Bộ GD&ĐT cho biết, đội ngũ giảng viên, giáo viên, giảng dạy pháp luật, giáo dục công dân và cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật dù đã được chú trọng bồi dưỡng và chuẩn hóa về kiến thức, phương pháp giảng dạy nhưng vẫn còn thiếu về số lượng và chưa được chuẩn hoá về mặt chất lượng.
Theo thống kê ở 38 sở GD&ĐT, cấp THPT còn thiếu 1339 giáo viên và hơn 15% giáo viên hiện có không đúng chuyên ngành; cấp THCS thiếu 1792 giáo viên và hơn 43% giáo viên hiện có dạy không đúng chuyên ngành. 38,4% giáo viên giảng dạy môn pháp luật của TCCN cũng chưa được đào tạo đúng ngành luật. Một số tỉnh còn rất nhiều giáo viên dạy không đúng chuyên ngành, có một số địa phương giáo viên chuyên ngành thể dục được bố trí dạy giáo dục công dân.
Ảnh minh họa
Đối với các trường nghề, có 95% các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề có đủ giáo viên giảng dạy môn học pháp luật, trong đó 87,8% giáo viên giảng dạy pháp luật đạt chuẩn…
Cũng theo Bộ GD&ĐT, đội ngũ giáo viên, giảng viên giảng dạy giáo dục công dân, giáo viên pháp luật chưa qua đào tạo chính quy về luật, chưa được bồi dưỡng cập nhật kiến thức pháp luật phục vụ việc giảng dạy còn chiếm tỷ lệ lớn. Theo thống kê sơ bộ có 40% giáo viên THCS chưa được đào tạo chính ban về giáo dục công dân; 48,4% giáo viên giảng dạy môn pháp luật của TCCN chưa được đào tạo từ ngành luật mà được đào tạo từ các ngành khác.
Bên cạnh đó, đội ngũ này thường không ổn định, dạy kiêm nhiệm; chưa có chế độ, chính sách thỏa đáng để tạo nguồn giáo viên và để thu hút, gắn bó họ với công việc.
Đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, báo cáo viên pháp luật còn thiếu về số lượng, hạn chế về trình độ chuyên môn và chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ một cách bài bản. Hiện tại mới có 22% cán bộ pháp chế các sở GD&ĐT, 37% cán bộ pháp chế các trường đại học, cao đẳng có trình độ cử nhân luật trở lên.