Giá xe giảm tháng này qua tháng khác, thị trường ôtô đón nhận chính sách mới cận kề dịp mua sắm cuối năm khiến thị trường xe trở nên khó đoán với cả người mua và người bán.
Khoảng 2 tháng trước khi năm 2017 kết thúc, chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2017 với những quy định về việc lắp ráp, nhập khẩu ôtô. Điều này ít nhiều đã tạo nên những xáo trộn trên thị trường, nhất là mảng xe nhập khẩu.
Trong khi đó, các hãng xe vẫn áp dụng các chương trình giảm giá, ưu đãi để thúc đẩy doanh số, giải quyết hàng tồn đón năm mới, chính sách mới. Mua xe bây giờ liệu đã tối ưu nhất về giá là câu hỏi khó có lời giải lúc này.
Nghị định 116/2017 siết chặt xe nhập khẩu
Chỉ doanh nghiệp có giấy chứng nhận về ủy quyền triệu hồi sản phẩm, cam kết hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp linh kiện từ nhà sản nước ngoài, mới được phép nhập xe về Việt Nam. Điều khoản này có thể coi là sự chấm dứt nhập khẩu vĩnh viễn đối với những doanh nghiệp quy mô vừa, nhập khẩu không chính hãng.
Bởi nhà sản xuất nước ngoài chỉ cấp giấy này cho những doanh nghiệp có đủ khả năng, tiềm lực nhập khẩu xe chính hãng. Do đó, việc xe nhập khẩu về ồ ạt là điều khó xảy ra, trong khi xe đã qua sử dụng dường như hết cửa hoàn toàn.
Điều này có nghĩa, người tiêu dùng chỉ có thể tìm mua các mẫu xe nhập khẩu ở các đơn vị nhập khẩu chính hãng, với dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi đảm bảo tiêu chuẩn từ nhà sản xuất. Tất nhiên, sự phong phú về chủng loại xe và giá thành so với thị trường trước đây có thể không tốt bằng. Các con đường ngách như nhập khẩu dưới dạng biếu tặng là cánh cửa hiếm hoi, nhưng mỗi doanh nghiệp/cá nhân cũng chỉ được nhận 1 xe/năm.
“Nghị định này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh ôtô nhập khẩu lành mạnh hơn”, Giám đốc nhà nhập khẩu Audi - ông Laurent Genet - chia sẻ.
Mặc dù vậy, liên doanh ôtô lớn kinh doanh nhập khẩu cũng sẽ gặp khó khăn về kế hoạch thời điểm trước mắt. Sự thay đổi quy định nhập xe trong chính sách khiến các hãng sẽ mất thêm đôi chút thời gian để có đầy đủ giấy tờ hợp lệ từ nhà sản xuất. Toyota Việt Nam trước đó đã cho đặt hàng dòng xe nhỏ giá rẻ Wigo, thì nay đại lý đã phải dừng nhận đặt hàng, do không kịp có xe giao khách.
Chính vì vậy, ngay khi bước sang năm 2018, thuế nhập khẩu ASEAN về 0% nhưng tác động đến thị trường Việt Nam có lẽ chưa quá nhiều. Các doanh nghiệp lắp ráp vẫn có thể ung dung bán xe chờ diễn biến tiếp theo. Đương nhiên, người dùng cũng chưa có thêm nhiều lựa chọn từ xe nhập khẩu.
Ông Laurent Genet cũng chia sẻ thêm trong 11 năm làm việc tại Việt Nam, kinh nghiệm cho thấy chính phủ Việt Nam luôn có cách để cân bằng nguồn thu cho ngân sách. “Mật độ giao thông tại Việt Nam tăng cao, do đời sống được cải thiện, nhiều người chuyển từ dùng xe máy sang ôtô. Hệ lụy là cơ sở hạ tầng như bãi đỗ, đường xá, cầu, hầm... cũng phải tăng thêm. Nguồn đầu tư các hạng mục này chủ yếu từ ngân sách nhà nước, vì vậy để bù khoản thâm hụt do thuế nhập khẩu ASEAN về 0% chính phủ sẽ có cách để bù vào khoản này”.
Nghị định 116 sẽ góp phần nào thúc đẩy việc kinh doanh của các đơn vị lắp ráp trong nước do hạn chế phần nào việc nhập khẩu, từ đó tăng thêm đóng góp của các doanh nghiệp này cho ngân sách và giúp bù vào khoản thâm hụt.
Giá xe giảm trong tâm lý chờ đợi của khách hàng
Trong nhiều tháng nay, các hãng xe trong nước đều duy trì chương trình ưu đãi quà tặng, tiền mặt cho khách hàng mua xe. Động thái này nhắm kích cầu mua sắm cho đạt những kỳ vọng về doanh số đề ra từ đầu năm.
Thông tin thuế nhập khẩu nội khối ASEAN còn 0% từ năm 2018 khiến khách hàng mang tâm lý chờ đợi, với hy vọng giá xe sẽ tốt hơn hiện tại. Do đó, doanh số tính hết 9 tháng đầu năm nay so với cùng kỳ năm ngoái của toàn thị trường đã giảm, chứ không như kỳ vọng tăng trưởng 10% được dự báo hồi cuối năm 2016 của VAMA.
Ví dụ điển hình cho tâm lý chờ đợi giá xe rẻ của người Việt có thể nhìn thấy ở hiện tượng Honda CR-V trong tháng 9. Mức giảm sâu chưa từng có trong lịch sử dòng xe này khiến khách hàng đổ xô đi mua, đến độ đại lý cũng không còn xe bán.
Chỉ trong ít ngày áp dụng chính sách này, doanh số của CR-V lần đầu đứng thứ 2 thị trường với hơn 1.300 xe, tăng trưởng gần 500% so với tháng trước. Có thể thấy, nhu cầu mua xe thực sự của người Việt còn tiềm năng, thị trường chững lại lúc này chỉ do tâm lý chờ đợi.
Thuế nhập khẩu ASEAN, cùng cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có dung tích xi-lanh từ 2.0L trở xuống góp phần vào việc điều chỉnh giá của các hãng xe. Mới đây, Toyota đã điều chỉnh giảm đối với các dòng xe lắp ráp trong nước kèm thông báo đó là giá bán cho năm 2018, mức giảm cao nhất gần 60 triệu (khoảng 10%) so với hiện tại.
Theo ông Laurent Genet, đây là giai đoạn thị trường đang diễn biến rất thú vị, với cả người mua và người bán. Người mua chờ đợi giá bán giảm thêm, trong khi các hãng thì kiên trì giữ mức giảm trong nhiều tháng liên tiếp.
Vị giám đốc nhà nhập khẩu Audi cũng cho biết thêm trong các nước ASEAN, Việt Nam sử dụng xe có tay lái bên trái, trong khi ôtô hầu hết nước còn lại dùng xe tay lái bên phải. Do đó, không nhiều dòng xe từ khu vực có thể nhập về Việt Nam.
Việc chuyển đổi vị trí tay lái có chi phí không hề rẻ và cần thời gian để phát triển. Nên thời gian đầu áp dụng ATIGA, chỉ một số dòng xe phù hợp như Toyota Fortuner, Toyota Wigo hay Ford Ranger.
Thuế tác động đến giá xe nhập khẩu, tuy nhiên một phần khác cũng có ảnh hưởng đến giá xe đó là tỷ giá quy đổi giữa tiền Việt và ngoại tệ. Xe nhập khẩu từ các khu vực như châu Âu, Mỹ không hưởng chính sách thuế 0%, chỉ hưởng thuế tiêu thụ đặc biệt giảm theo dung tích động cơ. Chính vì vậy số tiền tiết kiếm được có thể sẽ phải bù vào phần chênh lệch về tỷ giá tiền đồng. Kể từ đầu năm đến nay, tiền đồng có dấu hiệu giảm giá trị, trong khi đồng euro và USD lại có chiều hướng tăng, ông Laurent Genet chia sẻ thêm.
Hiện tại, các hãng thi nhau áp dụng chương trình ưu đãi về giá và đây có thể xem là thời điểm tốt để lựa chọn một chiếc xe đối với những người thật sự có nhu cầu. Bởi đợi đến đầu năm 2018, nhiều khả năng giá sẽ không giảm thêm mà còn tăng lên nếu có thêm chính sách mới. Ví dụ điển hình là trường hợp của Mazda, sau nhiều tháng giảm giá Thaco đã có động thái tăng giá nhẹ các dòng xe trong tháng 11 này.
Theo Zing