Chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là trận “Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972, đã thay đổi nhận thức về vai trò của lực lượng Phòng không trong chiến tranh.

Chuyên gia Nga trực tiếp “thị phạm”, bắn rơi máy bay Mỹ

Ngày 24 tháng 7, Binh chủng Tên lửa Phòng không Việt Nam kỷ niệm mốc 50 năm thành lập và chiến đấu. Vào ngày này tròn nửa thế kỷ trước, như chúng ta thường nói, đã có cuộc "thử lửa" của lực lượng non trẻ nhất của Quân đội Nhân dân Việt Nam vào thời điểm đó.

Mốc kỷ niệm ngày thành lập của một binh chủng đã lập những chiến công chấn động thế giới có phần đóng góp trực tiếp của các cựu chiến binh Lực lượng phòng không Liên Xô (nay thuộc lực lượng Phòng không trong Quân chủng Phòng thủ chống tên lửa- vũ trụ của Liên bang Nga).

Tại Việt Nam năm 1965 các chuyên viên quân sự Xô-viết bắt đầu huấn luyện cho các quân nhân tên lửa phòng không Việt Nam cách “làm việc” với một trong những vũ khí phòng không hiện đại nhất thời bấy giờ là tên lửa S-75 "Dvina".

Hơn 5 năm trước khi hiện diện tại Việt Nam, S-75 đã chứng tỏ hiệu suất chiến đấu của nó. Ngày 1 tháng 5 năm 1960, tên lửa loại này đã bắn rơi máy bay do thám Mỹ Lockheed U-2 vốn vẫn được cho là bất khả chiến bại, ở độ cao 22km, trên bầu trời Ural-Liên Xô.

Hiện Việt Nam vẫn đang sử dụng các hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina

Trong bối cảnh cuộc chiến tranh đường không mà Hoa Kỳ tiến hành, các máy bay Mỹ đánh phá miền Bắc Việt Nam ác liệt, chu trình đào tạo bộ đội tên lửa cho Việt Nam được các sĩ quan và hạ sĩ quan Liên Xô thực hiện theo phương pháp thị phạm trực tiếp.

Thoạt đầu, các chuyên gia quân sự Xô-viết cũng trực tiếp tham gia chiến đấu trong đội hình phòng không-không quân Việt Nam.

Ngày 24 tháng 7 năm 1965, từ trận địa phục kích ở điểm cách Hà Nội 60 km về phía đông-bắc, hai tiểu đoàn 63 và 64 của Trung đoàn tên lửa 236 (mà để giữ bí mật, thời đó nó được gọi là Trung đoàn cao xạ 236) dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Mozhayev và Ilyinykh đã bắn rơi 3 máy bay tiêm kích bom F-4 "Phantom".

F-4 "Phantom" của Mỹ bay ở độ cao 5 km, vượt khỏi tầm với hiệu lực của pháo cao xạ. Vì thế đòn tấn công tên lửa đã hoàn toàn là bất ngờ, khiến các phi công Mỹ không kịp phản ứng hay định hướng. Đây là trận thắng đầu tiên của loại tên lửa phòng không nổi tiếng của Liên Xô trước các máy bay Mỹ.

Sau đó, theo Sắc lệnh được Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành, ngày này được nhận qui chế là Ngày truyền thống của Binh chủng Tên lửa Phòng không Việt Nam.

Máy bay tiêm kích bom F-4 "Phantom" Mỹ phơi xác ở Việt Nam

Sau thất bại nặng nề trong chiến dịch “Sấm rền” (Rolling Thunder) từ tháng 3-1965 đến tháng 11-1968, không quân Mỹ đã xây dựng dự án huấn luyện không chiến khác biệt (DACT) trong chương trình huấn luyện của TOPGUN nhằm đối phó riêng với những máy bay tiêm kích đánh chặn Việt Nam.

Sau đó, Mỹ đã liên tiếp tiến hành các chiến dịch không kích miền Bắc, đặc biệt là 2 chiến dịch Linebacker 1 (tháng 4 đến tháng 10 năm 1972) và Linebacker 2 (tháng 12-1972). Đây chính là cơ hội để lực lượng tên lửa phòng không Việt Nam rèn luyện, trưởng thành và lập những chiến công lừng lẫy.

Học viên Việt Nam vượt thầy, lập chiến công chấn động địa cầu

Thời đó, các chiến sĩ tên lửa Việt Nam đều là những học viên được lựa chọn kỹ lưỡng, có trình độ học vấn cao, tinh thần yêu nước sâu sắc và rất siêng năng. Tất nhiên, không phải là không hề có sai sót dẫn đến thiệt hại không cần thiết, nhưng những chiến sĩ tên lửa Việt Nam đã tiến bộ rất nhanh.

Đến cuối thập niên 60 của thế kỷ trước, các quân nhân tên lửa phòng không người Việt đã nắm vững kỹ năng chiến đấu không hề thua kém gì những người thầy Liên Xô.

Máy bay Mỹ tấn công nút giao thông cầu Giẽ (ảnh chụp từ máy bay A-4 Skyhawk)

Còn trong nghệ thuật ngụy trang và tốc độ triển khai trận địa S-75, thì các chiến sĩ Việt Nam khéo léo và thông minh thậm chí còn vượt hơn cả những gì mà chuyên gia Xô-viết truyền đạt. Thực tế minh chứng cho điều đó: Thay vì 3 giờ, bộ đội tên lửa Việt Nam chỉ cần 40 phút!

 

Tháng 12 năm 1972, các trung đoàn tên lửa phòng không Việt Nam cùng với pháo binh và phi công tiêm kích đã hiệp đồng tác chiến đập tan chiến dịch không kích qui mô "Laynbekker-2" mà Không lực Hoa Kỳ triển khai trên bầu trời Hà Nội và Hải Phòng.

Trong chiến dịch này, phía Mỹ đã mất 34 máy bay ném bom chiến lược B-52, trong đó, 15 chiếc “pháo đài bay” (theo dữ liệu chính thức của Hoa Kỳ) đã bị triệt hại chính bởi các tên lửa phòng không. Kết quả là Hiệp định Paris được ký kết năm 1973 với những điều khoản thuận lợi nhất đối với Việt Nam.

Thế nhưng trên thực tế, thất bại của người Mỹ thì thật là khủng khiếp, theo công bố của phía Việt Nam, lực lượng phòng không-không quân đã bắn rơi 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B-52 và 5 F-111.

Còn phía Mỹ chỉ công nhận mất 15 chiếc là những chiếc bị bắn rơi tại chỗ và những chiếc có phi công nhảy dù bị bắt sống (tức là chỉ công nhận các trường hợp bị bắn rơi có nhân chứng, vật chứng rõ ràng).

Nếu tính tỷ lệ những máy bay trúng đạn cố bay ra biển rồi bị rơi (hầu hết máy bay B-52 bị bắn tại Hải Phòng đều cố thoát ra biển nhảy dù để được Hải quân Mỹ cứu) hoặc rơi tại Lào, Thái Lan thì số liệu của phía Việt Nam là đáng tin cậy và có cơ sở hơn.

Chiến công lịch sử mà người Việt Nam tạo ra, trước đó và sau này không có lực lượng phòng không nước nào làm được. Kể cả các chuyên gia của Liên Xô, Trung Quốc khi đó cũng cho rằng không có một loại vũ khí nào có thể hạ gục được B-52, thế nhưng người Việt Nam đã làm được điều tưởng như không thể.

Trên chiến trường Việt Nam, lần đầu tiên B-52 tham dự một cuộc chiến tranh thực sự và cũng là lần đầu tiên nó bị bắn hạ bằng hai thứ vũ khí mà từ trước đến khi đó Mỹ vẫn không coi ra gì là máy bay Mig-21 và đặc biệt là tên lửa phòng không SAM-2 (S-75 Dvina).

Chiến công của lực lượng phòng không-không quân Việt Nam đã đập tan những ảo tưởng của không lực Hoa Kỳ về một “siêu pháo đài bay” không có đối thủ, những kinh nghiệm quý báu của Việt Nam sau này đã được chính các chuyên gia Liên Xô thừa nhận là “sáng tạo nhất thế giới”.

Lực lượng tên lửa Việt Nam đã hạ gục uy thế của pháo đài bay B-52 Mỹ

Kinh nghiệm Việt Nam thay đổi nhận thức chiến tranh

Hôm nay, 50 năm sau khi dàn tên lửa phòng không Xô-viết đầu tiên khai hỏa từ ngoại thành Hà Nội, bầu trời Việt Nam được bảo vệ chắc chắn hơn bằng các tên lửa S-300 thuộc hệ thống vũ khí phòng không hiện đại hơn do Nga - kế tục Liên Xô sản xuất.

Hiển nhiên không thể so sánh những tên lửa này với hệ thống "Dvina" huyền thoại: đó là những vũ khí thuộc thế hệ khác nhau, với những tính năng chiến đấu khác nhau. Có thể tin tưởng rằng, những tên lửa mạnh nhất của Nga sẽ phát huy hết khả năng của nó dưới bàn tay những chiến sĩ Việt Nam.

Hôm nay, các thành viên Nga tham gia sự kiện hào hùng năm xưa đều đã là người hưu trí, là quân nhân phục viên. Nhưng tất cả vẫn giữ quân phong và rất tự hào đeo huân huy chương và gìn giữ các phần thưởng của Liên Xô và Việt nam mà họ đã được trao tặng trong cuộc chiến nửa thế kỷ trước.

Trong phòng trưng bày triển lãm của Bảo tàng Lực lượng Phòng không Nga tại làng Zarya, ngoại ô thủ đô Moscow, những tư liệu và hiện vật về cuộc chiến Việt Nam chiếm vị trí trang trọng đặc biệt.

Hơn thế nữa, “những kinh nghiệm sử dụng tên lửa ở Việt Nam nửa thế kỷ trước buộc chúng ta phải thay đổi nhận thức về vai trò của lực lượng phòng không trong chiến tranh hiện đại” - Thượng tướng về hưu, tiến sĩ khoa học quân sự Anatoly Nogovitsyn nhận định.

Xác B-52 rơi tại hồ Hữu Tiệp, làng Ngọc Hà (Hà Nội)

Thượng tướng Nogovitsyn nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia duy nhất trên thế giới đã giành chiến thắng trong cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Đó là sự kiện đặc biệt trong lịch sử nhân loại hiện đại, chiến công của nhân dân Việt Nam gắn liền với những con người và vũ khí, trang bị của Liên Xô.

Trước kia người ta cho rằng lực lượng phòng không là hệ thống hoàn toàn mang tính phòng thủ, chứ không thể có tác động lớn đến kết quả chiến cuộc.

Thế nhưng cuộc chiến trên bầu trời Bắc Việt Nam đã chứng tỏ điều ngược lại: khi sở hữu một hệ thống phòng không vững vàng, tổ chức tốt và trang bị bằng các tên lửa phòng không tiên tiến, ta có thể giành phần thắng trong chiến tranh, dù là trong thế phòng thủ vẫn đánh bại được kẻ thù hùng mạnh hơn!

Sau này, lực lượng phòng không Nam Tư học tập và áp dụng thành công kinh nghiệm quý báu này, trở thành nước đầu tiên trên thế giới bắn hạ được máy bay tàng hình F-117A của Mỹ vào ngày 27-03-1999 bằng một loại tên lửa Liên Xô khác là S-125 Neva/Pechora (SA-3 Goa).

Thực tế Việt Nam đã buộc các cường quốc trên thế giới phải xem xét lại một cách tổng thể và triệt để hàng loạt lý luận cũng như định đề về nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật quân sự.

Cũng qua thực tế chiến tranh Việt Nam, đặc biệt là trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” vít cổ pháo đài bay B-52 Mỹ, tầm quan trọng của các hệ thống phòng không và sự hiểu biết về vai trò của lực lượng tên lửa đã tăng lên gấp bội!.

Theo Báo Đất Việt