Thiết bị mới giúp "vắt không khí ra nước" của các nhà khoa học - Ảnh: MIT
Theo trang Technology Review, thiết bị là công trình của nhóm nghiên cứu thuộc Việc công nghệ Massachusetts (MIT) và phòng thí nghiệm của giáo sư Omar Yaghi tại Đại học California, Berkeley (UCB).
Nhóm hi vọng sẽ hoàn thiện tối đa công nghệ mới này để nó trở thành giải pháp cung cấp nước ngọt cho những khu vực khô hạn và nghèo nhất thế giới.
Thiết bị sử dụng một loại vật liệu mới có khả năng hấp thụ hơi nước từ không khí để có thể "vắt" khí trời thành nước ở cấp độ hiệu quả chưa từng có trước nay.
Cụ thể, 1kg vật liệu mới khi hoạt động trên thiết bị này có thể tạo ra vài lít nước mỗi ngày trong điều kiện độ ẩm của môi trường là 20% - độ ẩm phổ biến tại các khu vực khô hạn nhất thế giới.
Công nghệ này hứa hẹn tiềm năng giải quyết một trong những thách thức lớn nhất của thế giới.
Năm ngoái, một báo cáo đăng tải trên tạp chí Science Advances cho biết khoảng 4 tỉ người (trong đó gần một nửa sống tại Ấn Độ và Trung Quốc) đang đối mặt với tình trạng "khan hiếm nước nghiêm trọng ít nhất một tháng một năm".
Theo đó, tình trạng thiếu nước đang tác động tới 2/3 dân số thế giới. Cùng với những diễn biến ngày càng cực đoan của tình trạng biến đổi khí hậu, giới khoa học đồ rằng mức độ khan hiếm nước sạch sẽ gia tăng trong thời gian tới.