(Baonghean) - Quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015 đã chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố với nhiều thay đổi so với dự thảo ban đầu. Những điều chỉnh này được đông đảo giáo viên và học sinh đón nhận, vì đã tạo được thuận lợi hơn rất nhiều cho thí sinh…
images1136573_a6_gi__h_c_c_a_h_c_sinh_l_p_12_c1_tru_ng_thpt_nguy_n_tru_ng_t___th_nh_ph__vinh..jpgGiờ học của học sinh lớp 12 C1 Trường THPT Nguyễn Trường Tộ, Thành phố Vinh.
Một ngày sau khi Quy chế kỳ thi THPT quốc gia được công bố (26/2/2015), các tiết học của lớp 12C1, Trường THPT Nguyễn Trường Tộ (TP. Vinh) nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ngay cả tiết học Lịch sử, dù là môn học không được coi là hấp dẫn, nhưng các em vẫn rất hào hứng phát biểu khi cô giáo ôn lại nội dung dạy từ trước Tết. Tâm lý thoải mái ấy, có lẽ chỉ có từ sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định rõ tại kỳ thi THPT quốc gia sắp tới học sinh đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng và học sinh chỉ thi để xét công nhận tốt nghiệp sẽ được tổ chức thi riêng theo hai cụm khác nhau. 
 
Như  lớp 12C1 Trường THPT Nguyễn Trường Tộ nói trên, có đến 35/44 học sinh chỉ đăng ký thi tốt nghiệp, các em như tháo bỏ được “rào cản” vì không còn phải quá lo lắng nhiều về việc đi lại, áp lực làm bài… Chia sẻ về điều này, học sinh Nguyễn Thị Thùy Dung nói rằng: “Từ đầu năm học lớp 12, em đã xác định sẽ học nghề chứ không thi vào trường đại học vì lực học của em hạn chế. Trước đây, em lo lắng nhiều vì không hiểu nếu thi 2 trong 1 thì đề thi có khó hơn không và không biết có thể đậu tốt nghiệp để đi học nghề?... Hiện tại, em yên tâm vì trong quy chế Bộ đã xác định chỉ cần nắm đủ kiến thức trong lớp 12 thì học sinh trung bình vẫn có thể có nhiều cơ hội đậu tốt nghiệp. Ngoài ba môn Văn, Toán, Anh, chúng em đa phần đều chọn môn Lịch sử là môn thi tự chọn, bởi đây là môn học chính mà chúng em đã xác định từ đầu cấp vì lớp chúng em thiên về các môn học xã hội…”.  
 
Chính bởi học sinh đã định hướng rõ lựa chọn nghề nghiệp sau khi ra trường, nên cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hoan, Chủ nhiệm lớp 12C1 cho biết đã khá thoải mái khi tổ chức ôn tập cho học sinh, và nhà trường cũng không gặp nhiều khó khăn trong việc phân lớp ôn thi. “Tôi cho rằng việc các em chọn học nghề chứ không phải thi vào đại học là một tín hiệu mừng, vì như vậy  là các em hiểu được năng lực thực sự của mình, hiểu được nguyện vọng của mình. Điều đó, cũng giúp các em không phải quá “gồng” mình ở một kỳ thi có nhiều cạnh tranh như kỳ thi đại học, mà sẽ tập trung để có thể học đều các môn trên lớp để vừa có thể có điểm học bạ tương đối và vừa có đủ kiến thức để tham gia vào kỳ thi để xét tuyển tốt nghiệp THPT” - cô giáo Hoan chia sẻ. 
 
Quy chế chính thức về kỳ thi THPT quốc gia năm học 2014 - 2015 có nhiều điều chỉnh so với dự thảo được công bố vào giữa tháng 12/2014. Trong đó, tập trung vào một số điểm chính như: Ở kỳ thi THPT sẽ tổ chức thành các cụm thi, trong đó  cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ do các trường đại học chủ trì và  phối hợp với sở Giáo dục và Đào tạo. Riêng  cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ được thi riêng, tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với trường đại học hoặc cao đẳng. 
 
Về điểm thi, thay vì sẽ áp dụng thang điểm 20 như dự kiến trước kia, sẽ quay về thang điểm 10 như truyền thống và điểm liệt sẽ là điểm 1. Đề thi sẽ tăng cường hướng ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống, không yêu cầu thí sinh học thuộc lòng một cách máy móc: “Nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh đại học, cao đẳng). Theo quan điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc ra đề thi theo dạng câu hỏi “mở” nhằm phát huy năng lực toàn diện của thí sinh, giảm bớt tình trạng “học lệch, học tủ” ". Theo Quy chế thi THPT quốc gia, thì thời gian thí sinh đăng ký dự thi là ngày 1/4 và kết thúc đăng ký dự thi là ngày 30/4.  Để xét công nhận tốt nghiệp,  thí sinh phải đăng ký 4 môn thi, trong đó có các môn bắt buộc và môn tự chọn. Để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng thí sinh cần căn cứ vào quy định xét tuyển của trường mà mình có nguyện vọng vào học để lựa chọn môn thi. Thí sinh cũng có thể đăng ký tối đa 8 môn thi, nhưng phải cân nhắc để lựa chọn số lượng môn thi phù hợp, đảm bảo cho việc ôn thi đạt kết quả cao nhất.
 
Nói về những thay đổi này, thầy giáo Hoàng Văn Thái - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Duy Trinh (Nghi Lộc) cho  rằng: Chủ trương thay đổi của Bộ Giáo dục và Đào tạo là hoàn toàn hợp với xu thế hiện nay. Tất nhiên, trong quá trình thực hiện, để đạt kết quả tối ưu là rất khó, nhưng nếu tính toán cụ thể thì cái “lợi” là nhiều. Ví dụ như ở trường chúng tôi, thấy được nhiều mặt tích cực sau khi có những “cải cách” thi cử, đó là nhà trường phải quan tâm lo lắng hơn, giáo viên và phụ huynh đều phải chú tâm đến chất lượng dạy và học thực sự, không có tư tưởng chủ quan như trước đây, nghĩa là không thể nghĩ cứ thi là đậu tốt nghiệp hơn 90% như trước. Việc đổi mới trong ra đề cũng sẽ tác động đến cách dạy, thi như thế nào thì phải học, phải dạy như thế, trong đó hướng tới phát triển năng lực của học sinh…
 
Trường THPT Nguyễn Duy Trinh là trường có bề dày truyền thống dạy, học và là một trong những trường mà hàng năm có tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học, cao đẳng đông nhất huyện Nghi Lộc. Năm nay, dù có nhiều thay đổi ở kỳ thi THPT quốc gia, nhưng tỷ lệ học sinh đăng ký để tham dự kỳ thi 2 trong 1 vẫn lên đến hơn 80%. Hiện sau khi tổ chức thành công  kỳ thi thử đại học và kỳ thi khảo sát chất lượng học kỳ cho học sinh cuối lớp 12,  học sinh khá thoải mái và tự tin dù ở kỳ thi này nhà trường đã ra đề  thi theo bộ đề mới vừa được xây dựng. Về phía các giáo viên, thời gian qua “đón đầu” sự thay đổi này cũng đã có nhiều sự điều chỉnh trong nội dung và phương pháp dạy để kịp với xu hướng đổi mới trong thi cử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong đó phải vừa phải bảo đảm giáo dục toàn diện, vừa bảo đảm chất lượng của kỳ thi.
 
Là đơn vị chủ trì chính kỳ thi THPT quốc gia ở hai địa bàn Nghệ An và Hà Tĩnh, trao đổi với chúng tôi về việc quy chế kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 đã chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố, Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh khẳng định: Những thay đổi ở kỳ thi THPT quốc gia là một bước tiến dài trong quá trình đổi mới về thi cử của nước ta và đây được xem là một kỳ thi với nhiều tối ưu nhất, vì  đã được lấy ý kiến rộng rãi ở đông đảo các nhà quản lý, phụ huynh, học sinh và những người quan tâm đến giáo dục. Mục đích thứ nhất là để công nhận tốt nghiệp THPT sau 12 năm học sinh đã học xong chương trình phổ thông, và mục đích thứ hai là để tuyển sinh vào các trường đại học và cao đẳng.
 
Sự đổi mới và việc áp dụng kết quả “2 trong 1” còn đạt được nhiều mục đích khác như  giảm tải được nhiều cho học sinh,  giúp cho các trường đại học lựa chọn được nguồn nhân lực chất lượng cao thực sự và dễ dàng phân luồng được học sinh. Bên cạnh đó, hai thay đổi cơ bản, đó là dùng thang điểm 10 và tổ chức các cụm thi riêng đã tạo tâm lý yên tâm cho học sinh. Đặc biệt tại những huyện vùng sâu vùng xa, do các em không đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng khá đông vì vậy việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các trường tổ chức các cụm thi ở các trường và liên trường dưới sự chủ trị của Sở Giáo dục và Đào tạo là một sự sửa đổi rất phù hợp, giúp các em đỡ phải di chuyển trong quãng đường xa hàng trăm cây số, tiết kiệm được kinh phí của các gia đình.
 
Tính đến thời điểm này, đã có hơn 400 trường đại học, cao đẳng trên cả nước đăng ký và công bố phương án tuyển sinh và đa phần đều sử dụng kết quả về kỳ thi chung. Một số trường có phương án riêng nhưng chỉ là bổ trợ thêm về năng khiếu, năng lực, còn chủ yếu vẫn sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Với kinh nghiệm 13 năm liên tục tổ chức thành công kỳ thi 3 chung, Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh cho biết thêm rằng: Thí sinh không phải quá lo lắng về kỳ thi THPT mà chỉ cần tập trung ôn tập để làm sao có được kiến thức đầy đủ, chắc chắn nhất. Về phía hội đồng thi sẽ chuẩn bị tốt nhất để đảm bảo một kỳ thi công bằng, nghiêm túc, khách quan và đúng quy chế.
 
Mỹ Hà