Khép lại kỳ bầu cử bất thường

Có thể nói, cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 có quá nhiều điểm bất thường. Từ những tranh cãi kéo dài kể từ ngày cử tri cả nước bỏ phiếu đầu tháng 11 năm ngoái, cuộc đua bổ sung vào thượng viện tại bang Georgia ngày 5/1 năm nay, cho đến ngày 6/1 - phiên họp thông thường vốn mang tính thủ tục của Quốc hội Mỹ, đã diễn ra đầy kịch tính, thậm chí trong bạo loạn. Tất cả đã trở thành những sự kiện vô cùng quan trọng, thu hút mọi sự chú ý của dư luận.

image_5127906_912021.jpgKhung cảnh kinh hoàng chưa từng có tiền lệ tại tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: AP

Hàng chục nghìn người ủng hộ Tổng thống Donald Trump từ khắp nơi trên nước Mỹ đã đổ về khu vực trung tâm thủ đô Washington cũng như Đồi Capitol nhằm cản trở việc chứng nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Các cuộc biểu tình biến thành bạo loạn khi nhóm người quá khích đụng độ với cảnh sát và tràn vào tòa nhà Quốc hội để làm gián đoạn cuộc họp của đại cử tri đoàn, khiến cảnh sát Mỹ phải phong tỏa các tòa nhà, sơ tán các nghị sĩ, đồng thời phải sử dụng hơi cay và đạn không sát thương để giải tán đám đông người biểu tình.

Chứng kiến cảnh tượng hỗn loạn trên Đồi Capitol, nhiều nghị sĩ hai đảng, và cả những cựu trợ lý của Trump đã lên án rằng: “Những gì chúng ta thấy ngày nay là bất hợp pháp và không thể chấp nhận được”, và khuyến khích Donald Trump lên tiếng để chấm dứt “sự điên rồ” này. Các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ đã mô tả cảnh hỗn loạn này là “gây sốc” và “đáng hổ thẹn”.

Cảnh tượng khiến cả thế giới choáng váng tại Đồi Capitol là kết quả sau những lời hô hào, kích động đám đông biểu tình ủng hộ của Tổng thống Donald Trump. Trước nguy cơ bạo loạn tiếp tục bị thổi bùng sau những bài đăng của ông Trump, Twitter đã tuyên bố khóa tài khoản của ông vĩnh viễn. Trong khi đó, Facebook thông báo sẽ kéo dài lệnh khóa tài khoản của ông Trump, bao gồm cả Instagram, thêm ít nhất 2 tuần nữa, cho đến khi hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực. Trước đó, tài khoản của ông Trump đã bị khóa trong 24 giờ với lý do “sử dụng nền tảng để kích động bạo lực”.

Đồi Capitol chứng kiến cảnh tượng "đen tối nhất" trong lịch sử khi dòng người biểu tình tràn vào tòa nhà Quốc hội. Ảnh: EPA

Tuyên bố của Phó Tổng thống Mike Pence, với tư cách là Chủ tịch Thượng viện, xác nhận kết quả bầu cử với chiến thắng của ông Joe Biden đã chính thức đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực pháp lý của Donald Trump. Hơn thế, cuộc bạo loạn chưa từng có tiền lệ này một lần nữa thúc đẩy lời kêu gọi xem xét bãi nhiệm ông Trump và cuộc thảo luận mới về việc kích hoạt Tu chính án thứ 25 nhằm phế truất Tổng thống Trump.

Tuy nhiên, có thể nói, 3 năm, 11 tháng, 17 ngày tại vị của Tổng thống Trump cũng đã để lại nhiều dấu ấn đối với công chúng Mỹ và toàn thế giới, với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, thành tựu kinh tế, cũng như những phát ngôn thể hiện cá tính rất riêng của ông.

Tương lai của nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden sẽ không mấy dễ dàng, khi chính quyền mới phải nỗ lực hết sức để đưa “nước Mỹ tươi đẹp trở lại”, ngăn chặn xu hướng về một nước Mỹ chia rẽ nghiêm trọng. Cuộc bạo loạn vừa qua là minh chứng rõ ràng cho điều đó trong 4 năm nhiệm kỳ của Trump, cũng như xu hướng bạo lực của phe cực hữu.

Lãnh đạo phe đa số Hạ viện Steny Hoyer phát biểu trong phiên họp chứng nhận kết quả bỏ phiếu đại cử tri ở Điện Capitol, Mỹ sau khi tình hình bạo loạn lắng xuống ngày 7/1. Ảnh: Reuters

Thận trọng trước Covid-19

Thủ tướng Boris Johnson đã xác nhận rằng việc phong tỏa toàn quốc lần này có thể kéo đến giữa tháng 2 hoặc cuối tháng 3. Theo đó, chính phủ sẽ “cực kỳ thận trọng” trong việc dỡ bỏ lệnh phong tỏa và mở cửa trở lại trường học. Nguyên nhân chính dẫn tới quyết định này được cho là vì biến thể mới được phát hiện ở Anh gần đây đã khiến mức độ lây nhiễm ở xứ sở sương mù tăng vọt.

Thông báo trước Hạ viện về việc tái áp đặt lệnh phong tỏa lần thứ 3, Thủ tướng Johnson cho rằng việc tiêm chủng có thể tiến triển đủ nhanh để cho phép các hạn chế được nới lỏng “vào giữa tháng Hai, nếu mọi thứ diễn ra tốt đẹp và thuận buồm xuôi gió”, đồng thời nhấn mạnh rằng, việc đóng cửa có thể tiếp tục sau thời điểm đó nếu Coronavirus vẫn là một mối đe dọa nghiêm trọng. 

“Không phải chúng tôi mong đợi việc phong tỏa toàn quốc sẽ kéo đến ngày 31/3, mà là để cho phép có sự ổn định trở lại và có kiểm soát” - Thủ tướng Johnson nói và kêu gọi, nếu việc tiêm chủng được tiến hành theo đúng kế hoạch và người dân tuân thủ các quy tắc hạn chế, thì sẽ có “cơ hội đáng kể” để nới lỏng phong tỏa tại cuộc họp đánh giá vào ngày 15/2 tới - mốc thời gian mà ông cho đó là “thời điểm quan trọng”.

Một góc thủ đô London trong ngày đầu tiên vùng England bước vào lệnh phong tỏa mới. Ảnh: AP

Theo lệnh đóng cửa mới, tất cả mọi người đều bắt buộc phải ở trong nhà, chỉ được phép ra ngoài 1 lần trong ngày để tập thể dục ngoài trời, hoặc đi mua các nhu yếu phẩm. Tất cả các trường học từ bậc phổ thông đến bậc đại học sẽ buộc phải đóng cửa và chuyển sang học trực tuyến ít nhất đến ngày 15/2. Các doanh nghiệp được khuyến cáo đóng cửa.

Tuy nhiên, kế hoạch của Thủ tướng Johnson đã vấp phải sự phản đối của 14 nghị sĩ đảng Bảo thủ - những người cảnh báo việc tái phong tỏa sẽ mang lại “hậu quả kinh tế tàn khốc”, và một số bộ phận người dân ủng hộ việc phong tỏa hiện tại sẽ sớm “chỉ tay đổ lỗi”. Nhiều nghị sĩ yêu cầu ông Johnson đưa ra các cam kết chắc chắn để nới lỏng việc phong tỏa sau khi một số bộ phận người dân đã được tiêm chủng.

Cuộc tranh luận diễn ra trong bối cảnh ảm đạm với 1.041 trường hợp tử vong do Covid-19 được báo cáo trong khoảng 24 giờ gần nhất - mức cao nhất trong làn sóng thứ 2 của đại dịch. Toàn quốc có 62.322 ca nhiễm mới. Theo ước tính, khu vực đông nam nước Anh hiện ghi nhận số ca nhập viện vì nhiễm virus cao hơn 50% so với giai đoạn cao điểm hồi tháng 4/2020. Trên khắp những vùng còn lại của đất nước, tỷ lệ nhập viện cũng đang tăng lên mỗi ngày. Cột mốc đáng sợ 100.000 người chết vì Covid-19 ở Anh được cho là không thể tránh khỏi nếu không có bước ngoặt đáng kể.

Lãnh đạo đảng Lao động Keir Starmer nhận định: “Đây là một bi kịch. Nó không phải là xui xẻo. Nó không phải là không thể tránh khỏi. Chính phủ đã phản ứng quá chậm”. Nhiều ý kiến phân tích khác đồng tình cho rằng, sự thiếu nhất quán trong cách ứng phó đại dịch của Anh đã khiến nước này phải trả giá. Chính phủ Anh luôn chậm một bước so với diễn biến của đại dịch và dường như liên tục bị bất ngờ. Cách xử lý khủng hoảng tốt nhất là hành động trước, ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với những quyết định không vừa lòng người dân. Tuy nhiên, Phố Downing luôn từ chối đối mặt và hành động, trước khi điều tồi tệ thực sự xảy ra.

Thủ tướng Boris Johnson đối diện với sự phản đối của 14 nghị sĩ đảng Bảo thủ. Ảnh: AFP

Khác với đảng Bảo thủ, các nghị sĩ đảng Lao động ủng hộ việc phong tỏa nhưng yêu cầu Thủ tướng tung vaccine ra thị trường theo đúng lịch trình. Ngoài ra, các bộ trưởng cũng cần đưa ra một gói hỗ trợ rõ ràng cho cả năm 2021, không chỉ cho đến mùa Xuân, để giúp các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực và quy mô tồn tại trong năm khó khăn và “không chắc chắn” này, ngăn chặn thiệt hại kinh tế lâu dài. Theo Bộ trưởng tài chính Anh Rishi Sunak, chính phủ đã công bố 4,6 tỷ bảng Anh (tương đương 6,2 tỷ USD) trong các khoản tài trợ cho đợt phong tỏa mới để hỗ trợ doanh nghiệp.

Thủ tướng Boris Johnson bày tỏ hy vọng đất nước sẽ xích lại gần nhau trong giai đoạn khó khăn bởi biến thể mới, và những phép màu của khoa học sẽ sớm giúp Anh kết thúc lệnh phong tỏa sớm. “Sau cuộc chạy đua marathon năm ngoái, chúng ta thực sự đang ở trong một cuộc đua nước rút - chạy đua để tiêm vaccine cho những người dễ bị tổn thương nhất, và mỗi cây kim trên mỗi cánh tay sẽ tạo ra sự khác biệt” - Thủ tướng Anh giãi bày.