(Baonghean) - Thông qua triển khai và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo”, thời gian qua, nhiều địa phương, khu dân cư ở thị xã Hoàng Mai có nhiều sự đổi thay về kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh trật tự và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. 

Thôn 4, xã Quỳnh Liên, có 172 hộ với 637 nhân khẩu. Đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Khi có chủ trương vận động nhân dân chuyển đổi ruộng đất theo Chỉ thị 08-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban cán sự xóm nhận thấy đây là cơ hội để vận động nhân dân dồn điền, đổi thửa, tập trung đầu tư thâm canh. Với 42 ha đất màu, sau chuyển đổi, mỗi hộ chỉ còn 1 - 2 thửa, từ đó người dân đã đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động cho cây màu, đưa máy cày vào khâu làm đất; cùng với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để đưa hệ thống điện ra đồng. Ông Nguyễn Hữu Thanh, một trong những người tiên phong trong phong trào, chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 7 sào đất màu, sau chuyển đổi, tôi tập trung đầu tư thâm canh gối vụ mùa nào thứ đó, nào cà rốt, củ cải, mướp đắp, dưa lê, dưa hấu... mỗi sào thu nhập ít nhất 10 triệu đồng/năm”. Ông Thanh cũng cho biết, hiệu quả sau chuyển đổi ruộng đất gắn với áp dụng KHKT, năng suất và hiệu quả các loại cây trồng đều tăng gấp đôi, gấp ba so với trước đây, tạo niềm tin và phấn khởi rất lớn cho nhân dân.

Cán bộ xã Quỳnh Lộc (Thị xã Hoàng Mai) kiểm tra chất lượng giống tôm nuôi.

Không chỉ hoàn thành chuyển đổi ruộng đất đầu tiên của xã, ở thôn 4, bằng việc nắm chắc tình hình tư tưởng và tâm lý nhân dân, cấp ủy, ban cán sự thôn đã thành công trong việc vận động người dân hiến đất mở đường, làm GTNT. Thông qua vận động, đã có hơn 100 hộ dân tự nguyện hiến đất, hiến tài sản và đóng góp tiền, ngày công để hoàn thành toàn bộ 5 tuyến đường dài 2,5 km. Đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Bí thư Chi bộ, kiêm Tổ trưởng Tổ Dân vận thôn 4, chia sẻ kinh nghiệm: “Dân vận là phải vận động được tất cả mọi người cùng hợp sức lại thành một hành động, một ý chí vì phong trào chung. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi người làm công tác dân vận phải thực sự khéo léo để vận động được tất cả các đối tượng…”. 

Từ phát huy sức mạnh của mô hình “Dân vận khéo”, ở khối 7, phường Quỳnh Xuân đã lựa chọn mô hình vận động nhân dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Là khối có 100% đồng bào theo đạo Thiên Chúa giáo, trong những năm qua, song song với việc vận động nhân dân phát triển kinh tế, khối chú trọng vận động bà con xây dựng đời sống văn hóa, gia đình thuận hòa, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu thảo hiền, vun đắp tình làng, nghĩa xóm. Hàng năm, khối vận động 100% hộ đăng ký thực hiện các nội dung thi đua, giữ gìn nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; chăm lo việc học tập cho con em.... Đặc biệt, phát huy tinh thần tự giác, các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào tự quản về an ninh trật tự, chấp hành các chủ trương, chính sách và pháp luật của Nhà nước; phát huy vai trò của các tổ hoà giải ở từng khu dân. 

Những năm qua, công tác dân vận được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể quần chúng từ thị xã đến cơ sở đặc biệt quan tâm, chỉ đạo thực hiện. Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được chú trọng đẩy mạnh thông qua việc xây dựng các mô hình, điển hình cụ thể. 3 đơn vị xây dựng mô hình điểm “Dân vận khéo”, gồm mô hình vận động nhân dân hiến đất mở đường, bê tông hóa giao thông nông thôn tại xã Quỳnh Liên; cánh đồng mẫu lớn đạt trên 50 triệu đồng/ha tại xã Quỳnh Vinh; khu phố văn minh, xanh - sạch - đẹp, tại khối 12, phường Quỳnh Xuân. Theo đó, các cấp, các ngành đã xây dựng nhiều mô hình, điển hình “Dân vận khéo” cụ thể, thiết thực gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. 

Trên lĩnh vực phát triển kinh tế, các mô hình “Dân vận khéo” được gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Điển hình như xây dựng cánh đồng mẫu lớn đạt 50 triệu đồng/ha tại các xã Quỳnh Vinh, Quỳnh Trang; mô hình “Tổ đồng quản lý nghề cá ven bờ” tại xã Quỳnh Lập; mô hình trồng lúa kết hợp với rau màu tại phường Mai Hùng; mô hình trồng rau màu hàng hóa đem lại thu nhập cao tại xã Quỳnh Liên; mô hình nuôi trồng thủy, hải sản ở các phường Quỳnh Xuân, Mai Hùng và xã Quỳnh Lộc…

Bên cạnh đó còn có mô hình “Dân vận khéo” trong vận động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng ở các xã, phường Quỳnh Liên, Quỳnh Lộc, Quỳnh Xuân, Quỳnh Thiện, Quỳnh Dị... Các mô hình điển hình ở các khối: 5, 11, 13 (phường Quỳnh Xuân); khối Tân Hương (Quỳnh Thiện); khối 1, khối 8 (Mai Hùng) về vận động nhân dân giải phóng mặt bằng mở rộng Quốc lộ 1A đoạn đi qua Thị xã Hoàng Mai; các mô hình “Dân vận khéo” trong vận động nhân dân thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tại 10/10 xã, phường; mô hình vận động đồng bào Thiên Chúa giáo “sống tốt đời, đẹp đạo”; mô hình gia đình, dòng họ khuyến học; mô hình “CLB không sinh con thứ 3”; “An toàn nghề cá, bình yên biển đảo”; “Nghe dân nói, nói dân tin”; mô hình “Thắp sáng đường quê”... 

Đồng chí Võ Văn Dũng, Phó Bí thư Thường trực Thị ủy, cho biết: Từ năm 2013 đến nay, Thị xã Hoàng Mai đã xây dựng và nhân rộng 186 mô hình, điển hình “Dân vận khéo”. Hiệu quả của các mô hình mang lại không chỉ góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững trật tự an ninh trên địa bàn mà còn góp phần thực hiện tốt Quy chế dân chủ cơ sở, gắn với cải cách hành chính; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng; công tác điều hành quản lý của chính quyền; nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ và các đoàn thể. Thời gian tới, Thị ủy tiếp tục nhân rộng các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” gắn với công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh; động viên và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để phát triển kinh tế - xã hội. 

MINH CHI