(Baonghean) - Chính trường thế giới tuần qua có nhiều diễn biến lớn, thậm chí là đảo ngược 180 độ so với tình hình trước đó. Một chính trị gia trẻ tuổi đặt dấu chấm cho nhiệm kỳ gần 10 năm của Thủ tướng đương nhiệm; một cuộc gặp gỡ được ví như “tuần trăng mật” giữa lãnh đạo 2 quốc gia có quan hệ thay đổi thất thường…

Thách thức cho Tân Thủ tướng Canada

Ngày 19/10, cuộc bầu cử liên bang Canada đã đưa Justin Trudeau, con trai cựu Thủ tướng nổi tiếng Pierre Trudeau, lên vị trí Thủ tướng ở tuổi 43, chấm dứt gần 1 thập kỷ tại nhiệm của Thủ tướng đảng Bảo thủ Stephen Harper. Sau thắng lợi tuyệt đối đưa đảng Tự do trở lại nắm quyền lực ở Ottawa, nhiều thách thức ngay lập tức đặt ra cho Tân Thủ tướng trẻ tuổi.

Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng trò chuyện. Ảnh: AP
Thủ tướng Anh David Cameron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng trò chuyện. Ảnh: AP

Nhắc lại một chút về chiến lược tranh cử của Justin Trudeau trong cuộc đối đầu với đương kim Thủ tướng Stephen Harper. Nếu vị Thủ tướng đảng Bảo thủ nhắm đến tâm lý sợ hãi của cử tri trước những vấn đề nội địa, khu vực và quốc tế thì đối thủ trẻ tuổi đến từ đảng Tự do lại đề cập đến những cải cách thúc đẩy nền kinh tế và vấn đề môi trường. Từ lâu nay, môi trường là vấn đề mà ông Harper vẫn xem nhẹ, bằng chứng là ông không mảy may quan tâm đến chống thay đổi khí hậu toàn cầu và không có ý định tham dự Hội nghị về khí hậu COP 21. Trong khi đó, ông Trudeau tuyên bố nếu đắc cử sẽ đích thân đến Paris dự hội nghị này. 

Tuy nhiên, những lời hứa hẹn của tân Thủ tướng về cắt giảm lượng khí thải CO2 góp phần đem lại chiến thắng trong cuộc bầu cử, rất có thể sẽ quay trở lại “đập lưng ông” nếu ông Trudeau không đưa ra những giải pháp cụ thể và kịp thời đem lại những kết quả dễ thấy. Nhất là khi bài toán môi trường không hề dễ đối với Canada. 

Trong khoảng 15 năm vừa qua, khai thác dầu mỏ hầu như định hình nền kinh tế Canada nên phá vỡ mô hình này sẽ đặt ra nhiều thách thức. Chứng khoán sụt giảm đẩy nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, nhưng khai thác “vàng đen” vẫn duy trì hoạt động tương đối mạnh. Như vậy, giải pháp khả thi nhất mà Trudeau có thể thực hiện sẽ là cải thiện các hệ quả của ngành kinh tế này đến môi trường và xã hội Canada, đặc biệt là ở Quebec. 

Tại bang này vào năm 2013, đã xảy ra một tấn thảm kịch khi đoàn tàu vận chuyển dầu lửa từ Tây Mỹ nổ tung, khiến 47 người thiệt mạng. Bang Quebec tuyên bố sẽ không tiếp tục làm khu vực chuyển tiếp cho vận tải dầu mỏ từ Canada đến châu Âu - một tin buồn cho ý đồ cạnh tranh thị phần với Nga tại thị trường béo bở này. 

Bên cạnh những rủi ro về môi trường thì ngành công nghiệp dầu mỏ cũng có tác động tiêu cực đến xã hội Canada. Cụ thể là hoạt động khai thác cát dầu ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của những người da đỏ bản địa cư trú ở vùng lân cận các điểm khai thác. Đây là một vấn đề mà Thủ tướng Harper vẫn luôn “nhắm mắt làm ngơ”. 

Như vậy có thể thấy, vấn đề dầu mỏ có liên quan chặt chẽ đến kinh tế, môi trường và xã hội, đặt ra một bài toán hóc búa nhiều biến số cho tân Thủ tướng trẻ tuổi và chưa có nhiều kinh nghiệm. Một trong những hướng đi mà ông tính đến là thúc đẩy phát triển kinh tế dựa trên phát triển hệ thống hạ tầng. Đồng thời, ông cũng muốn làm dịu sự chia rẽ trong xã hội do công nghiệp dầu mỏ tạo ra bằng lời hứa giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, kèm theo những chế độ an sinh xã hội mới. Một thuận lợi cho tân Thủ tướng trẻ tuổi là Canada sẽ kỷ niệm 150 năm Quốc khánh vào năm 2017 tới đây. Rất có thể đây sẽ là cơ hội tốt để thổi làn gió mới vào quốc gia lá phong đỏ. 

Chủ tịch Trung Quốc thăm Anh và “sứ mệnh” gây tranh cãi

Từ ngày 20 đến ngày 23/10, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến công du đến Anh. Đây là chuyến thăm Anh đầu tiên của một Chủ tịch Trung Quốc trong vòng 10 năm qua. 

Thủ tướng Anh David Cameron đã dành cho ông Tập những nghi lễ đón tiếp trang trọng nhất - chỉ dành cho những đồng minh rất thân cận hoặc những đối tác thương mại chiến lược. Điều này không có gì khó hiểu khi mà chuyến thăm lần này của Chủ tịch Trung Quốc được kỳ vọng sẽ đem lại bước tiến mới trong nhiều lĩnh vực hợp tác giữa 2 bên, trong đó có hạt nhân, tàu cao tốc, tài chính,... Chính phủ Bảo thủ của Anh đặt nhiều hy vọng vào các nhà đầu tư Trung Quốc để bù đắp những điểm yếu của Anh trong trang thiết bị quy mô lớn. 

Tuy nhiên, vấn đề trọng tâm trong cuộc gặp lần này của lãnh đạo 2 nước là dự án trung tâm điện hạt nhân Hinkley Point ở Somerset (Tây Nam nước Anh). Dự án thành lập từ năm 2008 này gồm 2 lò phản ứng kiểu EPR và dự kiến sẽ được Tập đoàn Điện lực Pháp đầu tư 16 tỷ bảng Anh (21,9 tỷ euro). 40% số vốn còn lại được cho là sẽ do Trung Quốc đóng góp. Do đó, Anh hy vọng trong chuyến thăm của ông Tập lần này sẽ đi đến một thỏa thuận đẩy nhanh quá trình thực hiện dự án. 

Để được Bắc Kinh “bật đèn xanh”, Luân Đôn đã không ngần ngại đưa ra nhiều ưu đãi như một chế độ bảo hành của nhà nước lên đến 2 tỷ bảng Anh, xây dựng 2 nhà máy hạt nhân khác tại Sizewell và Bradwell. Tại đó, công nghệ của Trung Quốc sẽ được đưa vào sử dụng, cho phép công nghệ hạt nhân Trung Quốc đặt chân lên lục địa châu Âu. 

Tuy nhiên, không phải ai cũng hào hứng trước chuyến thăm của ông Tập. Trên thực tế, mối quan hệ giữa 2 quốc gia này thường xuyên có những biến động thất thường. Nổi trội phải kể đến năm 2012 sau khi Thủ tướng Anh David Cameron có cuộc gặp với Đức Dalai-lama hay năm 2014, Anh tỏ thái độ giữ khoảng cách với chính quyền Bắc Kinh trong bối cảnh biểu tình ở Hồng Kông. Nhiều nhà quan sát, truyền thông trong và ngoài nước cũng đưa ra những nhận định trái chiều về mối quan hệ này.

Nếu như tờ Financial Time có cái nhìn tích cực về “những cơ hội thương mại rộng mở” thì tờ Guardian lại đề cập đến nguy cơ phụ thuộc tăng trưởng. Mỹ và châu Âu đặc biệt không lấy làm hào hứng gì trước “tuần trăng mật” giữa Bắc Kinh và Luân Đôn khi cho rằng “Sẽ không một quốc gia châu Âu nào cam kết thỏa thuận tương tự với Trung Quốc”. Theo nhiều ý kiến nhận định, nguy cơ rủi ro về an ninh, an toàn là cực kỳ cao. 

Ngay trong nội bộ chính giới Anh cũng chia rẽ vì chuyến thăm của ông Tập, khi mà thủ lĩnh đảng Lao động Jeremy Corbyn khẳng định sẽ chất vấn Chủ tịch Trung Quốc về vấn đề nhân quyền. Thái tử Charles - một người bạn của Đức Dalai-lama, cho hay sẽ không tham gia vào tiệc chiêu đãi Chủ tịch Trung Quốc do Nữ hoàng Elizabeth tổ chức. 

Thục Anh 

TIN LIÊN QUAN