Thông tin chính thức từ Hải quân Hoàng gia Anh mới đây cho biết, họ sẽ bán lại tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng cỡ lớn HMS Ocean (số hiệu L12) cho Hải quân Brazil vào khoảng tháng 9 năm nay với giá 84 triệu bảng.

Điều đáng nói là chiếc HMS Ocean mới chỉ chính thức phục vụ trong hạm đội từ ngày 30/9/1998, tức là tính đến thời điểm bị loại biên thì nó tại ngũ vỏn vẹn có 20 năm, một thời hạn quá ngắn đối với chiếc chiến hạm khổng lồ và đắt tiền như vậy.

Trong khi tàu sân bay HMS Queen Elizabeth vẫn chưa hoàn thành các bài thử nghiệm trên biển, đồng thời đã cho nghỉ hưu hàng không mẫu hạm thế hệ cũ Invisible thì chiếc HMS Ocean chính là soái hạm của đội tàu mặt nước Hải quân Anh lúc này.

144840-3.jpg

Tàu đổ bộ tấn công mang trực thăng HMS Ocean (L12) của Hải quân Hoàng gia Anh.

Chiếc HMS Ocean có chiều dài 203,4 m; chiều rộng 35 m; mớn nước 6,5 m; lượng giãn nước đầy tải 21.500 tấn, nó là con tàu duy nhất thuộc lớp. Thủy thủ đoàn bao gồm 285 người cộng thêm 185 nhân viên hàng không, sức chứa lên tới 830 lính thủy đánh bộ cùng 40 phương tiện đổ bộ.

Tàu được trang bị 2 động cơ Crossley Pielstick, cho tốc độ tối đa 18 hải lý/h (33 km/h) và tốc độ hành trình là 10 hải lý/h (19 km/h), tương đối chậm. Tầm hoạt động lớn nhất đạt 8.000 hải lý (13.000 km).

Hệ thống điện tử của tàu gồm radar cảnh giới đường không tầm trung 3 tham số Type 997 Artisan, radar dẫn đường hàng hải Type 1008 và 2 radar phục vụ kiểm soát bay Type 1007, các hệ thống đối kháng điện tử, cảm biến cùng bệ phóng mỗi bẫy.

Vũ khí của HMS Ocean gồm 4 pháo tự động 30 mm DS-30M Mk 2, 3 hệ thống phòng thủ tầm cực gần Phalanx CIWS, 3 súng máy minigun và các súng máy hạng nặng 12,7 mm khác.

Sàn đáp và hầm chứa rộng cho phép HMS Ocean mang theo tới 18 trực thăng các loại, trong đó có những chiếc rất lớn như CH-47 Chinook, AW159 Wildcat hay trực thăng tấn công AH-64D Longbow.

Lính thủy đánh bộ Mỹ trên tàu HMS Ocean trong một cuộc tập trận hỗn hợp.

Về phía Hải quân Brazil, chiếc HMS Ocean sẽ thay thế tàu sân bay A12 Sao Paulo (vốn là hàng không mẫu hạm Foch mua lại của Pháp) vừa bị loại biên giữ vai trò soái hạm của đội tàu mặt nước quốc gia Nam Mỹ này, giúp họ duy trì sức mạnh trên biển.

Tuy nhiên cũng có ý kiến e ngại rằng đây chưa chắc là món hời đối với Hải quân Brazil vì giá bán quá rẻ cho một con tàu khổng lồ thường đi kèm theo là chi phí sửa chữa, bảo dưỡng đắt gấp nhiều lần so với giá mua.