nước muốn đánh cá, hay muốn thăm dò khai thác dầu khí ở khu vực này phải được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam, nếu không sẽ vi phạm, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam.
Tham chiếu luật pháp quốc tế hiện đại thì việc Trung Quốc đưa hệ thống nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 hoạt động tại lô 06.1 đã vi phạm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, vi phạm tuyên bố DOC mà Trung Quốc ký với 10 nước ASEAN tại Campuchia năm 2002. Điều này cũng có nghĩa Trung Quốc đã đi ngược lại các cam kết của họ với ASEAN, đi ngược lại 4 lần cam kết Việt - Trung từ năm 2011 đến nay với nội dung giữ ổn định Biển Đông, giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và không tạo ra những sự cố làm rắc rối, căng thẳng Biển Đông.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã 2 lần lên tiếng phản đối, tuyên bố rõ ràng những hành động của Trung Quốc đã xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của Việt Nam. Việt Nam mong muốn Trung Quốc và các nước trong và ngoài khu vực tuân thủ nghiêm UNCLOS 1982, đảm bảo hòa bình, ổn định cho khu vực. Bộ Ngoại giao cũng đã trao công hàm phản đối cho phía Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc phải rút tàu Hải Dương 8 và các tàu khác khỏi khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam tại lô 06.1. Tôi cho rằng phản ứng của Việt Nam trong vụ việc này là đúng mực, tỉnh táo, bình tĩnh, vừa cương quyết, vừa khôn khéo.
Cộng đồng quốc tế cũng lên tiếng phản đối quyết liệt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, Trung Quốc bắt nạt và làm suy yếu hòa bình, an ninh, ổn định khu vực. Mỹ kiên quyết phản đối những hành động hung hăng, xâm phạm chủ quyền nước khác trên Biển Đông. Dư luận quốc tế cho rằng, trong vụ việc này, chính quyền Donald Trump đã có thái độ rất đúng mức, phê phán gay gắt Trung Quốc trong việc cưỡng ép và bắt nạt các nước khác, yêu cầu họ phải dừng ngay những hành động này để đảm bảo hòa bình, ổn định khu vực.
Vụ việc một lần nữa gióng lên hồi chuông, trong quá trình giải quyết tranh chấp với Trung Quốc chúng ta cần tỉnh táo và cần thông qua các diễn đàn song phương, đa phương, căn cứ vào luật pháp quốc tế. Thật ra, việc đưa tàu thăm dò và tàu hộ tống vào bãi Tư Chính làm Trung Quốc mất uy tín trước cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh hiện nay, trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, họ rất cần hợp tác quốc tế nên cuối cùng có lẽ họ mới là bên thiệt hại nhiều nhất trong vụ việc này chứ không phải Việt Nam và các nước khác.
P.V:Đâu là động cơ thúc đẩy Bắc Kinh đưa nhóm các tàu nói trên vào bãi Tư Chính của Việt Nam vào thời điểm này, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Với tư cách nhà nghiên cứu về Biển Đông, về chiến lược quốc tế, theo tôi có 2 nguyên nhân. Trước hết, phải thấy rằng hành động này do ông Tập Cận Bình trực tiếp chỉ đạo, chứ không phải chủ trương của địa phương hay ngành dầu khí của họ, nhằm đánh lạc hướng dư luận bất lợi ở Trung Quốc, trong bối cảnh có những tiếng nói phê phán ông Tập cả chính sách đối nội lẫn đối ngoại (thâu tóm quyền lực, kinh tế suy thoái do chiến tranh thương mại với Mỹ...).
Bên cạnh đó, có thể đây là “giới hạn đỏ” mà ông Tập đưa ra cho Việt Nam, “cảnh cáo” Việt Nam không được tiến tới để hợp tác với Mỹ, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Thứ hai, về đối ngoại, đây là phép thử mà thông qua đó Trung Quốc đo mức độ phản ứng của Mỹ và cộng đồng quốc tế đối với những hành động vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền nước khác của họ.
P.V:Thiếu tướng có thể cho biết dự báo về tình hình Biển Đông sắp tới?
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Dư luận lo lắng về khả năng xung đột trên Biển Đông là dễ hiểu. Người Việt dù ở trong hay ngoài nước đều quan tâm đến vấn đề bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Đây là ngọn lửa thiêng được hun đúc qua 2.600 năm lịch sử dựng nước và giữ nước. 15 cuộc quyết chiến của dân tộc với các kẻ thù ngoại bang diễn ra trong 26 thế kỷ, tương quan lực lượng Việt Nam đều nhỏ hơn ngoại bang, có những cuộc cân đối lực lượng Việt Nam 1 - ngoại bang 30 nhưng Việt Nam vẫn thắng, tạo nên sức mạnh vĩ đại, sức sống trường tồn của dân tộc Việt Nam, và ý thức bất khuất bảo vệ mảnh đất thiêng của Tổ quốc. Cộng đồng quốc tế cũng lo ngại cuộc xung đột quân sự trên Biển Đông.
Về vấn đề này, tôi cho rằng dù thế nào đi nữa thì ông Tập Cận Bình cũng đủ khôn ngoan để không làm chuyện dại dột “tham bát bỏ mâm”, gây xung đột quân sự với Việt Nam, bởi nếu vậy sẽ bộc lộ sự hiếu chiến, tham lam của họ, sẽ bị cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối và tẩy chay. Khi đó, nền kinh tế Trung Quốc sẽ đứng trước nhiều nguy cơ hơn, vai trò của lãnh đạo và chính quyền Bắc Kinh cũng dễ bị ảnh hưởng. Vì thế, trong vài năm tới, tôi cho rằng Trung Quốc sẽ không dùng biện pháp quân sự mạnh với Việt Nam. Phương sách mà họ đang làm, tiếp tục làm là “cắt lát salami”, âm thầm đặt từng bước chân, không gây “bão” phản đối của quốc tế ở Biển Đông. Sắp tới, Việt Nam và cộng đồng quốc tế nói chung cần theo dõi hành động của Trung Quốc để có phản ứng thích hợp.
Tất nhiên dân tộc Việt Nam không bao giờ cúi đầu trước ngoại bang dù kẻ thù lớn đến đâu. Bài học lịch sử còn nhãn tiền, chúng ta sẵn sàng có đáp trả quyết liệt nếu nước ngoài gây sự, xâm phạm chủ quyền.
Vì vấn đề này mà nhiều người có tư tưởng không hợp tác với Trung Quốc. Tôi cho đây là quan điểm sai lầm, bởi Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới đất liền 1.450 km, trước đây từng nói “núi liền núi, sông liền sông” bây giờ còn “biển liền biển”. Cả thế giới hợp tác với họ sao Việt Nam lại không? Chúng ta có thể tận dụng thị trường 1,4 tỷ dân Trung Quốc, mở rộng thị trường hàng hóa, tìm mọi cách sống chung với Trung Quốc để vừa phát triển, vừa bảo vệ mình. Đó là con đường duy nhất đúng đắn.
P.V:Xin cảm ơn Thiếu tướng!