(Baonghean) - Thiên tai tự nhiên là những tác nhân chưa bao giờ vắng bóng trong lịch sử thế giới. Một mặt, đó là những mối hoạ đối với con người nhưng lại cũng có ý kiến cho rằng, đó là một biện pháp tự cân bằng của tự nhiên. Nhưng cũng có lúc, thiên tai tự nhiên lại được con người “tận dụng” để phục vụ cho những mục đích cá nhân của mình…
 
Hàn Quốc “suy yếu” vì co-MERS
 
Thứ Tư ngày 17/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra kết luận về tình trạng dịch co-MERS tại Hàn Quốc và cảnh báo “đây là hồi chuông báo động đối với tất cả các quốc gia”. Bộ Y tế Hàn Quốc từ đó đến nay vẫn không ngừng đưa ra những thông báo mới về số người mới nhiễm bệnh và số ca tử vong có chiều hướng gia tăng.
 
images1180867_nhi_u_du_kh_ch__eo_kh_u_trang_khi_t_i_h_n_qu_c_v__lo_ng_i_d_ch_mers____nh_ap.jpgNhiều du khách đeo khẩu trang khi tới Hàn Quốc vì lo ngại dịch MERS. Ảnh: AP
Trước đó, thứ Ba ngày 16/6, Ủy ban khẩn cấp của WHO đã họp bàn về tình hình lây lan chưa kiểm soát được triệt để tại ổ dịch Hàn Quốc. Đây cũng là ổ dịch lớn nhất ngoài Ả Rập Xê-út - nguồn dịch đầu tiên của căn bệnh do nhóm siêu vi này gây ra. Phát biểu tại buổi họp báo ở Geneva, Phó Giám đốc phụ trách an toàn sức khoẻ của WHO - ông Keiji Fukuda cho biết: “Ổ dịch tại Hàn Quốc thực sự là một điều bất ngờ đối với thế giới” và đây cũng là một trong những lý do dẫn phản ứng có phần chậm trễ của các cơ quan, tổ chức y tế. Ông cũng đưa ra kết luận rằng đó là bài học cho các quốc gia khác, “chuẩn bị sẵn sàng” để ứng phó với những dịch bệnh kiểu như thế này. 
 
Ông cũng cho biết rằng quan điểm chung của Ủy ban là “tình hình bệnh dịch rất đáng quan tâm, chú trọng nhưng chưa nghiêm trọng đến mức độ đe doạ khẩn cấp đến sức khoẻ cộng đồng ở tầm thế giới”. Cho đến thời điểm mà ông đưa ra tuyên bố trên, tại Hàn Quốc đã có 162 người được phát hiện nhiễm co-MERS và 19 người được tuyên bố chính thức khỏi bệnh. Với tỷ lệ tự vong là 10,7%, căn bệnh này gây tử vong ở Hàn Quốc ít hơn tại ổ dịch chính Ả Rập Xê-út với 412 ca tử vong trên tổng số 950 ca nhiễm bệnh (tức 35%) kể từ năm 2012 đến nay. Hiện vẫn chưa có vắc-xin đặc trị cho căn bệnh này. 
 
Tương tự với các dịch bệnh về đường hô hấp khác, co-MERS không chỉ đe doạ đến sức khoẻ cộng đồng mà còn gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng cho các lĩnh vực khác của xã hội. Một trong số đó là ngành Du lịch: theo thống kê của Tổ chức du lịch Hàn Quốc vào ngày 14/6, hơn 100 nghìn khách du lịch (chủ yếu đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản) đã quyết định huỷ tour du lịch tới Hàn Quốc sau khi có thông tin về dịch bệnh. Con số này chắc chắn sẽ còn tăng lên sau kết luận hôm 17/6 của WHO, khuyến cáo khách du lịch hạn chế di chuyển đến Hàn Quốc. 
 
Không chỉ đối với người nước ngoài, việc di chuyển cũng bị hạn chế đáng kể đối với người bản địa. Người dân được khuyến cáo tránh đi đến nơi đông người, đeo khẩu trang và thực hiện các biện pháp phòng bệnh - khiến sức tiêu thụ của người tiêu dùng giảm rõ rệt. Các trung tâm thương mại lớn ghi nhận mức giảm 16,5%, trong khi con số này là 3,4% đối với các siêu thị trong tuần đầu tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái. Lượng khách xem phim giảm 54,9% và lượng tham quan các viện bảo tàng giảm 81,5%. 
 
Chính phủ Hàn Quốc đã đưa ra các biện pháp như bảo hiểm miễn phí cho khách du lịch nước ngoài, hạ mức lãi suất vay và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong các lĩnh vực chịu thiệt hại nghiêm trọng bởi dịch bệnh. Hiện nay theo tính toán của Viện nghiên cứu Nomura thì co-MERS đang khiến Hàn Quốc mất đi 0,3% lượng GDP năm 2015 và nếu không kịp thời đưa ra các biện pháp kìm hãm cuộc khủng hoảng, con số cuối cùng có thể lên đến 1%. Chừng đó là đủ để làm “rúng động” nền kinh tế vốn đang trong tình trạng “nhạy cảm” với nợ công lên đến hơn 760 tỷ won (609 tỷ euro). Trong bối cảnh đó, co-MERS dường như đã “đổ thêm dầu vào lửa” - một tin không lấy làm vui vẻ cho người Hàn Quốc. 
 
Báo động đỏ về an ninh lương thực ở Triều Tiên
 
Đại diện của Chương trì lương thực thế giới bày tỏ sự lo ngại về sản lượng khoai tây, lúa mì và lúa mạch tại Triều Tiên, được dự đoán là sẽ thấp hơn mức sản lượng năm 2014 đến 50%. Nguyên nhân mất mùa là những đợt hạn hán nghiêm trọng kéo dài kể từ đầu mùa hè đến nay. 
 
Ngày 16/6, hãng thông tấn quốc gia KCNA đã đưa ra cảnh báo: “Đây là đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử 100 năm qua tại nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp”. Cơn mưa hiếm hoi được dự báo vào ngày 20/6 này được mong đợi với những hy vọng từ khắp bán đảo, bởi hạn hán đồng nghĩa với mối đe doạ về an ninh lương thực. 
 
Ngày 18/6, Liliana Balbi của Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên Hợp quốc (FAO) nhận định “Tình hình rất nghiêm trọng và đáng lo ngại”. Các đại diện của FAO đã đi khảo sát trực tiếp vào ngày 10/6 và cho biết nhiều giếng khoan và hồ chứa nước đã cạn kiệt. Sản lượng gạo năm nay có thể sẽ chỉ đạt 2,3 triệu tấn, giảm 12% so với năm 2014. 
 
Đợt hạn hán tồi tệ nhất trong lịch sử 100 năm qua đang tiếp diễn ở Triều Tiên gây thiệt hại lớn.
Theo một báo cáo của Liên Hợp quốc hồi tháng 4 vừa qua, 70% dân số của Triều Tiên đứng trước nguy cơ “an ninh lương thực không đảm bảo”. Đáp lại, Chương trình lương thực thế giới đã kêu gọi được 111 triệu USD để giúp đỡ cộng đồng này. Ông David Kaatrud, Giám đốc chương trình tuyên bố: “Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là những người “canh gác” mà còn phải sẵn sàng phản ứng trong trường hợp cần thiết”. Tuy nhiên, việc tiếp nhận hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế là một vấn đề khá phức tạp đối với Pyongyang khi mà Triều Tiên muốn nắm quyền kiểm soát phân chia các gói hỗ trợ. 
 
Ngày 18/6, Trung Quốc cũng tuyên bố dự định hỗ trợ lương thực cho Triều TiênTiên, trong khi Mỹ thì lại “im hơi lặng tiếng” về vấn đề này - một điều có thể giải thích được trong bối cảnh Triều Tiên bị cấm vận kinh tế vì các hoạt động hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Cũng trong ngày 18/6, Danny Russell - người chịu trách nhiệm về Đông Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ đã lên tiếng kêu gọi Triều Tiên từ bỏ “sự ảo tưởng về việc vừa được tự do theo đuổi chương trình hạt nhân, vừa được cộng đồng quốc tế hỗ trợ về kinh tế”. Triều Tiên vẫn chưa lên tiếng đáp trả lại thông điệp này. 
 
Có vẻ như thiên nhiên đang không đứng về phía Triều Tiên, nhất là trong bối cảnh mà đàm phán giữa nước này với các quốc gia trên thế giới về vấn đề hạt nhân đang căng thẳng. Nhiều người đã nhắc lại ký ức về nạn đói năm 1994 - 1997, với hơn 1 triệu người chết. Và điều nguy hiểm hơn cả chính nạn đói đơn thuần, đó là việc biến nó thành vũ khí chính trị - điều mà nhiều chuyên gia nhận định và cảnh báo.
 
Thục Anh 
(Theo Le monde)