Háo hức mở cửa trở lại
Tổng thống Trump muốn dỡ các biện pháp hạn chế và không che giấu sự háo hức muốn được nhìn thấy nền kinh tế và một số hoạt động kinh doanh trở lại bình thường sau quãng thời gian đình trệ. Ông đang cố gắng thuyết phục các thống đốc bang và kêu gọi các doanh nghiệp mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ càng nhanh càng tốt. Nhưng các thống đốc bang lại tỏ ra thận trọng hơn. Hơn thế, giới chức Mỹ còn đặt ra lo ngại, liệu trên thực tế nền kinh tế nước này đã thật sự sẵn sàng mở cửa trở lại hay chưa.
Theo kịch bản đề ra, nền kinh tế Mỹ sẽ mở cửa trở lại diễn ra theo 3 giai đoạn, mà không mở cửa đồng thời. Việc triển khai thận trọng từng bước tại từng thời điểm, và một số bang sẽ có thể mở cửa sớm hơn. Trong giai đoạn đầu, các địa điểm như nhà hàng và rạp chiếu phim có thể hoạt động trở lại cùng với quy định giãn cách xã hội chặt chẽ. Trong giai đoạn hai, việc hạn chế đi lại không thiết yếu có thể được dỡ bỏ và các trường học có thể trở lại. Giai đoạn 3 - những người dễ bị tổn hại sức khỏe có thể tương tác cộng đồng.
Đã đến lúc Mỹ phải suy nghĩ lớn hơn, cẩn thận hơn về kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế.
Các chuyên gia thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ cũng công bố báo cáo về những tiêu chí giúp xác định thời điểm an toàn để tái mở cửa đất nước, như các bệnh viện phải đủ khả năng tiếp nhận bệnh nhân cần điều trị, các bang có thể xét nghiệm cho tất cả những người có triệu chứng, giám sát các ca nhiễm và tiếp xúc gần, cũng như số ca nhiễm phải giảm liên tục trong 14 ngày. Mặc dù hầu hết các khu vực ở Mỹ đều chưa đạt được những điều kiện cần thiết để làm điều này, việc nới lỏng cách biệt cộng đồng vẫn được thúc đẩy sớm khiến các chuyên gia cho rằng đã đến lúc Mỹ phải suy nghĩ lớn hơn, cẩn thận hơn về kế hoạch tái mở cửa nền kinh tế.
Nhà kinh tế học Megan Greene, thành viên cao cấp của trường Harvard Kennedy cho rằng: “Thật không may, việc khởi động lại hoạt động thương mại không hề dễ dàng. Cần phải bắt đầu với sự tin tưởng nhiều hơn từ người tiêu dùng. Và thực tế, chúng ta còn cách khá xa niềm tin đó. Tổng thống Trump cũng không thể khiến người tiêu dùng đổ xô trở lại các trung tâm thương mại, quán bar, nhà hàng, hoặc các khu vực cộng cộng khác cho đến khi người dân cảm thấy thoải mái và an toàn".
Còn tờ Politico nhận định: “Tổng thống Trump có thể phục hồi hàng nghìn tỷ USD đã bị “bốc hơi” khỏi nền kinh tế. Ông Trump có thể muốn vẫy cây đũa thần vào kinh tế và đưa đất nước trở lại trạng thái trước khi Covid-19 tấn công, và ghi điểm trong chiến dịch tranh cử tổng thống. Nhưng nó là không thể. Bởi ông có thể cổ vũ phát triển kinh tế, song không thể điều khiển được người tiêu dùng - một biến số quan trọng trong việc phục hồi nền kinh tế”.
Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố ông có “thẩm quyền tối cao" để quyết định khi nào các bang cần cho doanh nghiệp mở cửa trở lại, chứ không phải chính quyền địa phương. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng phát ngôn của ông Trump không có cơ sở pháp lý. Nhiều thống đốc đã bày tỏ lo lắng trước khả năng dỡ bỏ quá sớm lệnh ở yên trong nhà, và thừa nhận, việc đảm bảo cân bằng giữa nỗ lực chống dịch và giảm thiểu tổn thương kinh tế là một thách thức lớn, song khẳng định sức khỏe cộng đồng mới là ưu tiên của họ.
“Dục tốc bất đạt”
Được đánh giá hoàn toàn trái ngược với sự chia rẽ chính trị trong nội bộ Mỹ, khi các thống đốc bang đang bất đồng quan điểm về thời gian dỡ bỏ lệnh phong tỏa và thành lập liên minh để chống lại ý định áp đặt của Tổng thống Trump thì cách tiếp cận của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã giành được sự đồng thuận của các lãnh đạo địa phương trong một hệ thống nhà nước liên bang phức tạp của Đức.
Thủ tướng Angela Merkel ngày 15/4 đã tuyên bố về kế hoạch giúp nước Đức bắt đầu nới dần các hạn chế về kinh tế, xã hội được áp đặt để ngăn chặn Covid-19 lây lan, mặc dù vẫn đưa ra lời cảnh báo rằng, thành công vừa đạt được chỉ là “tạm thời và hết sức mong manh”. Tuy nhiên, không khoa trương, chỉ dựa vào khoa học, kế hoạch mở cửa kinh tế của Đức - nền kinh tế lớn nhất châu Âu, rất được mong chờ.
Thủ tướng Đức cảnh báo, nền kinh tế sẽ tiếp tục đóng cửa thêm 20 ngày nữa, trong khi các biện pháp giãn cách xã hội vẫn có hiệu lực nghiêm ngặt. Tuy nhiên, theo kế hoạch mở cửa kinh tế của bà Merkel, một số cửa hàng nhỏ sẽ được phép hoạt động trở lại từ ngày 20/4, trong khi các trường THPT sẽ bắt đầu mở cửa từ ngày 4/5, nếu đảm bảo thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để duy trì cách biệt cộng đồng.
“Chúng ta cần hiểu rằng phải sống chung với virus cho tới khi tìm ra vắc xin và cách điều trị”.
Chính phủ cũng khuyến nghị người dân sử dụng khẩu trang tại không gian công cộng. Nhà hàng, quán bar vẫn chưa thể mở cửa, và các sự kiện thể thao lớn như tiếp tục bị cấm tới 31/8. Đặc biệt, sau mỗi hai tuần, chính phủ Đức sẽ dựa vào số ca nhiễm được báo cáo để đánh giá tác động của từng biện pháp nới lỏng và tránh nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Thủ tướng Merkel khẳng định: “Dục tốc bất đạt, ngay cả khi ý tưởng là rất tốt. Chúng ta cần hiểu rằng phải sống chung với virus cho tới khi tìm ra vắc xin và cách điều trị”.
“Bà đầm thép” Angela Merkel, từng là nhà vật lý công tác tại Viện Hóa Lý Trung ương thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Đức, đã bám sát vào khoa học khi thận trọng đưa ra kế hoạch mở cửa từng bước của chính phủ. Nhờ vậy, bà Merkel đã giành được sự đồng thuận. Trong bối cảnh châu Âu vẫn là tâm chấn của đại dịch Covid-19 toàn cầu, với 7/10 quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất đều nằm trên “lục địa già”, tiến sĩ Peter Drobac - chuyên gia y tế tại Trường kinh doanh Said của Đại học Oxford cho rằng, những quốc gia châu Âu như Đức hiện đang dỡ bỏ dần dần các biện pháp hạn chế của họ là “hình mẫu quan trọng và đầy hy vọng” đối với phương Tây.
Những tiêu chí hàng đầu
Bất kỳ nước nào nới lỏng các hạn chế cũng sẽ mang rủi ro. Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo, rằng tình hình vẫn còn rất phức tạp và khẳng định “bây giờ không phải lúc để thư giãn”.
Còn theo Tiến sĩ Peter Drobac, điểm chung của các quốc gia châu Âu nới lỏng các biện pháp là không nằm trong danh sách những nước bị ảnh hưởng nặng nhất của châu lục, bởi họ cũng là những nước đầu tiên áp dụng chính sách phong tỏa hoặc các biện pháp cách ly xã hội nghiêm ngặt, cũng như thực hiện xét nghiệm trên diện rộng.
“Họ nới lỏng phong tỏa dần dần chứ không hề vội vã, để có thể theo dõi sát sao các ca nhiễm mới. Nếu ca nhiễm mới tăng đột biến trở lại, cách thức sẽ được điều chỉnh. Đó là cách mà các quốc gia này sẽ làm”.
Các quốc gia khác, nếu muốn đi theo con đường này, thì cần phải đáp ứng 3 tiêu chí chung, đặc biệt nếu muốn không vấp phải “làn sóng” bùng phát dịch bệnh lần thứ hai. Trước hết, cần phải “làm phẳng đường cong” và số lượng ca nhiễm phải có dấu hiệu giảm dần. Thứ hai, hệ thống y tế cần có khả năng ứng phó nhanh với tình huống khủng hoảng. Thứ ba, cần hệ thống xét nghiệm quy mô lớn, theo dõi và cách ly, để người nhiễm bệnh có thể được cách ly kịp thời trước khi lây nhiễm cho người./.