(Baonghean) - Nghị định 49/2016/NĐ – CP trong đó có quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, sẽ là cơ sở để siết chặt công tác quản lý giá hàng hóa trên thị trường.
Tiểu thương niêm yết giá kiểu chiếu lệ
Theo quy định, tất cả các loại hàng hóa bày bán trên thị trường đều phải niêm yết giá bán. Về hình thức, giá được niêm yết ở những nơi người tiêu dùng có thể dễ dàng nhìn thấy (trên sản phẩm hoặc treo bảng giá, có đề chi tiết giá niêm yết). Thế nhưng, thực tế hiện nay, ngoại trừ các trung tâm thương mại với tiêu chuẩn hiện đại, siêu thị lớn có niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết, thì nhiều cửa hàng kinh doanh vẫn tồn tại thực trạng niêm yết giá theo kiểu chiếu lệ.
Tình trạng không niêm yết giá cũng tồn tại khá nhiều tại các cửa hàng tạp hóa. Tại một cửa hàng tạp hoá trên đường Phan Cảnh Quang (phường Hà Huy Tập), khi chúng tôi hỏi mua hộp sữa bột Vinamilk, lúc đó, người bán hàng mới mang ra đề giá bán lên hộp.
Tình trạng không niêm yết giá cũng đang diễn ra khá phổ biến ở các chợ; từ các chợ truyền thống lớn ở thành phố đến các chợ quê, rất ít quầy hàng bày bán các mặt hàng như: quần áo, giày dép, đồ nhựa... có niêm yết giá. Theo các tiểu thương, hàng hóa bán ở chợ thì có niêm yết giá cũng như không.
Chị Hồng, chủ một quầy hàng bán quần áo tại chợ Ga Vinh cho biết: Do thói quen của người dân mua hàng luôn trả giá, nên dù có niêm yết giá thì chúng tôi không thể bán đúng giá niêm yết. Vậy nên, hầu hết tiểu thương ở các chợ chung tâm lý “ngại” niêm yết. Thậm chí, người mua - bán hàng đều không quan tâm đến việc hàng hóa có được niêm yết hay không. Bởi vậy, một số mặt hàng do người bán tự định giá, còn người mua thì vẫn thói quen mua hàng theo kiểu “thuận mua vừa bán”.
Thực trạng không thực hiện đúng quy định về niêm yết giá của các chủ kinh doanh, không chỉ khiến người tiêu dùng thiệt thòi, khi mua hàng không đúng giá thực tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các tiểu thương. Bởi, một khi hàng hóa không được niêm yết, khách hàng không có cơ sở để so sánh, lựa chọn được mức giá mua hợp lý; đồng thời dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở kinh doanh. Về lâu dài, còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh bán lẻ tại các chợ truyền thống, người tiêu dùng sẽ chuyển dần sang sử dụng hàng hóa tại các siêu thị, hãng buôn lớn.
Bất cập trong quản lý
Việc niêm yết công khai giá bán tại các chợ, cửa hàng kinh doanh đã được pháp luật quy định, giúp lành mạnh hóa môi trường kinh doanh, đồng thời bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuy nhiên, hạn chế nhận thức của chủ kinh doanh (đặc biệt ở các chợ) và thói quen mua hàng thường trả giá, không quan tâm đến giá niêm yết của phần lớn người tiêu dùng hiện nay, vô hình trung tạo điều kiện cho chủ các cơ sở kinh doanh “phớt lờ” quy định niêm yết giá hàng hóa.
Mặt khác, công tác quản lý thị trường về lĩnh vực giá hiện vẫn tồn tại nhiều bất cập. Mặc dù hàng năm, lực lượng QLTT đều tiến hành kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh về lĩnh vực giá. Năm 2015, xử lý 856 vụ vi phạm về niêm yết giá. Trong đó, phạt cảnh cáo 141 vụ, phạt hành chính 517 vụ với tổng số tiền thu phạt trên 206 triệu đồng. Từ đầu năm đến nay, QLTT đã tiến hành xử lý 263 vụ, trong đó phạt cảnh cáo 62 vụ; phạt hành chính 201 vụ với tổng số tiền thu phạt là 80 triệu đồng. Tuy nhiên, so với các vụ xử lý vi phạm khác thì số lượng xử lý về niêm yết giá chiếm con số nhỏ.
Chính vì vậy, Nghị định 49/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn có hiệu lực từ ngày 1/8/2016, theo đó, sẽ tăng nặng mức phạt đối với hành vi không niêm yết giá sẽ là cơ sở để quản lý hàng hóa, đưa hoạt động thương mại vào khuôn khổ hơn, công khai, minh bạch, thuận lợi hơn đối với người tiêu dùng. Vấn đề là hiện nay người kinh doanh chưa nắm được quy định của pháp luật nên chưa biết và chưa tuân thủ. Các cơ quan liên quan cũng chưa có biện pháp hỗ trợ thông tin đến người dân.
Đinh Nguyệt