Căng thẳng giữa Pháp và các nước Arab
Căng thẳng giữa Pháp và các nước thuộc thế giới Arab ngày càng tăng cao trong những ngày qua và chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã châm ngòi cho sự tức giận, khi nói rằng đạo Hồi là tôn giáo đang khủng hoảng toàn cầu. Thêm vào đó, xúc phạm nhà tiên tri Mohammed là một điều hoàn toàn cấm kỵ đối với đạo Hồi, thế nhưng Tổng thống Macron đã ủng hộ việc xuất bản tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed, và gọi đó là biểu hiện của tự do ngôn luận. Điều này khiến sự phẫn nộ dấy lên từ cộng đồng người Hồi giáo trên toàn thế giới.
Ông Macron còn đưa ra bình luận sau khi một thầy giáo Pháp Samuel Paty bị chặt đầu vì cho học sinh xem tranh biếm họa nhà tiên tri Mohammed trong tiết học về tự do ngôn luận. Ông gọi giáo viên này là anh hùng và cam kết chống lại “chủ nghĩa ly khai Hồi giáo”, và cho rằng chủ nghĩa này đang có nguy cơ bao trùm một số cộng đồng Hồi giáo ở Pháp.
Những lời tuyên bố của nhà lãnh đạo Pháp ngay lập tức vấp phải chỉ trích dữ dội từ các nước Arab. Tổng thống Iran Hassan Rouhani trong một bài phát biểu hôm 28/10 trên truyền hình rằng “xúc phạm nhà tiên tri Mohammed không phải là thành tựu. Đó là trái đạo đức, kích động bạo lực. Phương Tây nên hiểu rằng xúc phạm nhà tiên tri là xúc phạm tất cả người Hồi giáo. Châu Âu đều mắc nợ nhà tiên tri, vì ông là người thầy của nhân loại”. Còn một quan chức Bộ Ngoại Saudi Arabia cho hay: “Tự do ngôn luận và văn hóa phải là ngọn hải đăng của sự tôn trọng, khoan dung và hòa bình, từ chối các hành vi gây ra hận thù, bạo lực và chủ nghĩa cực đoan”.
Biểu tình phản đối Pháp lan rộng ở nhiều nước. Hầu hết người Hồi giáo xuống đường, hô các khẩu hiệu như “tẩy chay hàng hóa Pháp”, và đốt các hình nộm Macron, người họ mô tả là “kẻ thù của Hồi giáo”. Tại Jordan hay Iran, khoảng 50 người biểu tình đã tập trung bên ngoài đại sứ quán Pháp. Đề cập đến lập trường của Paris, Dima Tahboub, Cựu thành viên Quốc hội Jordan cho rằng: “Đây không phải là quyền tự do ngôn luận, khi tôn giáo của người khác bị xâm phạm. Đây là một cuộc tấn công rõ ràng”.
Về phía Pháp, Tổng thống Macron liên tục tuyên bố “Nước Pháp đang bị tấn công”. Vụ việc tấn công bằng dao xảy ra mới nhất hôm 29/10 tại Nhà thờ Đức Bà ở Nice. Nghi phạm đã hét lớn “Allahu Akbar” khi chặt đầu 1 phụ nữ và sát hại 2 người khác. “Allahu Akbar” là cụm từ tiếng Arab nghĩa là “Thượng đế vĩ đại”.
Pháp đã nâng mức cảnh báo khủng bố lên mức “khẩn cấp” - mức cao nhất trong hệ thống ba cấp của nước này. Đóng cửa nhà thờ Hồi giáo ở Paris, và các khu vực xung quanh Khải Hoàn Môn và Tháp Eiffel đã được phong tỏa trong thời gian ngắn nhằm đảm bảo an ninh.
Khoét sâu mâu thuẫn Thổ Nhĩ Kỳ - Pháp
Bức vẽ biếm họa được Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan mô tả là “kinh tởm”. Và việc Ankara tuyên bố các công tố viên đã mở cuộc điều tra chính thức về ấn phẩm Charlie Hebdo của Pháp đã làm trầm trọng thêm căng thẳng vốn đang gia tăng giữa hai nước. Trong khi Pháp đang tìm kiếm các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu đối với Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Erdogan đã đề nghị Tổng thống Macron cần “kiểm tra tâm thần” vì cách đối xử với người Hồi giáo, đồng thời cáo buộc các nước phương Tây đang có thái độ chế nhạo Hồi giáo, và cố tình “khởi động lại các cuộc thập tự chinh”.
Động thái diễn ra sau khi tạp chí biếm họa Charlie Hebdo của Pháp đăng trên trang nhất tranh biếm họa về ông Erdogan mặc áo phông, quần đùi, uống lon bia và vén váy của một phụ nữ đeo khăn trùm đầu. “Ôi, nhà tiên tri!”, nhân vật trong tranh nói, trong khi tiêu đề viết “Erdogan: nói nhỏ nhé, ông ấy rất hài hước”.
Tổng thống Erdogan nói với các nghị sĩ: “Tôi cho rằng thật sai lầm khi xem những ấn phẩm vô đạo đức này... những kẻ xúc phạm nhà tiên tri yêu quý của chúng ta. Tôi tin rằng, những kẻ thù của Thổ Nhĩ Kỳ và Hồi giáo sẽ chết chìm trong đầm lầy của hận thù. Đó là dấu hiệu cho thấy châu Âu đã trở lại thời kỳ đen tối”.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng lên tiếng kêu gọi người dân ngừng mua hàng hóa của Pháp và cáo buộc Paris đang theo đuổi chương trình nghị sự chống Hồi giáo. Thậm chí, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Công nghệ của nước này còn kêu gọi các doanh nghiệp thực thi cuộc tẩy chay, thể hiện lập trường vững vàng. 4 đảng phái chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ cũng thể hiện sự thống nhất “hiếm hoi”, khi đã đưa ra tuyên bố chung cho rằng, ông Macron đã liều lĩnh trong việc thúc đẩy tự do ngôn luận và lập trường của ông có thể gây ra xung đột nghiêm trọng.
Bức biếm họa của Pháp về nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng dấy lên sự phẫn nộ trong giới lãnh đạo Ankara. Giám đốc truyền thông của tổng thống đã đánh giá bức tranh đó là “sản phẩm của một môi trường văn hóa bài ngoại, Hồi giáo và không khoan dung, mà giới lãnh đạo Pháp dường như đang muốn như vậy cho đất nước của họ”. Phát ngôn viên của tổng thống lên tiếng: “Chúng tôi cực lực lên án việc xuất bản liên quan đến tổng thống của chúng tôi, không tôn trọng đức tin, sự thiêng liêng và các giá trị. Mục đích của ấn phẩm là gieo mầm thù hận. Biến tự do ngôn luận thành thù địch với tôn giáo và tín ngưỡng chỉ có thể là sản phẩm của tâm lý bệnh hoạn”.
Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố sẽ thực hiện các hành động “pháp lý, ngoại giao” để phản ứng lại hành động biếm họa đó. Và theo Văn phòng công tố trưởng Ankara, xúc phạm nguyên thủ quốc gia là một tội ác ở Thổ Nhĩ Kỳ với hình phạt lên tới 4 năm tù.
Phó Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Fuat Oktay gọi Charlie Hebdo là “cái giẻ rách không thể giặt sạch”, lên án ấn phẩm vô đạo đức, và kêu gọi “cộng đồng quốc tế có đạo đức và lương tâm lên tiếng chống lại sự ô nhục này”.