Vậy nên, khi cuốn sách “Rubber and the making of Vietnam: an Ecological History, 1897-1975” của PGS.TS Michitake Aso (Đại học Anbany, Mỹ) được xuất bản đã được nhiều người quan tâm bởi nó mở ra những góc nhìn mới, lĩnh vực mới. Chúng tôi xin giới thiệu một số nét về quá trình nghiên cứu Việt Nam và nội dung cơ bản của công trình này.

39872937_270587216882449_7940978236303867904_n2205526_292018.jpgPGS.TS Michitake Aso (Đại học Anbany, Mỹ) thăm Khu di tích Kim Kiên ngày 4/8/2015. Ảnh: Bùi Hào
Michitake Aso mà chúng tôi vẫn gọi thân thiết là anh Mitch, là một nhà Việt Nam học người Mỹ. Hiện ông là Phó Giáo sư, chuyên gia về lịch sử môi trường và nhiều vấn đề về lịch sử châu Á của Đại học Anbany (New York, Mỹ). Ông cũng là nhà khoa học có gần hai mươi năm nghiên cứu về Việt Nam và đã công bố nhiều công trình liên quan đến lịch sử, văn hóa, môi trường Việt Nam trên nhiều tạp chí uy tín trên thế giới.

Từ năm 1999, sau khi tốt nghiệp đại học, ông đến Việt Nam làm việc và nghiên cứu. Ông quan tâm nhiều đến tác động của các chất độc DIOXIN đến môi trường và sức khỏe con người ở Việt Nam. Qua các tài liệu liên quan đến việc nhiều nhà khoa học Mỹ đã phát hiện ra ảnh hưởng nguy hiểm của các chất DIOXIN đối với môi trường tự nhiên cũng như con người và họ đã lên tiếng phản đối Chính phủ Mỹ buộc Mỹ phải dừng việc sử dụng các loại hóa chất này trong chiến tranh vào năm 1971.

PGS.TS Michitake Aso tìm hiểu các đồ lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Khu Di tích Kim Liên, Nam Đàn ngày 4/8/2015. Ảnh: Bùi Hào
Việc này đã gây chú ý mạnh mẽ đến Mitch sau khi anh đã có thời gian ở Việt Nam để làm việc. Năm 2001, khi bắt đầu chương trình thạc sĩ anh đã lựa chọn Việt Nam để tìm những lời giải thích cho mình về những băn khoăn liên quan đến vấn đề này. Ông quay lại Việt Nam để sưu tầm tài liệu liên quan.

Năm 2005, ông bảo vệ luận văn thạc sĩ về tác động của các chất DIOXIN đến môi trường tự nhiên và con người ở Việt Nam. Địa bàn nghiên cứu của ông chủ yếu là ở Đông Nam Bộ, là vấn đề về trồng cây cao su, về các đồn điền cao su thời Pháp thuộc cũng như sau này. Đến năm 2011, ông bảo vệ luận án Tiến sĩ về ảnh hưởng của việc trồng cây cao su đến môi trường và đời sống con người ở Việt Nam từ thời Pháp.

Sau đó, ông mở rộng mối quan tâm của mình ra thành các vấn đề ảnh hưởng của khoa học kỹ thuật đến môi trường tự nhiên, đời sống sinh hoạt văn hóa và sản xuất của con người ở Việt Nam và Đông Nam Á. Không chỉ vậy ông còn quan tâm nhiều đến việc truyền bá tri thức khoa học, nhất là trong lĩnh vực y học, về mối quan hệ giữa tri thức y học hiện đại và y học cổ truyền qua lăng kính lịch sử văn hóa. Những công trình nghiên cứu của ông đã gây được sự chú ý của nhiều người quan tâm đến Việt Nam và Đông Nam Á, nó cũng gợi mở ra những lĩnh vực mới trong nghiên cứu lịch sử môi trường ở khu vực này.

Công trình nghiên cứu về Việt Nam của nhà Việt Nam học người Mỹ - PGS.TS Michitake Aso (Đại học Anbany, Mỹ). Ảnh: Bùi Hào

Cuốn sách “Rubber and the making of Vietnam: an Ecological History, 1897-1975” (tạm dịch “Cao su và sự kiến tạo Việt Nam: một lịch sử sinh thái, 1897-1975”) là một công trình nghiên cứu tâm huyết mà Mitch đã dày công đi sưu tầm tài liệu, nghiên cứu, trao đổi trong hơn một thập kỷ. Hàng năm, từ Mỹ, ông qua Pháp để tìm các tài liệu lưu trữ về Việt Nam, rồi qua Việt Nam khai thác tài liệu lịch sử cũng như đi gặp các nhà nghiên cứu để trao đổi. Các trung tâm lưu trữ quốc gia từ Hà Nội, Sài Gòn đều in dấu chân của ông trong nhiều năm trời.

Với khả năng thành thạo nhiều ngoại ngữ, trong đó tập trung khai thác các tài liệu tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Việt, Mitch đã tiếp cận được nhiều nguồn tài liệu quan trọng mà trước đó không nhiều người biết đến. Trong bản thảo đầu, ông đặt tên là  “Forest without Birds: Rubber and Environmental Crises in Vietnam, 1890-1975” (tạm dịch “Rừng không có chim: Cao su và khủng hoảng môi trường ở Việt Nam, 1890-1975”). Nhưng đến năm 2018, khi cuốn sách được ra xuất bản thì đã có những sự thay đổi nhất định.

Trong cuốn sách “Rubber and the making of Vietnam: an Ecological History, 1897-1975”, Mitch đã trình bày một cách có hệ thống về ảnh hưởng của nghề trồng cây cao su đến môi trường tự nhiên và con người Việt Nam. Những góc nhìn từ lịch sử môi trường, nhân học sinh thái đã tạo ra nhiều sự khác biệt cho công trình này. Trong nghiên cứu đột phá này, Mitch đã mô tả lại cách các đồn điền cao su thống trị cảnh quan vật chất và biểu tượng của Việt Nam và các nước láng giềng, cấu trúc môi trường, xung đột và bạo lực của khu vực. Tìm hiểu những câu chuyện của các nhà nông học, bác sĩ y khoa, người lao động và lãnh đạo phong trào cách mạng, ông đi tìm những chứng cứ chứng minh tầm nhìn, sự tiếp nối và thay đổi từ những người xã hội chủ nghĩa trong sản xuất nông nghiệp và y học như là sự tiếp nối có điều chỉnh từ những người tiền nhiệm trong chế độ thuộc địa và tư bản theo những cách quan trọng. Khi các hoạt động cải tạo cơ sở hạ tầng bằng cao su được tài trợ và tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề cao, các đồn điền tư nhân và nhà nước trở thành cảnh quan của áp bức, kháng chiến và hiện đại.

Một trong những điểm quan trọng là Mitch đã đi tìm những lý giải về xung đột quân sự, về chiến tranh, về biến đổi văn hóa thông qua một vấn đề có nguồn gốc từ khoa học kỹ thuật. Từ cái nhìn lịch sử sinh thái của ngành trồng cây cao su, ông đã đi sâu khám phá về lịch sử văn hóa, về những vấn đề y học, bệnh tật, về chiến tranh và xung đột giai cấp, cũng như tiến trình cải cách để xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nó tạo cho người đọc những hình dung về lịch sử môi trường, về xung đột, chiến tranh và cả về sử dụng tri thức y học, tri thức sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam trong một thời đoạn lịch sử mang tính bản lề cho quá trình hiện đại hóa ở đất nước này.

Lịch sử môi trường, hay nghiên cứu sự tác động của khoa học kỹ thuật đến môi trường tự nhiên, đến đời sống văn hóa, con người được nhiều cơ quan, nhiều nhà nghiên cứu ở Mỹ và các nước phát triển quan tâm từ thế kỷ XIX, khi mà những thành tựu khoa học kỹ thuật ngày càng giữ vai trò quyết định đối với sự phát triển của con người. Tuy nhiên, ở Việt Nam, nó cũng là lĩnh vực mới. Trong khi đó, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thế kỷ XX từ góc nhìn sinh thái học, hay từ lịch sử môi trường và mối quan hệ với các nền văn hóa cũng là những góc nhìn mới chưa được nhiều người quan tâm.

Vậy nên, sự xuất hiện của cuốn sách “Rubber and the making of Vietnam: an Ecological History, 1897-1975” sẽ có những giá trị nhất định và về nhận thức luận lẫn phương pháp luận. Tuy nhiên, để nhiều người được tiếp cận hơn thì cần những bản dịch chất lượng, còn trong bài này chỉ giới thiệu được vài điều tổng quan về tác giả và công trình nghiên cứu. Còn để có những bản dịch chất lượng thì cần có sự quan tâm của các nhà chuyên môn, và các nhà mạnh thường quân hỗ trợ thêm./.