Trong báo cáo ngày 20/9/2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo vềkỳ thi trung học phổ thông quốc gia trong đó có nêu định hướng, giải pháp tổ chức thi những năm tới.
Cụ thể, ngày 08/8/2018, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 104/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018.
Tại Nghị quyết này, Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục lấy ý kiến nhân dân, các chuyên gia, nhà khoa học về dự án Luật, nhất là việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia…
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sơ kết, đánh giá việc tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh vào đại học, cao đẳng nhằm phát huy những ưu điểm của kỳ thi trong những năm qua và tiếp tục hoàn thiện trong những năm tới.
Trên cơ sở đó, phương thức tổ chứckỳ thi trung học phổ thông quốc gia sẽ được tiếp tục giữ ổn định đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới (từ năm 2019 đến năm 2023)theo tinh thần Nghị quyết 63/2018/QH14.
Theo đó, kỳ thi sẽ được giữ ổn định với các nội dung cơ bản như sau:
- Về nội dung thi, đề thi: Tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành và từng bước định hướng theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
- Về các bài thi, môn thi: Trong các năm 2019, 2020 việc tổ chức các bài thi được giữ ổn định như năm 2017; từ năm 2021 trở đi, các bài thi, môn thi được thiết kế từng bước phù hợp với lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; nếu điều kiện cho phép có thể thí điểm tổ chức cho thí sinh làm bài thi trên máy tính.
Cùng với việc hoàn thiện kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng và công bố định hướng đổi mới thi,xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng phù hợp với chương trình sách giáo khoa phổ thông mới theo hướng tăng cường phân cấp cho các địa phương và tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh.