Đối mặt với làn sóng dịch mới
Trong sáng ngày 25/10, Nghệ An tiếp tục ghi nhận thêm những ca nhiễm Covid-19 mới. Cụ thể có 25 ca nhiễm ở tại 10 địa phương. Như vậy, lũy tích từ đầu mùa dịch đến nay, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2.257 bệnh nhân (BN) mắc Covid-19 ở 21 địa phương. Dịch Covid-19 đang hiện diện và có những diễn biến phức tạp đe dọa sự yên bình, phát triển của địa phương.
Ở thời điểm này, ngoài những ca nhiễm tại khu cách ly thì ở tỉnh đang có 2 địa phương có ca nhiễm từ nguồn lây nhiễm cộng đồng là TP Vinh và huyện Nghi Lộc. Trong 25 ca mới ghi nhận sáng 25/10, thì TP Vinh có 13 ca (11 ca trong khu phong tỏa; 02 ca là F1).
Và trong 10 ngày qua, TP Vinh xuất hiện 69 ca F0, thuộc 10 nhóm lây nhiễm chính: Đường Bùi Huy Bích; đường Nguyễn Trương Khoát; phường Bến Thủy; phường Trung Đô; phường Hưng Dũng; phường Hưng Bình; phường Đông Vĩnh; Xưởng may Vinh Tân; Bệnh viện Ung bướu Nghệ An và các ca sàng lọc cộng đồng… Cũng trong 10 ngày qua, ở huyện Nghi Lộc có 12 F0, thuộc 4 nhóm, gồm các xã Nghi Xuân, Nghi Trung, Nghi Thạch và Nghi Thịnh.
Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ: Các nhóm lây nhiễm ở TP Vinh đều có xuất phát điểm từ “ổ dịch” tại đường Bùi Huy Bích (phường Hà Huy Tập – xã Hưng Lộc). Còn tại huyện Nghi Lộc, nhóm lây nhiễm ở xã Nghi Xuân được xác định từ “ổ dịch” cũ tại phường Nghi Hải (TX.Cửa Lò); nhóm lây nhiễm ở xã Nghi Trung từ ca nhiễm ở miền Nam trở về; riêng 2 nhóm lây nhiễm ở xã Nghi Thạch và Nghi Thịnh thì chưa xác định được nguồn lây.
PGS.TS Dương Đình Chỉnh cho rằng: Nghệ An đã và đang phải đối mặt với một làn sóng dịch mới. Nguồn lây chính là từ những người ở các tỉnh, thành miền Nam trở về, đi qua mang theo virus SARS-CoV-2. Dẫu cả hệ thống chính trị - xã hội của tỉnh đã có nhiều cố gắng ngăn chặn song dịch vẫn lây lan ra cộng đồng.
Theo thống kê của ngành y tế Nghệ An: Từ ngày 01/10 đến nay, tổng số công dân từ các tỉnh phía Nam về là 22.265 người. Trong đó, các cơ quan chức năng đã phát hiện 254 ca dương tính (251 ca nhiễm mới, 3 ca tái dương tính).
Người dân có biểu hiện lơ là, chủ quan
Đối mặt với làn sóng dịch mới với nhiều nguy cơ song phải nói rằng ở thời điểm này người dân nói chung và một bộ phận thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch ở cơ sở vẫn có biểu hiện lơ là, chủ quan. Biểu hiện rõ ràng nhất đó là khi toàn tỉnh Nghệ An vẫn trong cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) song nhiều người dân ra đường, tiếp xúc với nhau không mang khẩu trang và giữ khoảng cách theo đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.
Khi một số dịch vụ không thiết yếu (làm đẹp, massage, vũ trường, quán bar, karaoke, internet, trò chơi điện tử..) ở tại vùng cấp độ 1 (nguy cơ thấp – bình thường mới) được phép mở lại thì đã có nhiều người quên đi những nguy cơ dịch khi thực hành những dịch vụ này…Ngoài ra còn có một số trường hợp có liên quan đến ca nhiễm song không tự giác khai báo trung thực ( chỉ được phát hiện sau khi đã trở thành F0).
Nhiều người dân đang mất đi thói quen “tự bảo vệ bản thân”. Sự chủ quan, lơ là này có thể lý giải là biểu hiện giải phóng tâm lý sau một thời gian dài phải thực hiện các biện pháp phong tỏa, cách ly, hạn chế. Sự chủ quan, lơ là biểu hiện rõ nhất ở những người đã được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Họ cố tình quên đi một thực tế: Ngay cả những người đã được tiêm 2 mũi vắc xin vẫn bị lây nhiễm. (Tính riêng trong 254 ca nhiễm là công dân từ miền Nam trở về, có tới 40 bệnh nhân đã được tiêm 2 mũi vắc-xin, 106 bệnh nhân đã được tiêm 1 mũi vắc-xin).
Và hiện nay, Nghệ An chưa thể đạt được miễn dịch cộng đồng ( 70% người dân được tiêm 2 mũi vắc xin phòng Covid-19). Tỷ lệ người dân toàn tỉnh được tiêm một mũi vắc xin phòng Covid-19 mới đạt 38%, tiêm 2 mũi mới đạt 4%.
Có biểu hiện chủ quan
Trong 4 làn sóng dịch Covid-19 trước, phải nói rằng, công tác truyền thông nói chung, đặc biệt là hệ thống truyền thanh cơ sở đã được quan tâm, đẩy mạnh, phát huy tốt hiệu quả. Giúp cho người dân nâng cao nhận thức về dịch, ý thức tự bảo vệ và đồng hành cùng các cấp, ngành chống dịch…
Tuy nhiên trong thời gian gần đây, thời lượng, tần suất truyền tải thông tin về các chủ trương, đường lối, chính sách, quy định, khuyến cáo liên quan dịch Covid-19 trên các kênh, hệ thống truyền thanh thôn/xóm/khối/bản, xã/phường/thị trấn đã có phần giảm sút. Đây là điều mà mỗi người dân đều có thể cảm nhận và cũng đã được nêu rõ tại các cuộc họp, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo và Trung tâm Chỉ huy Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Nghệ An thời gian qua.
Sự lơi lỏng còn thể hiện ngay ở các vùng dịch lưu hành: Đã có trường hợp nhận định sai đối tượng về từ vùng dịch; điều tra, truy vết không kỹ, bỏ sót F1, để F1 không đúng đối tượng được cách ly tại nhà; dân quân tham gia trực chốt đi vào khu phong tỏa nguy cơ cao, tiếp xúc với F1; có hiện tượng trạm y tế gọi F1 (đang cách ly tại nhà) rời khu phong tỏa lên trạm để lấy mẫu xét nghiệm; có trường hợp người dân trong khu phong tỏa thông chốt để di chuyển ra khỏi địa phương sau đó được xét nghiệm là F0.
Sự lơ là và chủ quan của người dân, sự lơi lỏng của một bộ phận thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch ở cơ sở là rất đáng lo ngại. Điều này được ví von như những đợt sóng ngầm nội tại làm xói mòn, lung lay “chân tường” của “thành trì” phòng, chống dịch mà cả hệ thống chính trị, xã hội và cộng đồng cố gắng xây dựng, vun đắp lâu nay.
Chủ động thích ứng, phòng chống dịch hiệu quả
PGS.TS Dương Đình Chỉnh – Phó Chỉ huy Trưởng Trung tâm Phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh, Giám đốc Sở Y tế Nghệ An nêu rõ: Trong trạng thái, tình hình mới, các ca F0 sẽ tiếp tục xuất hiện. Sự chuyển biến từ chiến lược “Zero Covid-19” sang “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” không đồng nghĩa với việc buông xuôi. Yêu cầu đặt ra đối với các cấp, ngành, địa phương và người dân là cần phải chủ động phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ; Quyết định 3896/QĐ-UBND và Kế hoạch 538/KH-UBND của UBND tỉnh Nghệ An.
Cụ thể: Các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác điều tra, truy vết, tìm kiếm người liên quan đến F0; tăng cường công tác truyền thông để người dân nâng cao ý thức phòng dịch, tự bảo vệ bản thân, đặc biệt những người có triệu chứng sức khỏe bất thường cần lên trạm y tế để khám sức khỏe và xét nghiệm Covid-19 miễn phí.
Các địa phương cần nhận định, đánh giá đúng cấp độ dịch. Việc xác định cấp độ dịch cần chính xác, thường xuyên, càng sát từng khu vực nhỏ (khối/xóm/thôn/bản) để có thể triển khai các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Cần thực hiện “khoanh vùng rộng, cách ly hẹp”, tự quyết định việc mở các dịch vụ không thiết yếu để xét nghiệm không để bỏ sót F0 và “vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế”…
Theo các chuyên gia dịch tễ: Dịch Covid-19 ở Nghệ An hiện vẫn đang trong tầm khống chế, kiểm soát. Song trong tình huống xấu hơn thì cần phải chuyển đổi chiến lược đó là tập trung nâng tỷ lệ tiêm vắc xin và nâng cao năng lực điều trị Covid-19 ở tại tuyến y tế cơ sở…/.