(Baonghean) - Năm 2014, thể thao Nghệ An có một sân chơi quan trọng là Đại hội TDTT toàn quốc diễn ra tại Nam Định vào tháng 5, cùng một số Giải đấu quốc tế khác của các bộ môn. Hiện nay, các VĐV thành tích cao đang nỗ lực tập luyện để có sự chuẩn bị tốt cho Đại hội thể thao lần này.
Đầu năm, đến thăm Trung tâm Đào tạo và huấn luyện thể thao tỉnh, anh Nguyễn Hoàng Trung – Phó Giám đốc Trung tâm vui vẻ cho biết: “Những ngày đầu năm Giáp Ngọ, đơn vị đón nhận một tin vui là tại Giải cờ vua trẻ miền Trung mở rộng diễn ra tại Thanh Hóa từ ngày 8 – 11/2 vừa qua, chúng ta tham dự với 10 VĐV và đã giành 6 HCV, 6 HCB, 4 HCĐ – thành tích tốt nhất từ trước đến nay”. Còn giữa cái đợt mưa rét buốt da, các VĐV ở các bộ môn khác vẫn đang hăng say tập luyện. Tại đường chạy trên SVĐ Vinh, lau vội những giọt mồ hôi, VĐV điền kinh Đậu Thị Huyền cho biết: “Sắp tới, em sẽ tham dự Đại hội TDTT toàn quốc ở nội dung tiếp sức 4x100m và mục tiêu đặt ra là giành được huy chương. Đối với VĐV thành tích cao, thành tích tại các giải đấu là rất quan trọng nên ai cũng phải tự giác khổ luyện để có được thành tích và tự khẳng định mình. Vì vậy, dù được nghỉ Tết đến hết ngày mùng 6 âm lịch nhưng từ ngày mùng 4, chúng em đã rủ nhau vào trung tâm cùng tập luyện”. Còn VĐV Bùi Duy Cường – môn boxing cho biết: “Em được chọn là một trong những vận động viên trọng điểm của bộ môn có khả năng giành huy chương vàng ở nội dung đối kháng tại Đại hội TDTT toàn quốc sắp tới, vì vậy, em cùng toàn đội sẽ nỗ lực trong tập luyện để mang về vinh quang cho thể thao tỉnh nhà”.
Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện thể thao tỉnh hiện đang quản lý 18 bộ môn (16 môn chính thức và 2 môn thử nghiệm) gồm: điền kinh, cử tạ, cầu mây, đá cầu, bi sắt, cờ vua, bơi lội, lặn, bóng chuyền và các môn võ (taekwondo, wushu, boxing, võ cổ truyền, karatedo, pencak silat, kickboxing, vovinam và vật), quy tụ gần 300 VĐV. Thế mạnh của thể thao Nghệ An là các môn võ, đá cầu và cầu mây khi những môn này luôn có những VĐV trong đội tuyển trẻ, hay đội tuyển Quốc gia. Mặc dù không phải là địa phương có phong trào thể thao thành tích cao ấn tượng như Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh… nhưng trong năm 2013, Nghệ An cũng được nhắc đến nhiều khi đóng góp cho các đội tuyển quốc gia những VĐV có chất lượng. Tiêu biểu là các VĐV: Nguyễn Thị Quyên (cầu mây) – HCĐ cầu mây SEA Games 27, Nguyễn Thị Thanh – HCV Giải vô địch đá cầu thế giới, Trương Văn Mạo (pencak silat), Nguyễn Văn Tài (whushu), Ngũ Thị Thuyết (vật cổ truyền)…
Có nhiều tài năng thể thao nhưng là tỉnh nghèo, nên chế độ đãi ngộ với những VĐV đạt thành tích còn hạn chế. Vì vậy, Nghệ An luôn đối mặt với nguy cơ “chảy máu” tài năng thể thao. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhờ sự nỗ lực của tỉnh, một số chế độ giành cho vận động viên thể thao thành tích cao đã được cải thiện đáng kể, đặc biệt là chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên. Từ giữa năm 2012, theo Nghị quyết 41/2012/NQ-HĐND, ngày 20/4/2012 của HĐND tỉnh và Quyết định 31/QĐ.UBND.VX, ngày 7/5/2012 của UBND tỉnh, trong thời gian tập trung tập luyện, các VĐV thuộc đội tuyển tỉnh được hưởng mức tiền ăn là 150.000 đồng/người/ngày; đội tuyển trẻ tỉnh là 120.000 đồng/người/ngày; đội tuyển năng khiếu các cấp và đội tuyển cấp huyện, ngành là 90.000 đồng/người/ngày. Còn trong thời gian thi đấu, mức tiền ăn tương ứng là 200 – 150 -120 nghìn đồng/người/ngày. So với mức trước đó là 90 - 70 - 50 nghìn đồng/người/ngày thì đây là một sự cải thiện đáng kể, đảm bảo bù đắp năng lượng, nâng cao thể chất cho HLV, VĐV.
Mặt khác, theo Quyết định số 82 của Chính phủ về một số chính sách đặc thù đối với HLV, VĐV thể thao xuất sắc. QĐ 82 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/2/2014, VĐV thể thao xuất sắc được triệu tập tập huấn chuẩn bị tham dự và có khả năng giành huy chương tại Đại hội Thể thao châu Á, tham dự vòng loại và tham dự Đại hội Thể thao Olympic, tham dự Đại hội Thể thao người khuyết tật Paralympic; HLV thể thao xuất sắc là người Việt Nam, trực tiếp huấn luyện các VĐV nêu trên sẽ được hưởng chế độ ăn: 400.000 đồng/người/ngày (trước đây là 300.000 đồng/người/ngày)... Điều này cũng góp phần khuyến khích các vận động viên Nghệ An thi đấu tốt tại các giải trong nước để có cơ hội được tuyển chọn vào các đội tuyển quốc gia tham dự các giải đấu quốc tế.
Bên cạnh đó, từ cuối năm 2013, theo Nghị quyết số 111 của HĐND tỉnh về định mức cấp phát trang thiết bị tập luyện thường xuyên đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao tỉnh Nghệ An, trong thời gian tới, các VĐV thành tích cao sẽ được bổ sung các trang thiết bị tập luyện như quần áo, giày, tất và các trang bị đặc thù cho từng bộ môn. Được biết, tổng kinh phí dành cho trang thiết bị tập luyện thường xuyên đối với HLV, VĐV thể thao thành tích cao theo mức mới là trên 5 tỷ đồng/năm. Có thể nói, trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị tập luyện của Trung tâm Đào tạo và huấn luyện thể thao tỉnh vừa thiếu thốn, vừa xuống cấp như hiện nay thì đây thực sự là một tin vui cho các vận động viên tỉnh nhà, góp phần khuyến khích họ hăng hái tập luyện để giành được thành tích tốt nhất.
Tuy nhiên, bước vào năm mới 2014, vẫn còn nhiều trăn trở về chế độ chính sách cho VĐV thành tích cao. Trước hết, dù đã được nâng mức tiền ăn nhưng mức chế độ tiền công các HLV, VĐV các đội tuyển tỉnh, đội tuyển trẻ tỉnh, đội tuyển năng khiếu các cấp chưa được cải thiện, vẫn ở các mức tương ứng là 120-90-90 nghìn đồng/người/ngày (đối với HLV) và 80-40-30 nghìn đồng/người/ngày (đối với VĐV). Mức chi trả này, theo các HLV và VĐV là quá ít ỏi trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay. Bên cạnh đó, dù từ trước đến nay tỉnh ta có rất nhiều VĐV tham gia và đoạt thành tích cao tại các giải đấu trong nước, quốc tế, nhưng mức độ khen thưởng về vật chất rất hạn chế. Quyết định số 91 ngày 31/12/2011 của UBND tỉnh, đối với các VĐV tham dự các giải Vô địch thế giới và Đại hội Olympic, quy định mức thưởng cụ thể cho các thành tích nhưng mức khen thưởng này còn thấp… Bên cạnh đó, chế độ cho các VĐV sau khi nghỉ thi đấu, đặc biệt là những VĐV tài năng, đem về thành tích xuất sắc cho tỉnh và quốc gia như được hưởng chế độ học tập để trở thành HLV, đất đai, nhà ở… đến nay cũng chưa ban hành. Thực tế đã từng có một vài VĐV được tỉnh tạo điều kiện đi học, giải quyết việc làm, hỗ trợ tiền mua đất… nhưng chỉ là cá biệt theo kiểu linh hoạt chứ chưa nhờ cơ chế chính sách cụ thể chính thức nào của tỉnh.
Tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn nhưng hy vọng bước vào năm mới Giáp Ngọ, các VĐV thành tích cao Nghệ An sẽ nỗ lực vượt khó, mang về cho tỉnh nhà thêm những tấm huy chương ở các giải đấu trong nước và quốc tế. Ngoài ra, các nhà quản lý thể thao cũng cần có những nghiên cứu, điều chỉnh về chế độ chính sách đãi ngộ để giúp các VĐV yên tâm thi đấu, phát huy tốt nhất khả năng của mình.
Minh Quân