(Baonghean) - Ngày 22/3, châu Âu nói riêng và thế giới nói chung rúng động trước vụ đánh bom khủng bố ở Bỉ. 34 người thiệt mạng và 230 người khác bị thương ngay tại “trái tim châu Âu” đã buộc “lục địa già” phải thay đổi phương pháp tiếp cận với các cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ Trung Đông. Tất nhiên không phải ở đâu bức tranh thế giới tuần qua cũng mang màu u ám, trong một diễn biến khác, chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Cuba hứa hẹn mở ra chương mới trong mối quan hệ với đảo quốc xinh đẹp sau hơn nửa thế kỷ thù địch.
Bỉ - sào huyệt của khủng bố?
Lúc 8h17 theo giờ của Bỉ tức 14h17 ngày 22/3 (giờ Việt Nam), 2 tiếng nổ phát ra từ khu vực làm thủ tục soát vé của Hãng hàng không American Airlines tại Sân bay quốc tế Zaventem ở Thủ đô Brussels. Gần như cùng thời điểm, một vụ nổ khác xảy ra ở ga tàu điện ngầm Maelbeek.
2 vụ nổ ở 2 địa điểm vào giờ cao điểm buổi sáng khiến 30 người thiệt mạng và hơn 200 người khác bị thương. Điều đáng nói là địa điểm xảy ra vụ nổ nằm cạnh các trụ sở Liên minh châu Âu - một khu vực vốn được đặt trong trạng thái cảnh báo an ninh cao độ sau vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11/2015.
Vậy liệu vụ nổ liên hoàn vừa qua tại quốc gia Tây Âu này có liên hệ gì với cuộc tấn công tại Paris?
Không nghi ngờ gì, chắc chắn là có mối liên hệ rất lớn. Trở lại với vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris hơn 5 tháng trước làm 130 thiệt mạng và làm bị thương hàng trăm người. Theo các nhà chức trách, trong số 8 tên khủng bố Paris, 3 tên có mối liên hệ chặt chẽ với Bỉ.
Hai kẻ trong số này (hai anh em) là công dân Pháp nhưng đang sinh sống ở vùng ngoại ô Molenbek Tây Bắc nước Bỉ. Kẻ đầu tiên là Brahim Abdeslam, tự sát khi kích hoạt đai thuốc nổ trong một quán cafe ở đường Rue Voltaire. Kẻ thứ hai, Mohamed Abdeslam, bị bắt trong một cuộc bố ráp nhưng sau đó lại được thả. Nghi can thứ 3 là một công dân Bỉ, tên Salah Abdeslam, 26 tuổi.
Ngay sau khi cùng đồng bọn gây ra một loạt vụ tấn công khủng bố ở Paris, y đã nhanh chân chạy trốn về Bỉ. Để tiêu diệt kẻ khủng bố cực đoan này, cảnh sát Pháp và Bỉ đã phối hợp và bắt được y ở Molenbeek - một khu “ổ chuột” chủ yếu người Hồi giáo sinh sống và là hang ổ của các phần tử cực đoan tại Brussels.
Những tưởng bắt được y sẽ là đòn giánh mạnh cho nỗ lực của Pháp - Bỉ và cả của châu Âu trong cuộc chiến chống khủng bố, tuy nhiên, khi mà niềm tin chỉ mới bắt đầu thì lại xảy ra vụ đánh bom liên hoàn làm bàng hoàng cả châu Âu và thế giới.
Không cần biết đây là hành động trả thù hay là âm mưu đã được lên kế hoạch từ trước, nhưng rõ ràng một khu vực “nhạy cảm” luôn được đặt trong trạng thái cảnh báo cao độ lại bị khủng bố đẫm máu là điều không thể chấp nhận. Phải chăng đã có lỗ hổng về an ninh tại quốc gia nhỏ bé nằm trong lòng châu Âu?
Đúng vậy, Bỉ là quốc gia Tây Âu nằm giữa Đức, Luxembourg, Hà Lan và Pháp, được xem là nước có số thành viên thánh chiến đông đảo nhất tại châu Âu. “Số người Bỉ đang hoạt động tại Iraq hay Syria đã lên đến con số 516”, Pieter van Ostaeyen, một công dân Bỉ gốc Arab, cho biết trên mạng xã hội vào tháng trước.
Các chuyên gia cũng khẳng định trong số những người này, có hơn 100 người đã trở lại Bỉ. Một con số khiêm tốn so với Pháp (gần 1.200 người), Anh, Đức (gần 600 người), nhưng nếu đối chiếu với quy mô dân số thì Bỉ chiếm tỷ lệ cao nhất tại châu Âu.
Trong khi đó, hoạt động an ninh tại thành phố Brussels vẫn còn nhiều bất cập. Với tổng số dân 1,3 triệu người nhưng lực lượng cảnh sát được cho là rất mỏng chia thành 6 đội rải rác khắp 19 quận, điều này gây khó khăn không nhỏ cho công tác kiểm soát cũng như chia sẻ thông tin tình báo.
Một nguyên nhân khác khiến Bỉ trở thành sào huyệt của các vụ khủng bố, đó là từ năm 2010 đến 2011, quốc gia này đã tồn tại mà không có chính phủ trong suốt 514 ngày! Bên cạnh đó, xã hội nói tiếng Flemish và Pháp của Bỉ cũng bị cho là khởi nguồn của sự chia rẽ, và gây nhiều khó khăn đối với dân nhập cư.
Tất cả những điều đó đã khiến Bỉ trở sào huyệt của lực lượng khủng bố và điều tất yếu đã xảy ra. Vấn đề là làm thế nào để không tái diễn những vụ khủng bố đẫm máu? Khi mức cảnh báo cao nhất cũng không thể ngăn chặn các vụ khủng bố thì rõ ràng châu Âu nói chung và Bỉ nói riêng cần phải xem xét lại cách tiếp cận của mình trong cuộc chiến chống khủng bố ở Trung Đông. Đó là xem xét lại việc áp dụng những tiêu chuẩn kép trong cuộc chiến chống khủng bố, mà cụ thể là tại Syria. Bởi thực tế đã chứng minh rằng châu Âu đã sai lầm khi xem việc lật đổ Tổng thống Bashar al Assad phải đi kèm với chống khủng bố.
Đó còn là sự mất đoàn kết trong vấn đề người tỵ nạn, Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù đã ký thỏa thuận với EU về vấn đề hạn chế cho người nhập cư tiến vào lục địa già, chẳng ai có thể khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không tiếp tục mở cửa biên giới, nhưng ai cũng có thể đoan chắc rằng trong số những người nhập cư sẽ có những phần tử khủng bố IS - tổ chức khủng bố cực đoan gây ra vụ đánh bom liên hoàn tại Brussels.
Mỹ-Cuba: Một kỷ nguyên tươi sáng
Mặc dù đã được dự đoán từ ngày hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao song phương hồi tháng 12/2014, nhưng thực sự chuyến thăm Cuba của Tổng thống Mỹ Barack Obama vừa rồi đã gây được rất nhiều chú ý của dư luận.
Bởi như đã biết, Cuba từng là đồng minh quan trọng của Mỹ tại vùng biển Caribe, nhưng quan hệ hai nước xấu đi nhanh chóng sau cuộc Cách mạng Cuba năm 1959. Đầu năm đó, Fidel Castro và quân cách mạng đã lật đổ chế độ của nhà độc tài thân Mỹ Fulgencio Batista. Trong hai năm sau đó, quan hệ song phương thực sự đi vào bế tắc sau khi Cuba quốc hữu hóa các tập đoàn tư nhân khổng lồ, bao gồm các công ty của Mỹ tại đây.
Đáp trả lại, Washington quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao và ra lệnh cấm vận kinh tế. Và một lý do khác nữa cũng không kém phần quan trọng, đó là việc trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh, Cuba nghiêng về phía Liên Xô - đối thủ của Mỹ, nhằm tìm kiếm sự bảo đảm an ninh. Kể từ đó, bất chấp nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, người ta vẫn chỉ thấy sự đối đầu trong mối quan hệ của hai quốc gia có vị trí địa lý rất gần nhau này.
Tuy vậy, tình hình hiện nay đã thay đổi, quá khứ sẽ khép lại, một chương mới sẽ mở ra, đó là hòa bình, hợp tác cùng phát triển, nhờ đó góp phần ổn định an ninh khu vực và thế giới... sau chuyến thăm Cuba vừa qua của đương kim Tổng thống Mỹ.
Để lý giải cho điều này, chúng ta hãy nhìn lại ảnh hưởng tiêu cực của các bên trong cuộc bao vây cấm vận hơn một nữa thế kỷ qua. Chính sách bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba đã gây thiệt hại nặng nề về nhiều mặt đối với Cuba, nhất là kinh tế. Theo thống kê của Chính phủ Cuba, hơn nửa thế kỷ cấm vận của Mỹ đã khiến nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 1.126 tỷ USD. Tuy nhiên, chính sách thù địch đó cũng gây tác dụng “ngược”, làm cho Mỹ trở thành bên bị thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ngoại giao. Giới đầu tư Mỹ phàn nàn, chính sách cấm vận của chính phủ đã không thể làm sụp đổ chế độ xã hội ưu việt ở Cuba, mà chỉ làm cho họ mất thời cơ đầu tư, kinh doanh ở một thị trường vốn được coi là đầy tiềm năng này. Họ cũng lo ngại Cuba đang tiến hành cải cách, mở cửa nên các thị phần đầu tư có thể rơi vào tay người khác nếu chính phủ Mỹ không dỡ bỏ lệnh cấm vận chống Cuba.
Nhiều người dân Mỹ gốc Cuba cũng phản đối chính sách bao vây cấm vận Cuba của chính phủ đã làm cho gia đình họ lâm vào tình cảnh ly tán. Chính sách thù địch của Mỹ chống Cuba cũng trở thành tâm điểm gây nhức nhối trong quan hệ quốc tế, bị dư luận thế giới phản đối, lên án là chính sách lỗi thời của thời kỳ “Chiến tranh Lạnh” và không còn phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển của thời đại.
Trong chuyến thăm Cuba 3 ngày (từ 20-22/3) của Tổng thống Obama, đệ nhất phu nhân Michelle Obama, hai con gái và các quan chức cấp cao trong đó có nhiều quan chức thuộc Đảng Cộng hòa – đảng vốn luôn theo đuổi chính sách thù địch với Cuba cùng nhiều doanh nhân Mỹ. Mặc dù các bên đều cho biết vẫn có một số điểm khác biệt, và để mối quan hệ giữa Mỹ và Cuba tiếp tục đi đúng hướng như mong muốn phải cần một tiến trình lâu dài, đòi hỏi giải quyết những vấn đề then chốt chất chứa qua hơn 5 thập kỷ, chứ không thể giải quyết được chỉ trong một chuyến thăm.
Nhưng chúng ta có thể khẳng định rằng, những việc làm cụ thể như việc đại diện chính phủ Cuba và Mỹ đã ký hai bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực địa chất-thủy; các doanh nghiệp Mỹ cũng lần lượt công bố các thỏa thuận lịch sử đạt được với Cuba... và các động thái đáng chú ý khác như Mỹ xóa bỏ Cuba ra khỏi danh sách nước bảo trợ khủng bố; cho phép người Cuba gốc Mỹ chuyển tiền không hạn chế về quê nhà... là cơ sở để khẳng định một tương lai tương sáng trong mối quan hệ Mỹ - Cuba sẽ thành hiện thực.
Cảnh Nam