Hồi chuông “báo tử”
Sự thất vọng tích tụ của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, kể từ khi trở về sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump lần thứ 2 hồi năm 2019, đã nổ bùng bằng cách giật sập văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc. Sự sụp đổ một biểu tượng hiếm hoi của hai nước đã phá hủy thành quả 2 năm giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, vốn được kỳ vọng sẽ dẫn đến phi hạt nhân hóa Triều Tiên hay ký kết hiệp ước hòa bình chính thức chấm dứt Chiến tranh liên Triều. Kim Jong-un hành động đúng như lời cảnh báo ông đã lặp đi lặp lại rằng, sẽ đưa mối quan hệ liên Triều sang giai đoạn mới, coi Hàn Quốc không phải là một đối tác hòa giải, mà là “kẻ thù”.
Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên nhấn mạnh, việc phá hủy tòa nhà là hành động trả thù của “những người nổi giận”. Trong khi đó, Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã “phản bội hy vọng hòa bình trên bán đảo”, và Bình Nhưỡng sẽ phải chịu trách nhiệm cho hành động của mình, đồng thời cảnh báo nếu Bình Nhưỡng tiếp tục làm tình hình thêm trầm trọng, Seoul sẽ có biện pháp đáp trả tương xứng. Lee Byong-chul, chuyên gia về Triều Tiên tại Viện nghiên cứu Viễn Đông của Đại học Kyungnam, Seoul nhận định: “Những động thái đáp trả lẫn nhau giữa Bình Nhưỡng và Seoul báo hiệu rằng vòng xoáy khủng khiếp trong quan hệ liên Triều đã không thể cứu vãn. Triều Tiên chính thức tuyên bố hồi chuông báo tử với mối quan hệ của chính quyền Moon Jae-in”.
Việc phá hủy văn phòng liên lạc chung Hàn - Triều cũng được coi là một thông điệp tới Washington.
Vụ nổ văn phòng liên lạc không chỉ phá hủy một trong những di sản cụ thể nhất về sự gắn kết hòa bình của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in với Triều Tiên, mà còn cho thấy sự kịch tính nhất trong tam giác quan hệ Kim-Moon-Trump như thế nào! Mối quan hệ Trump-Kim trở nên tồi tệ khi cả hai ra về tay trắng sau cuộc gặp thượng đỉnh lần hai tại Việt Nam năm 2019. Sau thất bại đó, Triều Tiên trút sự thất vọng lên người hòa giải Moon Jae-in. Ẩn đằng sau sự khinh miệt sâu sắc của Triều Tiên đối với Hàn Quốc là sự thất vọng về chính quyền Trump. Các nhà phân tích cho rằng, việc phá hủy văn phòng liên lạc cũng được coi là một thông điệp tới Washington.
“Nếu bây giờ chính quyền Hàn Quốc có khả năng và can đảm thực hiện ngay lập tức điều mà họ không làm trong 2 năm qua, tại sao quan hệ Bắc-Nam vẫn bế tắc” - trích dẫn lời của bà Kim Yo-jong, em gái ông Kim Jong-un, tờ The Washington Post nhận định, thái độ của bà thể hiện sự thất vọng của Triều Tiên về việc không thể có được những gói hỗ trợ kinh tế từ Hàn Quốc, nhằm ứng phó với các lệnh trừng phạt của quốc tế. Thương mại với nước ngoài bị ghì chặt, Triều Tiên đã không thể phát triển kinh tế, trong khi Hàn Quốc lại không có những bước tiến mới trong các dự án hợp tác chung giữa hai nước.
Leif-Eric Easley - Giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha, Seoul cho rằng, Triều Tiên đang gây áp lực chiến lược lên Hàn Quốc để đảm bảo các nhượng bộ về các biện pháp trừng phạt. “Thật khó để nói hành động như vậy sẽ giúp chính quyền Kim Jong-un có được những gì họ muốn từ thế giới, nhưng rõ ràng những hình ảnh đó sẽ được tiếp tục tuyên truyền trong nước. Vì vậy, Seoul cần phải cứng rắn, chứng minh cho Bình Nhưỡng thấy rằng các mối đe dọa đối với họ là phản tác dụng”.
Náo loạn chính trường
Trích đoạn cuốn hồi ký “The Room Where It Happened: A White House Memoir” (“Căn phòng nơi chuyện đó xảy ra: Hồi ký Nhà Trắng) của cựu cố vấn an ninh John Bolton mà các tờ báo lớn của Mỹ đăng tải đã hé lộ thông tin về những đoạn trao đổi hậu trường giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình về vấn đề bầu cử ở Mỹ. Theo Bolton, Tổng thống Trump đã cố gắng thuyết phục Chủ tịch Tập Cận Bình nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp, bởi nó giúp ông nhận được nhiều lá phiếu ủng hộ của cử tri nông dân trong cuộc chạy đua bầu cử.
Bênh vực ông chủ Nhà Trắng, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho rằng, hồi ký sắp phát hành của cựu cố vấn an ninh quốc gia Bolton là bịa đặt và gọi ông là “kẻ phản bội”. Tuy nhiên, theo các trích đoạn được nhiều tờ báo lớn tiết lộ, Bolton đã viết rằng, Pompeo là một trong những trợ lý hiếm hoi đụng độ công khai với Trump, lại “nói xấu sau lưng” tổng thống. Theo New York Times, Bolton viết trong hồi ký rằng, ông đã nhận được một bức thư từ Pompeo trong cuộc gặp lịch sử đầu tiên của Tổng thống Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại Singapore hồi tháng 6/2018, trong đó Ngoại trưởng Mỹ viết rằng những gì ông Trump nói “toàn điều nhảm nhí”.
Tổng thống Trump càng cấm cản, càng chỉ trích, cuốn hồi ký càng nổi tiếng và nhiều người tò mò, muốn sở hữu nó.
Chính quyền Trump đã tìm mọi cách đưa ra lệnh cấm khẩn cấp để ngăn chặn việc xuất bản cuốn sách. Các luật sư của Nhà Trắng tuyên bố cuốn sách của ông Bolton có “chứa một lượng đáng kể thông tin mật”. Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh rằng cuốn sách “không nên được ra ánh sáng trước cuộc bầu cử tháng 11”. Thậm chí, chính quyền còn yêu cầu một thẩm phán ở Washington ban hành lệnh cấm sơ bộ để ngăn chặn việc bán sách, bởi những chi tiết trong sách sẽ làm tổn hại đến an ninh quốc gia.
Chính quyền Tổng thống Trump không thể ngăn chặn cuốn hồi ký xuất bản, song ít nhất cũng đã kéo dài được thời gian ấn phẩm ra mắt công chúng. Đầu tháng 3, Nhà Trắng đã kéo dài thời gian kiểm duyệt sách. Tiếp tục đến tháng 5, ngày phát hành lại bị đẩy xuống 23/6 khi quá trình kiểm duyệt kéo dài. Các chuyên gia pháp lý nhận định, chính quyền Trump khó có thể thuyết phục được thẩm phán ra phán quyết ngừng xuất bản cuốn hồi ký, song có thể ngăn cản ông Bolton thu lời từ việc bán sách.
Mặc dù mới dự kiến sẽ được ra mắt vào ngày 23/6, tuy nhiên cuốn sách đã nhanh chóng chiếm trọn vị trí đầu trong danh sách bán chạy nhất của Amazon. Nhà Trắng yêu cầu ông Bolton dừng tất cả hoạt động xuất bản, song ông Bolton cho hay ông không có đủ quyền hạn. Simon & Schuster, nhà xuất bản cuốn hồi ký cho rằng: “Vụ kiện của Nhà Trắng là nỗ lực gây phiền phức và đẩy lùi ngày xuất bản của cuốn sách, mà họ coi không có lợi cho tổng thống mà thôi”. Sự việc này chắc chắn sẽ mang đến hiệu ứng ngược: Tổng thống Trump càng cấm cản, càng chỉ trích, cuốn hồi ký càng nổi tiếng và nhiều người tò mò, muốn sở hữu nó.