(Baonghean) - Năm 2014 sắp khép lại, cũng là khép lại hy vọng làm dịu đi những điểm nóng trên toàn thế giới trước khi bước sang một năm mới. Bởi để giải quyết những bất đồng, trước tiên phải tìm thấy một điểm dừng, một khoảng lặng - dù chỉ là tạm thời. Lắng nghe, thông cảm, nhún nhường - đó có thể là lối thoát cho những vấn đề mà thế giới đang phải đối mặt, nhưng cái bóng lợi ích cá nhân và sự mất lòng tin vào nhau có lẽ đã quá lớn. Hay ít ra, đã là quá muộn để có thể thay đổi thế giới này trong năm 2014...
 
 
images1109427_3.jpgCầu nguyện ở Bagdad, Iraq đêm 24/12.
 
Trung Đông đón Noel buồn
 
Đêm 24, rạng sáng 25/12, các tín đồ Thiên Chúa giáo trên toàn thế giới đã cùng nhau đón mừng ngày Chúa Jesus giáng sinh - ngày thánh lễ thiêng liêng nhất của Công giáo. Vậy mà tại Trung Đông - cái nôi ra đời tôn giáo này, các con chiên có lẽ đã có một ngày lễ Noel u ám nhất trong nhiều năm trở lại đây. 
 
Ở Thành phố thánh CIsjordanie - nơi Chúa Jesus chào đời, đoàn người hành hương về đất thánh từ nước ngoài không đông đúc như mọi năm. Thứ toát lên không khí Giáng sinh nhất có lẽ là cây thông Noel được trang hoàng bằng các màu sắc của quốc kỳ Palestin (đen, trắng, đỏ và xanh) được dựng trước Đại giáo đường Nativity. Nhưng ngay cả không khí lễ hội vốn đã ảm đảm hơn trước đó cũng đã bị phá vỡ bởi một đợt tấn công mới: một đợt không kích của không quân Israel đã giết chết một binh sỹ Hamas nhằm trả đũa lại những pha bắn tỉa nhắm vào một đội quân tuần tra Israel. Như vậy là cuộc giao tranh từ mùa hè khiến gần 2.300 người thiệt hại (của cả 2 phía) và xé nát dải Gaza vẫn không thể tìm được một khoảng lặng ngay cả trong ngày lễ trọng đại này. 
 
Còn tại Iraq, không khí còn thê lương hơn với 150.000 tín đồ Thiên Chúa giáo phải di tản vì những đợt tấn công của Nhà nước Hồi giáo. Ngày lễ Giáng sinh - ngày của hội tụ, quây quần yên vui đã được dành để tưởng niệm những nạn nhân đã bị hành quyết bởi các chiến binh thánh chiến. Trong buổi cầu nguyện tại nhà thờ thánh của Thủ đô Bagdad, cha Sair Abdoul Massih nói: "Những sự kiện vừa qua thật sự đáng buồn đối với tất cả chúng ta. Vì những người anh em - những người Thiên Chúa giáo và những người ngoại đạo. Thiên Chúa giáo là tôn giáo của hòa bình, hãy cầu nguyện cho những con người này được trở lại với quê hương, cầu cho cái ác, cái xấu biến mất".
 
Cộng đồng Thiên Chúa giáo ở Iraq trước đây có khoảng 1,5 triệu người, nay chỉ còn chưa đến 500.000 người - hậu quả của những cuộc thánh chiến mù quáng. Giáo hoàng Francois đã gọi điện đêm thứ Tư cho những người Kurd Iraq đi tị nạn: "Các giáo hữu, tôi luôn ở gần các bạn, bằng tất cả trái tim. Chúa ban phước lành cho tất cả". Nước láng giềng Syria - cái "rốn" của bạo lực cũng không tránh khỏi một ngày lễ buồn. Khâm mạng Mario Zenari của Tòa thánh Vatican tại Syria cho biết buổi lễ cầu kinh lúc nửa đêm đã được tổ chức từ chiều thứ Tư, ngày 24/12 để tránh nguy cơ bị tấn công. 
 
Thứ Ba, ngày 23/12, Giáo hoàng đã bày tỏ nỗi quan ngại sâu sắc về số phận của những tín đồ Thiên Chúa giáo tại Trung Đông - chiến trường đẫm máu nhất trên thế giới năm vừa qua. Trong một bức thư dài gửi cho cộng đồng con chiên ở đây, Giáo hoàng tiếp tục động viên các con chiên kiên trì theo đuổi đối thoại giữa các tôn giáo, mặc dù còn rất nhiều trở ngại trong tiến trình hòa bình. Người đứng đầu Tòa thánh cũng đề cập đến Nhà nước Hồi giáo IS như là một "tổ chức khủng bố với quy mô không thể tưởng tượng được, là thủ phạm của những tội ác tàn bạo nhất". Đồng thời ông cũng lên án hành động đuổi những cộng đồng dân cư ra khỏi vùng đất lâu đời của họ - người Thiên Chúa giáo và cả những tôn giáo khác, mà gần đây nhất là người Yazidis. 
 
Ông Shinzo Abe tại buổi công bố kết quả bầu cử.
 
Nhật Bản: Thời gian của Shinzo Abe được "gia hạn"
 
Thứ Tư, ngày 24/12, Shinzo Abe tái đắc cử vị trí Thủ tướng Nhật Bản - 10 ngày sau khi Đảng Dân chủ tự do của ông thắng áp đảo tại cuộc bầu cử Quốc hội sớm. Đây là nhiệm kỳ thứ 3 của vị Thủ tướng với những cải cách kinh tế gây nhiều ý kiến trái chiều về hiệu quả của chúng đối với suy thoái kinh tế ở Nhật. 
 
Với kết quả bỏ phiếu 328/470 ở Hạ viện và 135/240 ở Thượng viện, có thể nói sự tín nhiệm đối với vị Thủ tướng này vẫn đủ lớn để giúp ông ngồi vững trên vị trí đứng đầu quốc gia "mặt trời mọc" mà không có đối thủ. Hoặc nói chính xác hơn thì cuộc bỏ phiếu này chỉ mang tính hình thức bởi Đảng Dân chủ tự do chiếm đến 291 ghế trong Quốc hội và Đảng đồng minh Tân Komeito có 35 ghế. Như vậy, 4 đối thủ của ông hầu như không có cơ hội chiến thắng nào khi mà Shinzo Abe dồn toàn lực trong và ngoài Đảng cho cuộc bầu cử này. Người về nhì, Katsuya Okada, một đảng viên đảng Dân chủ Nhật Bản, chỉ giành được 73 phiếu ở Hạ viện và 61 ở Thượng viện. Thắng lợi này, cũng giống như thắng lợi trước đó của đảng Dân chủ tự do không hề gây bất ngờ, khi mà phe đối lập đang chia rẽ nội bộ sâu sắc. 
 
Thứ Tư, ngày 31/12 tới đây, Shinzo Abe sẽ phải thành lập chính phủ mới - có vẻ như sẽ không thay đổi gì ngoại trừ vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - truyền thông Nhật đưa tin. Ông Akinori Ato - Bộ trưởng hiện tại có vẻ như sẽ được thay thế bởi Gen Nakatani - một nhân vật có tiếng nói trong lĩnh vực an ninh quốc phòng và chống khủng bố. Sau đó sẽ là buổi lễ cùng với Đức vua Akihito, người sẽ thông qua bộ máy chính phủ mới - tất cả chỉ mang tính chất hình thức. Có vẻ như Shinzo Abe sẽ tiếp tục theo đuổi chủ trương mà ông đưa ra từ tháng 12/2012. Mục tiêu trọng tâm là cải tổ nền kinh tế, bất chấp những cố gắng gây cản trở của phe bảo thủ - những người đã biến cuộc bầu cử Quốc hội thành cuộc trưng cầu ý kiến tán thành hay phủ quyết chính sách kinh tế "abenomics" của Thủ tướng. 
 
Tuy nhiên, có vẻ như đó sẽ không chỉ là câu hỏi duy nhất đặt ra cho nhiệm kỳ mới của Shinzo Abe. Mâu thuẫn giữa Okinawa và Tokyo đang ngày càng căng thẳng. Ngày 25 và 26/12, người đứng đầu tỉnh Okinawa - ông Takeshi Onaga đã đến Tokyo, theo đuổi chủ trương phản đối tái thiết lập căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo này. Tokyo không lấy gì làm mặn mà với vị khách không mời này, khi mà cả người phát ngôn của Chính phủ Yoshihide Suga và Bộ trưởng chịu trách nhiệm về Okinawa - Shunichi Yamaguchi đều tỏ thái độ không muốn gặp tỉnh trưởng tỉnh Okinawa. Xem ra nhiệm kỳ vừa mới của Thủ tướng Shinzo Abe đã khởi động đầy kịch tính, dự báo quãng thời gian bận rộn đang chờ đón ông. 
 
Nga "phản đòn" Ukraina và phương Tây
 
Thứ Sáu, ngày 26/12, Điện Kremlin công bố chính sách quân sự mới được Tổng thống Nga Vladimir Putin thông qua, trong đó xác định Tổ chức hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) là mối đe dọa lớn nhất đối với an ninh nước Nga. 
 
Cụ thể, chủ trương mới này thể hiện nỗi sự quan ngại sâu sắc đối với "sự tăng cường phòng thủ trực tiếp của NATO ở biên giới Nga và những biện pháp đã được áp dụng để triển khai hệ thống chống tên lửa toàn cầu" ở Đông Âu. Trong bối cảnh mối quan hệ căng thẳng giữa Mátxcơva và phương Tây thì những động thái trên được đánh giá là hành động thù địch với Điện Kremlin. Nhưng trên thực tế, những văn bản này đã được đưa ra từ năm 2010 và vẫn được giữ nguyên, không thay đổi gì. Ngoài ra, Điện Kremlin cũng cáo buộc quyết định điều quân của NATO đến các quốc gia thành viên giáp biên giới Nga như các quốc gia baltic, Ba Lan; dự án của Mỹ về vành đai chống tên lửa ở Đông Âu. 
 
Nhưng trên hết, mối nguy hiểm hàng đầu được Nga xác định là sự bành trướng của NATO, sẽ kéo theo "tình trạng bất ổn tại các quốc gia láng giềng" của Nga. Vậy là Nga đã dấn thêm một bước trong cuộc đối đầu với phương Tây, bởi vào năm 2010, trong văn bản chính sách quân sự Nga chỉ đề cập đến "những toan tính gây bất ổn" chứ không nói thẳng thừng như thế này. Có lẽ việc Nga tỏ thải độ trực tiếp như vậy ít nhiều liên quan đến tuyên bố của Ukraina vào thứ Tư, ngày 24/12. Theo đó, Ukraina quyết định từ bỏ trạng thái trung lập và quyết tâm gia nhập NATO. 
 
Hạt nhân cũng là một trong những vấn đề được đề cập đến trong chủ trương quân sự mới của Nga. Theo đó, khái niệm "ngăn chặn phi hạt nhân" được định nghĩa bằng việc duy trì phòng bị cấp cao các lực lượng quân sự quốc tế và bằng sự ràng buộc với các tổ chức an ninh khu vực như Cộng đồng các quốc gia độc lập hoặc Tổ chức hợp tác Thượng Hải. Tuy nhiên, Nga giữ cho mình quyền sử dụng vũ khí hạt nhân trong trường hợp Nga hoặc các đồng minh bị tấn công hoặc bị "đe dọa trực tiếp đến an nguy quốc gia". 
 
Như vậy là tình hình quan hệ giữa Nga và phương Tây không chuyển biến tốt lên mà ngày càng căng thẳng hơn. Khi mà cả hai bên đều không chấp nhận nhượng bộ mà liên tục "ăn miếng, trả miếng", gây áp lực cho đối phương. Nếu tình hình tiếp tục tiến triển theo xu hướng này thì có lẽ chúng ta sẽ phải đối mặt với nguy cơ chiến tranh lạnh. Mà một cuộc chiến tranh lạnh cũng giống như chiếc dây dẫn cháy âm ỉ, chỉ cần một mồi lửa nhỏ là đủ để phát động cuộc chiến tranh nóng có khả năng hủy diệt cả hai bên và cả thế giới này. 
 
Thục Anh 
Theo Le monde