bna_nguyendacvinh9683688_2292018.jpgĐồng chí Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì cuộc làm việc. Dự cuộc làm việc có các đồng chí: Nguyễn Xuân Sơn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Xuân Đường - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Tỉnh ủy, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Duy
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, mục tiêu chung của Đề án là xây dựng các trường trung học trọng điểm chất lượng cao ở cấp THCS, THPT trở thành các cơ sở giáo dục tiên tiến, điển hình trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục của cấp học phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương.

Đây cũng được cho là mô hình, động lực cho sự phát triển giáo dục phổ thông ở mỗi vùng, miền theo hướng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, phát triển năng khiếu học sinh; tạo cơ hội bình đẳng và thụ hưởng dịch vụ giáo dục chất lượng cao cho người học; phát triển xu thế trường công lập tự chủ một phần thu chi; là nòng cốt để triển khai thành công chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đề án cũng được cho là để góp phần thực hiện thành công đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Dự thảo đề án xác định mục tiêu cụ thể là xây dựng 21 trường THCS trọng điểm chất lượng cao gắn với các huyện, thành phố, thị xã và 13 trường THPT trọng điểm gắn với các vùng miền.

Tổng dự toán kinh phí thực hiện đề án từ năm 2018 đến năm 2025 là 435,910 tỷ đồng gồm từ nguồn chương trình đề án, ngân sách nhà nước cân đối trong dự toán được giao hàng năm (từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục), nguồn thu học phí, thu dịch vụ sự nghiệp công và các nguồn huy động đóng góp, tài trợ hợp pháp khác.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy
Phó Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Thông phân tích, 3 yếu tố chính tác động đến chất lượng dạy và học gồm: trang thiết bị, yếu tố đầu vào (chất lượng học sinh) và chất lượng giáo viên. Tuy nhiên, đề án chưa nêu rõ giải pháp  thực hiện hai yếu tố là: học sinh và giáo viên.
Phó Bí thư Tỉnh ủy cũng đề nghị làm rõ giải pháp để thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục mũi nhọn đồng thời cũng kéo theo nâng cao được chất lượng giáo dục đại trà. 

Còn Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thu Hường cho rằng, dự thảo đề án chưa làm rõ được khái niệm thế nào là trường trọng điểm chất lượng cao. 

“Nếu không làm rõ khái niệm thì dễ quay trở lại “bình mới rượu cũ”, vẫn đi theo chiều hướng trường chuyên, lớp chọn”, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy nhận định và chia sẻ lo lắng, nguồn lực yêu cầu cho xây dựng 34 trường trọng điểm chất lượng cao là rất lớn, liệu nguồn lực có đảm bảo?

Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Chi phát biểu làm rõ một số nội dung trong dự thảo đề án. Ảnh: Thành Duy
Sau khi nghe các ý kiến và giải trình của lãnh đạo Sở GD&ĐT, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy hoan nghênh ngành GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh và các ban, ngành Đề án cẩn thận, công phu, tính toán chi tiết. 

Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh yêu cầu trước mắt nên lựa chọn một vài việc để thực hiện thí điểm đến năm 2020.

Cụ thể đối với bậc THPT, Bí thư Nguyễn Đắc Vinh đề nghị lựa chọn tối đa 5 trường, trong đó có cả trường THPT chuyên Phan Bội Châu để thực hiện thí điểm.

 
Học sinh Trường THPT Đô Lương 3 khai giảng năm học mới 2018 -2019. Ảnh: Thành Duy
Bí thư Tỉnh ủy cũng yêu cầu ngành GD&ĐT cần làm rõ nội dung thí điểm, trong đó phải đưa ra được giải pháp trên 3 mặt gồm: về đội ngũ giáo viên (cơ chế để thu hút, phân bố được đội ngũ tốt); về chương trình cần phải lưu ý kỹ, tạo được sự đồng thuận của phụ huynh.

Và thứ ba là giải pháp về phương pháp và tổ chức học tập. “Cách tổ chức học tập cho các em chính khóa, ngoại khóa thế nào, Sở GD&ĐT nên nghiên cứu kỹ”, Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ.

Đối với bậc THCS, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh, chỉ khuyến khích, không nhất thiết mỗi huyện, thành, thị đều triển khai thí điểm, mà chỉ chọn một vài trường có uy tín lâu năm trên địa bàn cả tỉnh để tập trung chỉ đạo. Kế hoạch cho các trường cũng phải xây dựng chi tiết, rõ ràng cả về cơ chế, giải pháp đánh giá. 

Bên cạnh đó, ở bậc THCS mặc dù theo phân cấp do cấp huyện chủ trì thực hiện thí điểm song Sở GD&ĐT cũng phải bám sát, đánh giá. Trong quá trình thí điểm, ngoại trừ các trường ở TP. Vinh, đồng chí Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh, các trường còn lại không thực hiện phương án xã hội hóa.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng lưu ý, kế hoạch thực hiện thí điểm phải căn cứ vào quy định của pháp luật và điều kiện cho phép của tỉnh, địa phương.