Doanh nghiệp bán lẻ nội địa đang dần yếu thế ngay trên chính sân nhà khi bị đẩy vào thế cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Việt Nam có hàng chục vạn cửa hàng bán lẻ, khoảng 650 siêu thị và 125 trung tâm thương mại. Hiện nay, thị trường bán lẻ của Việt Nam cạnh tranh khốc liệt với sự đầu tư mở rộng ồ ạt của các hệ thống siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.
Cách đây khoảng 1 tuần, Tập đoàn Central Group đã mua lại Hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam. Đây cũng là một bước tiến sâu của doanh nghiệp ngoại vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Vậy các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam làm gì để cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại trên sân nhà?
Tập đoàn Central Group mua lại Hệ thống siêu thị Big C tại Việt Nam là doanh nghiệp Thái Lan thứ hai mua hệ thống bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam trong vòng 4 tháng qua. Trước đó, đầu tháng 1 năm nay, Tập đoàn TCC của Thái Lan đã hoàn tất việc mua lại toàn bộ hệ thống bán buôn của Tập đoàn Metro tại Việt Nam, bao gồm tất cả 19 trung tâm và các bất động sản liên quan, trị giá 655 triệu euro. Điều này đặt các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam trong tình thế cạnh tranh khốc liệt hơn.
Để giữ thị trường bán lẻ trong nước, vừa qua Saigon Co.op cũng tham gia thương vụ này. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh này không đơn giản vì doanh nghiệp nội yếu thế hơn doanh nghiệp ngoại. Trong khi, các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài thuận lợi hơn trong mua, bán và sáp nhập thì Sài Gòn Co.op gặp trở ngại. Vì doanh nghiệp bán lẻ của Việt Nam muốn mua lại Big C phải trải qua rất nhiều quy trình, như xin giấy phép đầu tư ra nước ngoài. Điều này chứng tỏ, doanh nghiệp bán lẻ nội địa đang dần yếu thế ngay trên sân nhà. Nhiều doanh nghiệp bán lẻ và doanh nghiệp sản xuất Việt Nam đang cạnh tranh ở thế “nước đến chân mới nhảy”.
Đáng nói là trong 9 năm qua, khi gia nhập WTO, Việt Nam đã mở cửa gần như hoàn toàn cho thị trường bán lẻ nhưng chưa có chính sách hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp phù hợp với cam kết hội nhập. Đó là hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, cung cấp thông tin thị trường, tiếp thị thương hiệu chung… các ngành chức năng Việt Nam đáng lẽ nên làm để bảo vệ doanh nghiệp bán lẻ trong nước, đó là địa phương phải xem xét nhu cầu kinh tế khi cho nhà đầu tư nước ngoài mở tiếp siêu thị, cửa hàng thứ hai.
Chính vì vậy, để tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước phát triển thị trường bán lẻ, ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op kiến nghị Chính phủ cho xây dựng chiến lược Quốc gia phát triển ngành bán lẻ Việt Nam tầm nhìn đến 2030. Xây dựng 20 doanh nghiệp bán lẻ hàng đầu của Việt Nam có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài, đồng thời tháo gỡ nhìn khó khăn cho doanh nghiệp trong mua bán và sáp nhập.
Bên cạnh việc Chính phủ có chiến lược phát triển thị trường bán lẻ, các doanh nghiệp bán lẻ phải đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng. Hiện nay cũng đang có rất nhiều doanh nghiệp đang thực hiện vấn đề này.
Ông Nguyễn Tấn Hoàng Hậu, Giám đốc Marketing Hệ thống phân phối Điện máy Thiên Hòa cho biết, doanh nghiệp tiếp tục tái đầu tư lại hệ thống nhận diện thương hiệu, đồng thời tiếp tục đầu tư mới siêu thị điện máy hiện đại nhất ở Việt Nam để tăng tính cạnh tranh và thu hút đầu tư.
Bà Lê Thị Thanh Lâm, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food cho biết, doanh nghiệp sẽ đầu tư đổi mới liên tục các sản phẩm, tận dụng những lợi thế hiểu biết ngu cầu của người Việt, từ đó đưa ra sản phẩm phù hợp giá cả cạnh tranh để đứng vững trên thị trường.
Trong xu thế hiện nay, không chỉ các nhà bán lẻ đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ phục vụ, ngay cả các nhà sản xuất cũng phải nâng cao chất lượng sản phẩm, giá thành cạnh tranh để hàng hóa mình vào được các kênh phân phối của các nhà bán lẻ trong và ngoài nước.
Vì cùng với việc phát triển hệ thống bán lẻ, một số tập đoàn bán lẻ lớn của Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc… cũng đưa hàng hóa của nước họ vào trong hệ thống siêu thị tại Việt Nam. Nhất là khi hội nhập, sẽ có khoảng 10.000 loại hàng hóa tiêu dùng được miễn, giảm thuế quan khi vào thị trường Việt Nam và các nước trong khu vực.
Khi đó, hàng hóa chất lượng của nước ngoài sẽ cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa Việt Nam trong các hệ thống bán lẻ. Và điều đáng ngại cho hàng Việt đó là không ít người tiêu dùng nội địa cũng chuộng hàng ngoại chất lượng tốt, giá phù hợp.
Chính vì vậy, theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, doanh nghiệp nội địa muốn đứng vững trước sự cạnh tranh khốc liệt này thì phải xem xét lại kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình. Doanh nghiệp phải làm những sản phẩm thị trường cần, không phải bán những sản phẩm doanh nghiệp có.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cho rằng, theo quy luật thị trường ai nắm được thị trường bán lẻ và hệ thống phân phối sẽ nắm được được không gian kinh tế và điều tiết được cấu trúc sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp nếu không thay đổi cách sản xuất, kinh doanh và quản trị để có chất lượng sản phẩm, dịch vụ ngày càng tốt hơn và giá thành cạnh tranh thì rất có thể thua ngay trên sân nhà./.
Theo VOV.VN