(Baonghean) - Năm 2014, Tỉnh ủy ban hành Đề án số 5155 về phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, sau 2 năm triển khai vẫn còn thiếu giải pháp và sự quyết liệt từ cấp ủy các cấp.
Kết quả còn khiêm tốn
Có thể khẳng định, những năm qua, loại hình doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (DNTN, DNCVNN) có sự phát triển và tăng nhanh về số lượng. Với lợi thế vượt trội về khả năng sử dụng lao động lớn, hiệu quả về khai thác các tiềm năng và nguồn lực xã hội, loại hình doanh nghiệp này cũng đã khẳng định vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, góp phần giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp có đảng viên và tổ chức đảng, đoàn thể chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Theo khảo sát ở thời điểm năm 2013, trong tổng số gần 7.700 DNTN, DNCVNN toàn tỉnh thì chỉ có 338 doanh nghiệp có tổ chức đảng, chiếm 6,2% tổng số doanh nghiệp; với 3.440 đảng viên, chiếm 1,97% số đảng viên toàn tỉnh. Điều này ảnh hưởng đến việc lãnh đạo, định hướng doanh nghiệp phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người lao động và nhà nước.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong loại hình doanh nghiệp này, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã có Quyết định số 5155/QĐ-TU, ngày 8/2/2014 về ban hành Đề án “Phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2014 - 2020”.
Đến nay, sau 2 năm triển khai thực hiện, kết quả đạt được đang còn rất khiêm tốn. Đối với huyện Nghi Lộc, trước khi có Đề án 5155 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Huyện ủy Nghi Lộc đã chủ động ban hành Đề án số 05, ngày 1/10/2012 về “Xây dựng và phát triển tổ chức đảng, đoàn thể trong các doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước trên địa bàn huyện, giai đoạn 2012 – 2017”. Cho nên, Nghi Lộc có những thuận lợi và trở thành đơn vị dẫn đầu về kết quả thực hiện Đề án 5155. Mặc dù vậy, con số đạt được cũng đang hạn chế, trong 2 năm mới chỉ thành lập được 4 tổ chức cơ sở Đảng, gồm 1 tổ chức đảng trong doanh nghiệp cổ phần và 3 tổ chức đảng thuộc loại hình quỹ tín dụng và hợp tác xã.
Tương tự, tại thành phố Vinh - đơn vị được Tỉnh ủy chọn làm điểm chỉ đạo và quá trình triển khai thực hiện bài bản từ việc ban hành văn bản, thành lập ban chỉ đạo đến giao trách nhiệm cụ thể cho từng đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố phụ trách địa bàn trực tiếp chỉ đạo các Đảng ủy phường, xã thực hiện đề án.
Theo đồng chí Đặng Tố Duyệt - Phó trưởng ban Tổ chức Thành ủy, kết quả là có, nhưng rất ít. Mặc dù, trên địa bàn thành phố Vinh, số lượng doanh nghiệp khá lớn, khoảng trên 3.000 DNTN, DNCVNN chỉ có 24 doanh nghiệp có tổ chức đảng và sau 2 năm triển khai thực hiện Đề án 5155, thành phố thành lập thêm 4 tổ chức đảng, nâng lên 28 tổ chức đảng trong DNTN, DNCVNN và kết nạp mới 18 đảng viên trong tổng số hơn 88.000 lao động.
Còn ở huyện Nam Đàn, triển khai chủ trương của Tỉnh ủy về phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong DNTN, DNCVNN, Huyện ủy đã ban hành Kế hoạch số 106/KH-HU, ngày 16/9/2014. Trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từ ban, ngành, đoàn thể cấp huyện và Đảng ủy cơ sở. Và kết quả, thành lập được 1 chi bộ cơ sở tại Quỹ tín dụng nhân dân Nam Trung và kết nạp được 10 đảng viên trong DNTN, DNCVNN vào Đảng.
Không chỉ ở 3 đơn vị nêu trên mà ở các đơn vị còn lại trong tỉnh cũng gặp khó khăn trong công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong DNTN, DNCVNN. Soi vào mục tiêu mà Đề án 5155 đề ra cho thấy kết quả thực hiện còn rất thấp.
Theo mục tiêu đề án 5155, mỗi năm, toàn tỉnh thành lập trên 50 tổ chức đảng; bình quân mỗi huyện, thành, thị ủy thành lập ít nhất 1 tổ chức đảng và các đơn vị có nhiều doanh nghiệp như thành phố Vinh, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Nghi Lộc phải thành lập được từ 3 – 5 tổ chức đảng.
Hàng năm 100% số tổ chức đảng trong các DNTN, DNCVNN xây dựng được kế hoạch tạo nguồn cảm tình đảng, trong số đó trên 50% kết nạp được đảng viên mới. Mỗi năm toàn tỉnh bồi dưỡng, kết nạp được ít nhất 5 chủ DNTN vào Đảng. Trong khi đó, theo tổng hợp từ Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tính từ thời điểm triển khai đề án đến tháng 3/2016, toàn tỉnh chỉ thành lập mới được 10 tổ chức đảng; kết nạp 218 quần chúng trong DNTN, DNCVNN vào Đảng, trong đó có 4 người là chủ doanh nghiệp tư nhân. Về tổ chức đoàn thể, thành lập mới 33 tổ chức công đoàn cơ sở và kết nạp 8.564 đoàn viên; 7 tổ chức đoàn cơ sở và kết nạp 685 đoàn viên.
Thiếu sự quyết liệt từ các cấp ủy
Rõ ràng, công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong DNTN, DNCVNN là việc làm có thể nói vô cùng khó khăn. Bởi một lẽ, đối tượng tác động, đó là chủ doanh nghiệp và người lao động đang còn “nặng” về sản xuất, kinh doanh, về tiền lương thu nhập, chưa quan tâm đến việc phấn đấu vào Đảng đối với người lao động và thành lập tổ chức đảng đối với chủ doanh nghiệp.
Mặt khác, mặc dù đông đảo về số lượng, nhưng doanh nghiệp tư nhân của Nghệ An chủ yếu là quy mô nhỏ và số lượng lao động ít; hoạt động sản xuất, kinh doanh thiếu ổn định. Thêm vào đó là nhận thức của chủ doanh nghiệp đối với công tác phát triển đảng viên, tổ chức đảng còn hạn chế.
Theo đồng chí Trịnh Thị Quỳnh Nga - Phó Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Nam Đàn: Cái khó nhất là khi chủ doanh nghiệp không phải là đảng viên nên không tạo điều kiện để người lao động phấn đấu vào Đảng; hoặc không mặn mà để thành lập tổ chức đảng, mặc dù doanh nghiệp có đủ đảng viên để thành lập. Mặt khác, việc thực hiện quy trình kết nạp chủ doanh nghiệp vào Đảng theo Hướng dẫn số 17- BTCTW cũng đang tạo ra những “rào cản” cho các chủ doanh nghiệp vào Đảng.
Bên cạnh yếu tố khách quan từ phía các doanh nghiệp thì điều cần phải thẳng thắn, đó là cấp ủy các cấp vẫn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt và có giải pháp tác động hiệu quả. Đơn cử như huyện Nam Đàn, qua rà soát có 7 doanh nghiệp có đảng viên, trong đó duy nhất chỉ có 1 tổ chức đảng chỉ có 2 đảng viên chưa có đủ điều kiện để thành lập tổ chức đảng độc lập; 6 doanh nghiệp còn lại có từ 3 đến 13 đảng viên nhưng mới chỉ có 1 đơn vị thành lập tổ chức đảng.
Đặc biệt, trong số đó có 1 quỹ tín dụng nhân dân xã có 7 đảng viên nhưng vẫn chưa tiến hành thành lập tổ chức đảng. Đồng chí Dương Quốc Tuấn – Trưởng phòng Đảng viên, Ban Tổ chức Tỉnh ủy cho rằng: “Yếu tố chi phối đối với cấp ủy các cấp trong thời gian 2 năm triển khai thực hiện Đề án 5155 là tập trung chỉ đạo Đại hội Đảng các cấp và tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, cho nên ảnh hưởng đến kết quả thực hiện đề án hạn chế cũng là điều dễ thấy”.
Bên cạnh đó thì sự quan tâm của cấp ủy các cấp cũng chưa đầy đủ. Thậm chí có cấp ủy tuy biết đến đề án này nhưng cũng không thật sự hiểu hết yêu cầu của đề án để triển khai. Rất nhiều đơn vị chưa thực sự nghiên cứu, trăn trở để tìm giải pháp đẩy mạnh việc phát triển đảng viên, tổ chức đảng trong DNTN, DNCVNN. Điều này dẫn đến trong quá trình triển khai thực hiện đề án một số đơn vị vẫn không biết đến sự ra đời của Nghị định 98/2014/NĐ-CP, ngày 24/10/2014 của Chính phủ quy định bắt buộc các doanh nghiệp các thành phần kinh tế phải tiến hành thành lập tổ chức đảng và các tổ chức chính trị - xã hội (ngay sau Đề án 5155 ban hành). Đây là cơ sở pháp lý quan trọng yêu cầu các doanh nghiệp thành lập buộc phải thành lập tổ chức Đảng chứ không mang tính vận động, nếu doanh nghiệp không đồng tình thì các cấp ủy cũng “bó tay”.
Những vấn đề đặt ra
Vai trò của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đảm bảo lãnh đạo, định hướng của Đảng để doanh nghiệp phát triển bền vững, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, người lao động và nhà nước.
Bởi vậy, vấn đề đặt ra là cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả hơn Đề án 5155. Muốn vậy thì cần tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy các cấp, cán bộ, đảng viên, đặc biệt là đảng viên trong các DNTN, DNCVNN và chủ doanh nghiệp về vai trò, tầm quan trọng, nhất là những lợi ích thiết thực của tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp; về nhiệm vụ phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức Đảng, các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp theo tinh thần Nghị định 98/2014 của Chính phủ. Đồng thời làm tốt công tác phát triển đảng viên. Bởi muốn xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp thì trước hết phải có đảng viên.
Nghiên cứu các chế độ chính sách, tạo cơ hội cống hiến, thăng tiến, cơ hội học tập cho những đảng viên có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt nhằm tạo động lực để người lao động trong DNTN, DNCVNN rèn luyện, phấn đấu vào Đảng.
Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác kết nạp đảng viên trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, dạy nghề, để bổ sung cả về số lượng, chất lượng đảng viên cho các DNTN, DNCVNN. Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội cần tăng cường phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động, chủ động tìm giải pháp khắc phục khó khăn cho các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cần có chính sách hỗ trợ tổ chức Đảng trong DNTN, DNCVNN cũng như linh hoạt thực hiện để tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển bền vững; tạo chỗ dựa cho doanh nghiệp vào cấp ủy các cấp trong quá trình phát triển đi lên của chính doanh nghiệp.
Mai Hoa