(Baonghean) -Trung tâm đào tạo huấn luyện TDTT Nghệ An hiện nay có khoảng 300 VĐV, tập luyện và thi đấu ở 16 môn chính thức, 2 môn thí điểm. Thế mạnh của Trung tâm là các môn võ như Pencak silat, trong đó phải kể đến tấm HCV thế giới của VĐV Trương Công Mạo vào năm 2012. Tuy nhiên, ở các môn cơ bản như bóng chuyền, điền kinh, bơi lội chúng ta lại hầu như không tạo được dấu ấn. Nguyên nhân thì có nhiều, nhưng theo lý giải của lãnh đạo Trung tâm Đào tạo Huấn luyện Thể dục thể thao (TT ĐTHL TDTT) tỉnh thì chúng ta thiếu các “mạnh thường quân”, một yếu tố cực kỳ quan trọng trong phát triển thể thao.

Khác với bóng đá, những môn thể thao thành tích cao trực thuộc sự quản lý của Trung tâm ĐTHL TDTT tỉnh nhận được khá nhiều sự quan tâm và đầu tư. Ngoài cơ sở vật chất đang ngày càng hoàn thiện thì chế độ dinh dưỡng cũng đã được cải thiện đáng kể. Ông Nguyễn Như Tam – Giám đốc trung tâm cho biết: “Nghệ An là một trong những địa phương áp dụng tốt các quy định của Tổng cục về chế độ dành cho các VĐV thể thao. Theo đó, chế độ dinh dưỡng của các VĐV đội tuyển hiện nay là 150 ngàn đồng/ngày; với những VĐV đoạt HCV quốc gia, phần thưởng từ UBND tỉnh là 5 triệu đồng, kèm theo những hình thức biểu dương, tôn vinh khác…”.

Theo báo cáo của trung tâm, trong năm 2012 vừa qua, có 1 HCV, 1 HCB ở giải thế giới; 3 HCB, 1 HCĐ ở giải châu Á; 1 HCB, 1 HCĐ ở giải Đông Nam Á và 20 HCV ở giải quốc gia. Đây cũng được xem là một trong những năm thành công nhất của thể thao Nghệ An từ khi gia nhập và tham gia các giải đấu trong nước và quốc tế.

Thành tích tuy có được cải thiện nhưng người Nghệ vẫn trăn trở, bởi những môn thể thao thành tích cao, gây chú ý với dư luận như điền kinh, bơi lội, bóng chuyền, cờ vua… không tạo được dấu ấn và gần như đứng ngoài cuộc ở các giải đấu.

815455_small_105328.jpg

Một buổi tập luyện của các VĐV cờ vua.

Trong các môn thể thao thuộc nhóm Olympic (hay còn gọi là thể thao thành tích cao) bơi lội, điền kinh, bóng chuyền… là những môn thể thao quan trọng có thể tạo điểm nhấn nhưng ở Nghệ An hiện nay, các môn này đang gặp khó. Lý giải về sự yếu kém của môn bóng chuyền, ông Nguyễn Như Tam cho biết: “Môn thể thao này phát triển rất mạnh trong quần chúng, nhưng để thành lập đội bóng, tham gia các giải quốc gia thì chúng ta không đủ tầm. Hiện nay, do khó khăn về tài chính, trung tâm đã giải thể đội bóng chuyền nam. Riêng đội nữ, dù còn tồn tại nhưng chỉ để cho có, bởi khả năng cạnh tranh, có huy chương ở các giải đấu quốc gia là gần như không thể”.

Về môn cờ vua, HLV Trần Văn Sơn, phụ trách bộ môn cho biết: Đa số các VĐV cũng như phụ huynh không xác định lấy đó làm cái nghiệp nên không sống chết được với nghề. Có tiềm năng nhưng bởi các VĐV chỉ tham gia một thời gian ngắn rồi bỏ nên rất khó để nâng tầm bộ môn này.

Mỗi môn có một cái khó riêng, nhưng nhìn chung, cái khó lớn nhất vẫn là thiếu đi sự ủng hộ, tài trợ của các “mạnh thường quân”. Nếu có các doanh nghiệp chung lưng, thì việc tìm lối ra là rất dễ. Riêng như môn bóng chuyền, nhìn ra xa một chút, nhiều địa phương như Thái Bình, Long An, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh luôn đạt thành tích cao ở các giải đấu lớn… Bởi họ có những “đại gia” lớn tài trợ với số tiền mỗi năm lên tới hàng chục tỷ đồng. Họ có chuyển nhượng, có mua bán cầu thủ và hình thành môi trường sinh hoạt chuyên nghiệp, thứ mà chúng ta chưa thể có được.

Những người có trách nhiệm không khoanh tay đứng nhìn, thực tế thì họ cũng trăn trở và kiếm tìm giải pháp, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa mang lại hiệu quả. Để các môn thể thao thành tích cao ở tỉnh ta phát triển xứng tầm rất cần sự chung tay của các ngành hữu quan, đặc biệt là sự hỗ trợ của các “mạnh thường quân” về vấn đề tài chính.


Bài, ảnh: Lâm Vũ