thi-xa-hoang-mai-huong-toi-do-thi-du-lich-bien-hinh-anh-1.jpgThị xã Hoàng Mai nhìn từ trên cao. Ảnh: Nhật Thanh
GIÀU TRẦM TÍCH LỊCH SỬ, VĂN HÓA
Hoàng Mai là địa phương cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Nghệ An; nằm cách Thủ đô Hà Nội chừng 220km về phía Nam. Thị xã chính là điểm giao thoa giữa hai đô thị lớn nhất của Bắc Trung bộ là TP. Thanh Hóa và TP. Vinh. Nếu Nghệ An là hình ảnh thu nhỏ của Việt Nam, thì Hoàng Mai chính là hình ảnh thu nhỏ của Xứ Nghệ: Nơi đây hội tụ đầy đủ ba vùng sinh thái của tỉnh là biển - đồng bằng - rừng núi; Thị xã có đường huyết mạch thiên lý Bắc Nam - Quốc lộ 1 chạy qua; lại được dòng Mai Giang xanh trong uốn lượn đắp bồi phù sa... Tất cả đã tạo cho Hoàng Mai những làng mạc, phố xá trù phú, hữu tình. Trên bình diện cả nước, hiếm có địa phương nào mang trong mình nhiều dấu ấn về vị trí địa lý, cảnh sắc đặc biệt, độc đáo đến vậy.
Đêm hội Đền Cờn vào đêm. Ảnh: Sở Du lịch Nghệ An
Thị xã Hoàng Mai rất “giàu có” các giá trị văn hóa lịch sử, với 75 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, gần 80 giá trị di sản phi vật thể được nghiên cứu, quản lý và xếp hạng (trong đó có 6 di tích cấp quốc gia, 7 di tích cấp tỉnh). Có thể kể đến như: Đền Cờn (phường Quỳnh Phương - được xem là nơi linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ); Đền Vưu (xã Quỳnh Vinh) thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang; Đền Xuân Úc (xã Quỳnh Liên) thờ tướng Đặng Tế; Đền Xuân Hòa (xã Quỳnh Xuân) thờ Cao Sơn Cao Các; Đền Phùng Hưng (xã Quỳnh Xuân) thờ Phùng Hưng, Phương Dung Công chúa, Bạch Y Công chúa, Uyên Hòa công chúa...
Hang Hỏa Tiễn - chứng tích về sự hy sinh của 33 chiến sĩ thanh niên xung phong ngành đường sắt. Ảnh Thành Chung
Trong hệ thống di tích đa dạng phong phú đó, nổi bật lên là Kênh Nhà Lê - Con kênh nối thông từ kinh đô Hoa Lư tới Đèo Ngang. Con sông này được xem là tuyến đường thủy đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, được đào từ thời Vua Lê Hoàn dùng để vận tải quân lương về phía nam Đại Cồ Việt nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ và phát triển nền nông nghiệp nước nhà. Sau đó, được quân dân ta sử dụng trong kháng chiến chống Mỹ. Hiện nay nhiều đoạn sông đã được công nhận là tuyến đường thủy quốc gia và Kênh Nhà Lê tại Nghệ An được xếp hạng di tích quốc gia.
Đua thuyền lễ hội Đền Cờn. Ảnh: Sở Du lịch Nghệ An
Bên cạnh Kênh Nhà Lê, thị xã Hoàng Mai còn có 1 di tích lịch sử rất quan trọng trong lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc, đó là Hang Hỏa Tiễn - chứng tích về sự hy sinh của 33 chiến sĩ thanh niên xung phong ngành đường sắt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; là khúc tráng ca hữu hình về một thời đạn bom khói lửa ở một xứ sở vẫn được xem là phên dậu thành đồng của Tổ quốc, của một thời kỳ “Quỳnh Lưu chiến địa/Mai Giang huyết hồng...”, “đường chưa thông không tiếc máu xương...”.
Bên cạnh các di tích, Hoàng Mai “đậm đặc” những giá trị văn hóa dân gian mà biểu hiện cụ thể qua những lễ hội truyền thống hấp dẫn, thu hút du khách. Nổi bật hơn cả chính là Lễ hội Đền Cờn (được công nhận là di sản phi vật thể cấp quốc gia năm 2016) gắn với cụm di tích Đền Cờn.
Chạy kiệu cầu Ngư. Ảnh: Nhật Thanh
Đây là lễ hội có quy mô lớn nhất, cổ xưa nhất, giàu bản sắc nhất và có thời gian tổ chức dài nhất so với các lễ hội khác của Nghệ An. Đến với Lễ hội Đền Cờn vào dịp đầu Xuân, du khách có thể thưởng ngoạn di tích đền có giá trị về mặt kiến trúc được xếp vào hạng danh lam bậc nhất xứ Nghệ; tham gia nhiều hoạt động văn hóa dân gian, cổ truyền nay được phục dựng như lễ tế trầu, tế trâu, tế bánh, rước voi ngựa, tế nữ quan, tục chạy ói....
PHONG PHÚ CẢNH SẮC, ĐẶC SẢN
Du lịch sinh thái Hồ Vực Mấu. Ảnh: Sở Du lịch Nghệ An
Ngoài “giàu có” về giá trị lịch sử văn hóa, Hoàng Mai còn được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng nhiều danh thắng đẹp hiếm có mà ở đó núi liền biển; sông bao quanh phố; rừng xanh biếc soi bóng xuống mặt hồ... Có điệp trùng núi, mênh mang hồ, bao la biển, Hoàng Mai còn có mềm mại sông - dòng Mai Giang bao bọc, chảy ra biển theo hai cửa sông đã và đang tạo điều kiện để thị xã xây dựng phát triển cảng cá ở phường Quỳnh Phương và cảng Đông Hồi đã được đầu tư sắp đi vào khai thác.
Chiều về trên Cảng Đông Hồi. Ảnh: Nhật Thanh
Nói riêng về các cảng cá, thì những cảng cá Hoàng Mai chính là nguồn cung ứng gần 40% lượng hải sản cho toàn tỉnh Nghệ An và các địa phương lân cận. Thưởng thức hải sản Hoàng Mai thì bất cứ thực khách nào cũng tấm tắc ngon về sự tươi ngon của tôm, cua, ghẹ, mực nháy, cá mú, cá thu, cá lụ, cá đục, sò huyết... Chính những hải sản này cùng với các đặc sản khác của địa phương như rượu làng Quỳnh, nước mắm Quỳnh Dị, canh lá lằng đã biến Hoàng Mai trở nên nổi tiếng là vùng đất hứa mà mọi người nên tìm đến để “nguyện cầu, yêu và thưởng thức ẩm thực”.
Nghề nướng cá Quỳnh Phương. Ảnh: Cảnh Hùng
Về với Hoàng Mai xưa và nay, chắc hẳn rằng mọi người có thể cảm nhận rõ những giá trị nhân văn sâu sắc để khi đi xa lại luôn nhớ về. Ở nơi đây con người cần cù, chịu khó, sống để yêu thương. Những làng nghề truyền thống như làng đóng thuyền Quỳnh Lập, chế biến hải sản Quỳnh Phương, nước mắm cá cơm Quỳnh Dị, rau sạch Quỳnh Liên... chính là địa điểm thể hiện đầy đủ các giá trị đó.
BIẾN TIỀM NĂNG THÀNH HIỆU QUẢ KINH TẾ - XÃ HỘI
Có thể nói rằng Hoàng Mai đã hội đủ các yếu tố để phát triển du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch biển, du lịch làng nghề... Hữu xạ tự nhiên hương, hàng năm, có hàng vạn du khách đã tìm về thị xã để tham quan, khám phá và nghỉ dưỡng.
Sản xuất rau sạch ở Hoàng Mai. Ảnh: Tư liệu
Ý thức rõ những tiềm năng, lợi thế của mình, những năm qua, thị xã Hoàng Mai đã không những đưa ra các giải pháp để biến các giá trị tiềm tàng này trở thành những hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực. Theo đó, thị xã đã không ngừng triển khai, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, hạ tầng du lịch một cách đồng bộ; thúc đẩy các loại hình dịch vụ, thương mại, vận tải, ăn uống, nhà nghỉ, khách sạn, y tế, bưu chính viễn thông, ngân hàng... của thị xã phát triển, đáp ứng yêu cầu của du khách.
Nắng lên ở làng nghề cá. Ảnh: Cảnh Hùng
Tính đến nay trên địa bàn thị xã đã có 19 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó 1 khách sạn 3 sao và 1 tổ hợp khách sạn 4 sao; 4 siêu thị mini và nhiều nhà hàng khu vực du lịch biển với tổng vốn đầu tư trên 500 tỷ đồng.Vừa qua, thị xã cùng Liên hiệp HTX phát triển và quản lý chợ Việt Nam khởi công Trung tâm Thương mại kết hợp chợ truyền thống tại phường Quỳnh Thiện, với tổng mức đầu tư hơn 150 tỷ đồng.
Khai thác tốt tiềm năng sẵn có, thời gian qua, Hoàng Mai cũng không ngừng tìm tòi, hướng tầm nhìn phát triển các sản phẩm du lịch mới, mang tính đặc thù như du lịch lặn biển, câu cá, câu mực trên biển, trên hồ, du thuyền trên sông... Thị xã cũng đã và đang kết hợp du lịch biển, du lịch sinh thái với văn hóa tâm linh để tạo nên những tour du lịch đa sắc màu, kết nối các “đặc sản văn hóa” của riêng thị xã.
Hoàng Mai vào ngày lễ hội dân gian Đền Cờn. Ảnh: Cảnh Hùng
Trong tầm nhìn mới về phát triển thị xã 2020 - 2025, Hoàng Mai được tỉnh Nghệ An định hướng trở thành một đô thị biển gắn với du lịch, dịch vụ, thương mại, giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng... Thị xã đã và đang đẩy mạnh phát triển theo định hướng này, với các giải pháp thu hút, kêu gọi đầu tư, tăng cường hỗ trợ phát triển tối đa cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, đặc biệt là đầu tư về du lịch. Chắc chắn rằng, với các giải pháp hỗ trợ, Hoàng Mai là vùng đất hứa để các nhà đầu tư đầy sức khám phá, kiến tạo, giúp Hoàng Mai sớm trở thành đô thị phát triển du lịch, trọng điểm kinh tế văn hóa nơi địa đầu xứ Nghệ đúng với mục tiêu và tiềm lực sẵn có./.