Ngày 24/6, website Làng Mai thông báo, quỹ Hòa bình Schengen và Diễn đàn Hòa bình Thế giới vừa trao một hạng mục của giải thưởng Hòa bình Luxembourg lần thứ 8 (năm 2019) cho thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Sư Pháp Hữu, trụ trì chùa Pháp Vân (xóm Thượng, Làng Mai, Pháp) đại diện cho thiền sư Thích Nhất Hạnh tới Luxembourg nhận giải thưởng này vào ngày 14/6.
Lễ trao giải được tổ chức tại Tòa nhà Quốc hội châu Âu ở Luxembourg. Bộ trưởng Lao động Luxembourg tham dự cùng 150 quan khách là nhà khoa học, đạo diễn, nghệ sĩ, bác sĩ...
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (ngồi giữa) tại chùa Từ Hiếu đầu năm 2019. Ảnh: Võ Thạnh. Giải thưởng Hòa bình Luxembourg gồm 10 lĩnh vực, trong đó giải Hòa bình nội tâm (Inner Peace) được trao cho thiền sư Thích Nhất Hạnh.
Theo quỹ Hòa bình Luxembourg, thiền sư Thích Nhất Hạnh là một nhà lãnh đạo tinh thần, nhà thơ và nhà hoạt động hòa bình toàn cầu, được tôn kính trên khắp thế giới vì những bài pháp thoại đầy thuyết phục và những cuốn sách bán chạy nhất về chánh niệm và hòa bình.
Giáo lý quan trọng của thiền sư là với chánh niệm, "chúng ta có thể học cách sống hạnh phúc trong hiện tại, đây là cách duy nhất để thực sự có được bình an trong tự thân và trên thế giới".
Quỹ cũng đề cập đến việc thiền sư là người tiên phong trong việc đưa Phật giáo đến phương Tây, thành lập 6 tu viện và hàng chục trung tâm thực tập chánh niệm tại Mỹ và châu Âu, cũng như hơn 1.000 cộng đồng thực hành chánh niệm địa phương, được gọi là tăng thân (sangha).
Ông đã xây dựng một cộng đồng thịnh vượng với hơn 700 các vị xuất sĩ trên toàn thế giới cùng với hàng chục nghìn đệ tử tại gia, những người thực tập những lời dạy của ông về chánh niệm, bình an.
"Thiền sư Thích Nhất Hạnh, hiện ở tuổi 93, là một tu sĩ hiền lành, khiêm nhường – người mà mục sư Martin Luther King gọi là sứ giả của hòa bình và bất bạo động", quỹ Hòa bình Luxembourg nêu.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh (sinh năm 1926 tại Thừa Thiên Huế). Ông xuất gia tại chùa Từ Hiếu năm 16 tuổi. Đến nay ông là tổ đời thứ 8 của môn phái Từ Hiếu, đời thứ 42 của thiền phái Lâm Tế.
Năm 40 tuổi, ông rời Việt Nam, sáng lập dòng tu Tiếp Hiện và thiết lập các trung tâm thực hành, thiền viện ở nhiều nước.
Tháng 10/2018, ông từ nước ngoài trở về chùa Từ Hiếu (Huế) để an dưỡng. Theo ý nguyện của thiền sư, ngài muốn sống tại tổ đình Từ Hiếu cho đến ngày viên tịch.