Tuyến đường cứu hộ, cứu nạn từ bãi tả sông Sở, xã Phú Thành đến kênh tiêu Vách Bắc xã Liên Thành, dài 10 km, khởi công từ năm 2014 đến nay. Tuy nhiên chỉ mới thi công được trên 50% khối lượng lại phải dừng do thiếu đất san lấp.
Đại diện Ban quản lý dự án huyện Yên Thành cho biết: Chúng tôi đã đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ nhưng đất san lấp rất khan hiếm, rất khó mua với số lượng lớn, vì đang cần hàng trăm ngàn m3 đất, đơn vị thi công không biết làm sao. Trong khi tuyến đường này rất quan trọng, chống ngập úng cho 5 xã thường xuyên ngập úng vào mùa mưa lũ.
Việc thi công dang dở đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển KT-XH của địa phương. Người dân đang rất mong chờ tuyến đường này sớm đưa vào sử dụng để ổn định cuộc sống.
Một số tuyến đường giao thông ở Yên Thành phải thi công cầm chừng do thiếu đất. Ảnh: V.T Hiện nay, huyện Yên Thành đang còn các tuyến giao thông trọng điểm khác đang thi công dở như đường nội thị có 8 tuyến thì có 6 tuyến đang dừng thi công do thiếu đất.
Tuyến đường thị trấn đi xã Đức Thành khởi công từ đầu năm 2019, theo kế hoạch hoàn thành vào cuối năm 2020 nhưng do thiếu đất đắp đang thi công cầm chừng. Ngoài ra, còn có 5 công trình thủy lợi xây dựng hồ chứa đang thi công dang dở vì thiếu đất đắp bờ đập.
Việc xây dựng hạ tầng cho cụm công nghiệp thị trấn Yên Thành với diện tích trên 10 ha cũng gặp khó, chỉ mới thi công được trên 70% đường giao thông vào cụm công nghiệp (trên 2 km) nhưng dừng lại vì thiếu đất san lấp. Đơn vị thi công phản ánh, hiện đang thiếu khoảng trên 50.000 m
3 đất san lấp nhưng không biết mua đất ở đâu, vì cả huyện Yên Thành chưa có mỏ đất được cấp phép.
Công trình đường thị trấn đi Đức Thành do thiếu đất san lấp nên thi công cầm chừng. Ảnh: V.T Thời điểm hiện tại, Yên Thành đã thu hút được một số doanh nghiệp về đầu tư, tuy nhiên do thiếu đất san lấp nên doanh nghiệp chưa triển khai thi công mặt bằng.
Hiện nay nhu cầu đất san lấp rất bức thiết, địa bàn huyện Yên Thành có khá nhiều mỏ đá nhưng lại chưa có mỏ đất. Hiện tại huyện Yên Thành đã được quy hoạch 6 điểm mỏ đất, tập trung ở các xã Mã Thành, Nam Thành, Sơn Thành, Đồng Thành, Đức Thành… Huyện đã động viên, khuyến khích các doanh nghiệp làm thủ tục xin cấp giấy phép khai thác đất, tuy nhiên quy trình xin cấp phép làm mỏ đất cũng phức tạp và khó khăn. Để có đất phục vụ cho các công trình xây dựng, huyện đang triển khai thủ tục để trình tỉnh xin được cải tạo bình chỉnh mặt bằng tại khu vực Lô Nhô xã Xuân Thành phục vụ cho công trình tâm linh chùa Gám, vừa có đất để phục vụ nhu cầu xây dựng.
Ông Nguyễn Đức An - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Thành
Thực tế cho thấy, nhu cầu sử dụng đất làm vật liệu xây dựng, san lấp mặt bằng phục vụ các công trình, dự án và nhu cầu dân sinh rất lớn. Cũng chính vì thế tại một số địa phương đã xuất hiện tình trạng khai thác đất trái phép nhỏ lẻ, (chủ yếu các hộ gia đình đào đất để san lấp vườn, còn dôi dư chở ra đi bán).
UBND huyện thường xuyên thành lập đoàn để kiểm tra, xử lý, chỉ tính từ đầu năm 2019 huyện Yên Thành đã xử phạt trên 70 triệu đồng các đối tượng khai thác đất trái phép. Tuy nhiên, vấn đề quản lý khai thác đất trái phép vẫn chưa được triệt để. Vì khi đoàn kiểm tra rút về thì các đối tượng lại lén lút khai thác trộm.
Thiếu đất san lấp nên công trình hạ tầng đấu giá đất thị trấn yên Thành đang phải tạm dừng thi công. Ảnh: V.T Địa phương và các doanh nghiệp mong muốn, khi có doanh nghiệp vào đầu tư xin giấy phép mỏ đất, các cơ quan chức năng cần tạo điều kiện để tháo gỡ khó khăn, cần có cơ chế chính sách linh hoạt, phù hợp để huyện sớm có giấy phép khai thác mỏ đất đáp ứng nhu cầu sử dụng đất san lấp phục vụ cho các công trình.