Bệnh nhân sinh sống tại phường Thanh Bình, được xác định dương tính với nCoV đêm 25/7, đang được điều trị cách ly tại Khoa Hồi sức Tích cực Bệnh viện Đà Nẵng, phải thở máy.
Đây là ca nhiễm thứ hai được ghi nhận tại Đà Nẵng trong hai ngày qua, ca thứ hai lây nhiễm cộng đồng sau 99 ngày. Hiện chưa rõ bệnh nhân này có liên quan "bệnh nhân 416" hay không.
Đà Nẵng đang triển khai các biện pháp điều tra dịch tễ, cách ly, khoanh vùng, dập dịch. Bộ Y tế đã thành lập ba đội công tác đặc biệt hỗ trợ công tác phòng, chống Covid-19 tại Đà Nẵng.
Như vậy, 24 giờ qua thêm 5 ca nhiễm mới. Ca nhiễm ở Đà Nẵng được ghi nhận là "bệnh nhân 416", chấm dứt 99 ngày không lây nhiễm cộng đồng. 1.079 người tiếp xúc gần bệnh nhân được cách ly, trong đó 288 người được xác định F1.
53 bệnh nhân đang điều trị ở các cơ sở y tế, sức khỏe ổn định. Riêng "bệnh nhân 416" diễn biến nặng rất nhanh, ngày 25/7 phải can thiệp ECMO, lọc máu liên tục. Tiểu ban Điều trị, Bộ Y tế, đánh giá tiên lượng bệnh nhân rất nặng, nguy cơ tử vong cao, khả năng phải thở máy và can thiệp ECMO trong thời gian dài.
Hơn 11.000 người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch được cách ly. Trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 220 người, tại cơ sở tập trung hơn 10.000, số còn lại tại nhà hoặc nơi lưu trú.
Thế giới ghi nhận khoảng 650.000 người chết trong hơn 16 triệu ca nhiễm tại 213 quốc gia. Mỹ và Brazil là hai nước có số ca mắc và số tử vong cao nhất thế giới. Tại khu vực Đông Nam Á, Indonesia ghi nhận số mắc và số tử vong cao nhất. Việt Nam chưa ghi nhận ca tử vong do nCoV.
Bộ Y tế vẫn phối hợp với các Bộ Ngoại giao, Công an, Quốc phòng và UBND tỉnh, thành phố hỗ trợ các thủ tục nhập cảnh, cách ly y tế chuyên gia, công dân các nước, công dân Việt Nam nhập cảnh. Theo Bộ ngoại giao, Việt Nam đã tổ chức hơn 60 chuyến bay, đưa khoảng 16.000 công dân ở nước ngoài về nước. Một số nước có nhiều ca dương tính như Nga, UAE.
Sắp tới đưa người từ Guinea Xích đạo (vùng Tây Phi) về nước, ước tính khoảng 130 ca dương tính.