Năm 1938, quan tri huyện Nguyễn Trung Khiêm, một vị quan có tiếng là thanh liêm và tiến bộ của triều nhà Nguyễn được cử về làm tri huyện Quỳnh Lưu. Kể từ đó, huyện lỵ Quỳnh Lưu được chính thức chuyển từ Tiên Yên (Quỳnh Bá) lên Cầu Giát. Vào tháng 8/1938, trong dịp Vua Bảo Đại kinh lý Nghệ An, tuần du qua Cầu Giát dự khánh thành Huyện đường và chợ Giát. Tên gọi phố Cầu Giát ra đời từ đây với các cụm dân cư là Cầu Giát Thượng phố, cầu Giát Lân phố, Tân Lập phố và Tân Long phố là tiền thân của thị trấn Cầu Giát ngày nay.
Đến tháng 10/1947, theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Mỹ và Cầu Giát được hợp nhất trở thành xã Cầu Giát. Đến tháng 10/1953, theo chủ trương chung, các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Mỹ và Cầu Giát được tách ra trở về như trước đây. Thời điểm này, tên gọi thị trấn Cầu Giát chính thức ra đời và có tên trong các văn bản hành chính cho đến nay. Đến năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết 24/CP ngày 12/5 về việc điều chỉnh địa giới hành chính, 4 xóm của xã Quỳnh Mỹ được sát nhập về thị trấn Cầu Giát để mở rộng thành 12 khối như hiện nay.
Đến tháng 10/1947, theo chủ trương chung của Đảng và Nhà nước, các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Mỹ và Cầu Giát được hợp nhất trở thành xã Cầu Giát. Đến tháng 10/1953, theo chủ trương chung, các xã Quỳnh Hồng, Quỳnh Mỹ và Cầu Giát được tách ra trở về như trước đây. Thời điểm này, tên gọi thị trấn Cầu Giát chính thức ra đời và có tên trong các văn bản hành chính cho đến nay. Đến năm 2010, Chính phủ ban hành Nghị quyết 24/CP ngày 12/5 về việc điều chỉnh địa giới hành chính, 4 xóm của xã Quỳnh Mỹ được sát nhập về thị trấn Cầu Giát để mở rộng thành 12 khối như hiện nay.
Thị trấn Cầu Giát hôm nay là vùng đất mới, “đất lành” để người bốn phương về tụ hội, nơi giao thoa của người dân khắp mọi miền đất nước; phía Bắc có kênh N17/3 uốn lượn, đưa nước tưới mát lành cho các cánh đồng, phía Tây có Quốc lộ 48B và đường sắt Bắc - Nam đi qua là điểm kết nối, thông thương giữa Bắc - Nam, giữa miền biển và miền núi của huyện; phía Đông giáp với Quỳnh Hồng, phía Nam giáp với Quỳnh Giang qua sông Thai hiền hòa thơ mộng...
Trải qua mấy trăm năm hình thành, trong đó hơn 80 năm xây dựng và phát triển, với không ít gian nan, thử thách nhưng thị trấn Cầu Giát đã nỗ lực vươn lên, góp sức bảo vệ và dựng xây quê hương, đất nước, xứng đáng là thị trấn huyện lỵ Quỳnh Lưu. Nổi bật là từ thời Lê Trung Hưng, thế kỷ XVII –XVIII ở làng Thạch Cầu, ông Lê Đăng Tốn đã vận động nhân dân gia nhập Nghĩa quân Tây Sơn; khi Vua Quang Trung tiến quân ra Bắc để đánh giặc Thanh, người dân Cầu Giát góp tiền, góp gạo để trong 10 ngày hành quân và dừng chân tại Nghệ An, Vua Quang Trung tuyển được 5 vạn quân và 5 tấn lương thực, nhanh chóng tiến quân ra Bắc đánh tan 20 vạn quân Thanh.
Trong kháng chiến chống Pháp, nhân dân Cầu Giát sớm tiếp thu tư tưởng cách mạng, tích cực tham gia các phong trào đấu tranh thời kỳ 1930-1931, nhất là phong trào yêu nước dân chủ và hoạt động theo xu hướng tiến bộ của Hội “Triệu Dương Thương quán”. Trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, nhân dân lao động và Đội Bảo an thị trấn Cầu Giát gồm 15 người dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Việt Minh Tổng Thanh Viên do các đồng chí Phan Hữu Thờm, Lê Khánh Khán, Nguyễn Hữu Thành, Nguyễn Duy Tiến cùng phối hợp với nhân dân Mỹ Hòa, Thạch Cầu, Long Sơn bắt 5 tên trùm mật thám, cắm cờ Tổ quốc, giành chính quyền tại thị trấn, sớm nhất huyện và thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời để ngày 28/9/1946 ra mắt Chi bộ Đảng Cầu Giát và thành lập các tổ chức Mặt trận Liên Việt....
Khi thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh toàn quốc kháng chiến, với tinh thần “Không có gì quý hơn Độc lập Tự do”, hàng trăm thanh niên Cầu Giát đã hăng hái tòng quân giết giặc hoặc tham gia thanh niên xung phong, dân quân hỏa tuyến... trên các chiến trường. Thời kỳ chống Mỹ, thị trấn Cầu Giát bị bắn phá ác liệt khi có gần 800 nhà dân và toàn bộ cơ quan công sở của huyện trên địa bàn bị đánh sập, Cầu Giát bị bom phá sập 24 lần. Với tinh thần dũng cảm, quân và dân Cầu Giát đã kiên cường bám trụ, vừa sản xuất vừa chiến đấu, đã thông xe, bốc xếp, vận chuyển 130.000 tấn hàng vào chiến trường miền Nam, tham gia cứu chữa hàng trăm thương binh, bộ đội lái xe; trực tiếp bắn rơi 2 máy bay địch...
Trải qua 2 cuộc kháng chiến, có trên 1.000 đoàn viên, thanh niên con em thị trấn lên đường nhập ngũ, 455 lượt đi dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong; 134 người con ưu tú của thị trấn đã anh dũng hy sinh, 215 người là thương, bệnh binh, 26 người bị nhiễm chất độc hóa học; 3 người được phong tặng Anh hùng LLVT, 15 bà mẹ được phong tặng và truy tặng “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”, thị trấn Cầu Giát được phong tặng Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ...
Sau khi hòa bình, thống nhất đất nước, thị trấn Cầu Giát bắt tay ngay vào xây dựng và phát triển kinh tế. Mặc dù đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức nhưng với quyết tâm to lớn, Đảng bộ và nhân dân thị trấn Cầu Giát nỗ lực phấn đấu thực hiện mục tiêu là địa phương “vững về chính trị, mạnh về kinh tế, sạch về môi trường, vững chắc về quốc phòng - an ninh, giàu đẹp về văn hóa”.
Để thực hiện được mục tiêu trên, thị trấn xác định một mặt khơi dậy, khai thác hết được các tiềm năng, dồn sức phát triển kinh tế và xóa đói, giảm nghèo; mặt khác tranh thủ sự hỗ trợ của cấp trên về đầu tư phát triển. Trong vòng 15 năm lại đây, thị trấn đầu tư trên 200 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp trên 35 tỷ đồng để kiên cố hóa trường học, trụ sở làm việc, trạm xá, nâng cấp hệ thống chợ, hệ thống điện chiếu sáng, nước sạch...; đầu tư, huy động 35 tỷ đồng để mở rộng và bê tông hóa 37 tuyến đường nội khối với chiều dài 6,7 km. Nhờ những nỗ lực trên, trong gần 3 nhiệm kỳ lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thị trấn luôn đạt từ 11- 13%, thu ngân sách năm 2017 tăng gấp 3 lần so với năm 2005. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với 79,5% dịch vụ; thu nhập bình quân đầu người năm 2017 đạt 55,82 triệu đồng, thị trấn đã đạt chuẩn quốc gia về y tế, về giáo dục mầm non, tiểu học....
Trải qua chặng đường 80 năm xây dựng và phát triển, từ một xã có 4 xóm, dân số hơn 1.000 người/100 hộ, chi bộ có 3 đảng viên; đến nay, thị trấn Cầu Giát đã phát triển với 12 khối dân cư với trên 11.000 nhân khẩu và Đảng bộ thị trấn có 15 chi bộ, 476 đảng viên. Kỷ niệm 80 năm thành lập thị trấn là dịp để thế hệ hôm nay bày tỏ sự biết hơn sâu nặng và ghi lòng tạc dạ đối với các thế hệ tiền bối đã “khai canh, khai quán” để thị trấn có tầm vóc như hôm nay; đồng thời cũng là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân nhìn nhận lại trách nhiệm, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, chung tay góp sức xây dựng quê hương Cầu Giát ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm đạt tiêu chí là đô thị loại 5.