(Baonghean) Từ năm 2007, Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An triển khai dự án đầu tư, thay thế mạng nước cấp 3 trên toàn địa bàn thành phố. Quá trình triển khai, bên cạnh nguồn vốn của Nhà nước có một phần đóng góp của người dân. Riêng tại khối 10 phường Hồng Sơn, do chưa công khai, minh bạch một số chi phí trong việc lắp đặt đã gây bức xúc trong nhân dân…

 

Khối 10 phường Hồng Sơn - TP. Vinh có trên 80 hộ dân, trước đây do kinh phí còn eo hẹp và để tiết kiệm cho người dân trong quá trình lắp đặt nước máy nên toàn bộ đường ống đều được đặt phía sau nhà các gia đình. Qua nhiều năm sử dụng, do đường ống đã quá cũ, do công nghệ lạc hậu nên nhiều đường ống bị hư hỏng, nước chảy chậm, không đảm bảo vệ sinh ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.







                   Đường ống nước mới được lắp của gia đình ông Phi.



Trước thực trạng này, sau khi có đề xuất của UBND phường Hồng Sơn, Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An đã lên kế hoạch nâng cấp toàn bộ mạng nước cấp 3 ra phía trước khu dân cư nhằm mục đích nâng cao chất lượng nguồn nước sạch, an toàn. Khi kế hoạch này được thông báo, người dân trong khối rất hồ hởi, nhất là khi biết dự án này được tài trợ hoàn toàn và người dân chỉ phải đóng kinh phí lắp đặt đường ống kể từ sau công tơ vào nhà. Thế nhưng, khi việc lắp đặt đã được thực hiện xong, người dân mới ngã ngửa khi biết rằng,sgọi là “tài trợ” nhưng số tiền mà các hộ dân phải đóng thêm không hề nhỏ và không hiểu công ty căn cứ vào các văn bản nào để thu các khoản phí trên.



Ông Phi (ở ngõ 4, khối 10) bức xúc cho biết: “Lẽ ra trước khi lắp đặt, nhà máy nước cần phải có dự toán kinh phí cho công trình, sau khi lắp đặt nghiệm thu xong, người dân đóng tiền thì phải có hóa đơn. Nhưng ở đây, tất cả đều không có. Nhà tôi, từ đường ống chính đi vào nhà chưa đến 1m, công tơ đã có sẵn rồi chỉ phải mua thêm một hộp đồng hồ và một số phụ kiện nhỏ, thế mà bị thu đến 893.000 đồng, trong đó riêng tiền công thu 2 lần đã mất khoảng 450.000 đồng.



Các khoản thu khác, chúng tôi không biết nhân viên nhà máy nước căn cứ vào đâu để tính toán cho các hộ dân, người dân chỉ biết trong sổ tay của nhân viên ghi thế nào thì đóng thế thôi, không có hóa đơn”. Chị Nga, gia đình bên cạnh cũng thắc mắc: Theo quy định tất cả các công trình do Nhà nước làm chủ đầu tư khi làm xong phải có hóa đơn, chứng từ vì còn liên quan đến việc nộp thuế. Nếu việc này bị “bỏ qua” thì liệu Nhà nước có thất thu hay không?.



Khi đề cập những thắc mắc trên của người dân, bản thân ông Trần Văn Tùng – Trưởng phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, Công ty TNHH một thành viên cấp nước Nghệ An rất bất ngờ và cho biết: Theo quy định của công ty, tất cả các công trình đầu tư cải tạo mạng nước cấp 3 muốn triển khai đều phải thực hiện theo thứ tự. Đầu tiên là công ty làm việc với chính quyền địa phương, sau đó họp dân cư ở khối xóm để thông qua chi phí đầu tư. Trước khi tiến hành lắp đặt, nhân viên nhà máy nước sẽ đem hồ sơ thiết kế, dự toán cho từng gia đình để nghiên cứu, xem xét, nếu có thắc mắc sẽ tiến hành chỉnh sửa. Sau khi đầu tư xong mới tiến hành thu tiền các hộ dân.



Như vậy, với quy trình trên, so sánh với việc làm mà tổ bắt nước thuộc chi nhánh dịch vụ cấp nước số 1 do ông Đậu Công Hải - tổ trưởng tổ xây lắp sửa chữa chi nhánh 1- đang thực hiện tại khối 10 phường Hồng Sơn ông Tùng cho rằng: Đó là việc làm trái với quy định và việc người dân thắc mắc là hoàn toàn có cơ sở.



Trước sự việc này, ông Phan Trinh – Trưởng chi nhánh dịch vụ cấp nước số 1 đã thừa nhận những thiếu sót của chi nhánh trong quá trình lắp đặt, cải tạo mạng nước cấp 3 ở khối 10, phường Hồng Sơn, việc “làm tắt” của chi nhánh là sai quy trình. Ông Tùng cũng cho biết thêm: Nếu 1 hộ dân cấp 1 hóa đơn thì rất lãng phí và thường thì “khi nào xong công trình đơn vị nào có yêu cầu thì chúng tôi mới cấp 1 hóa đơn chung”(?). Riêng về sự việc làm tắc trách của chi nhánh 1, ông Tùng yêu cầu: Chi nhánh cần phải khẩn trương bổ sung hồ sơ thiết kế dự toán, dựa trên hồ sơ này, người dân có thể tính toán chi phí lắp đặt cho gia đình mình. Nếu thấy giữa số tiến đã nộp và tiền dự trù có chênh lệch thì đến trực tiếp công ty để kiến nghị. Trường hợp nhân viên nhà máy nước làm sai, tính sai các khoản theo quy định thì sẽ bị xem xét kỷ luật và công ty phải thanh toán lại tiền cho dân.