Trong khi nhiều trường đại học ở Canada áp dụng cách thi trắc nghiệm thì một số trường ở Australia đã không còn sử dụng phương pháp này vì cách tính điểm thiếu công bằng và liên quan đến vấn đề đạo đức.
Hình thức thi trắc nghiệm có nguồn gốc từ nghiên cứu của nhà tâm lý học Frederick Kelly và lần đầu tiên được áp dụng trong bài kiểm tra trí thông minh của quân đội Mỹ trong thế chiến thứ nhất.
Theo Đại học Waterloo, Canada, có rất nhiều lợi thế khi áp dụng bài thi trắc nghiệm. Một lợi thế quan trọng là những câu hỏi rất dễ để đánh dấu và chấm điểm bằng máy. Hình thức này phù hợp với số lượng bài thi lớn. Nó trợ giúp rất đắc lực cho những giáo viên phải hoàn thành việc chấm bài trong thời gian hạn hẹp. Một bài thi trắc nghiệm được thiết kế tốt sẽ bao gồm lượng kiến thức và nội dung phong phú, mang đến một thước đo khách quan về khả năng của học sinh.
Đại học Carnegie Mellon, Mỹ, thì cân nhắc mục tiêu của môn học và bài kiểm tra là gì trước khi đưa ra quyết định hình thức thi phù hợp. Ví dụ, khi muốn sinh viên làm sáng tỏ hay đưa ra quan điểm về một vấn đề kinh tế đang gây tranh cãi, các câu hỏi trắc nghiệm là hoàn toàn không phù hợp vì không yêu cầu học sinh trình bày bất kỳ điều gì. Tuy nhiên, bộ câu hỏi trắc nghiệm, nếu được xây dựng tốt, sẽ đánh giá hiệu quả khả năng của sinh viên trong việc nhận ra một lập luận kinh tế logic hoặc phân biệt được lập luận này với những lập luận phi lý.
Đại học Central Queensland, Australia, sau khi cân nhắc kỹ những ưu và nhược điểm của hình thức trắc nghiệm, đã quyết định không áp dụng hình thức này trong các kỳ thi từ năm 2014 với hai lý do.
Nhược điểm thứ nhất liên quan đến cách tính điểm. Một đáp án đúng ở mỗi câu hỏi sẽ được tính một điểm còn những đáp án khác sẽ không được tính hoặc bị trừ một phần điểm. Tuy nhiên, việc chọn đúng đáp án có thể là kết quả của việc “biết” hoặc “đoán”. Sinh viên chỉ cần đạt tối thiếu 50% điểm là đã qua bài kiểm tra của hầu hết môn học ở trường.
Để qua được bài trắc nghiệm 100 câu hỏi với 4 lựa chọn (1 đúng và 3 sai), người thi chỉ cần “biết” đáp án đúng của 33 câu và “đoán” 67 câu còn lại (tỷ lệ trung bình “đoán” đúng là 25% của 67, tức là 17 câu). Khi một sinh viên đạt điểm qua là 50% và một sinh viên khác bị điểm trượt 49%, đơn giản có thể người thứ nhất “đoán” đúng hơn người thứ hai ít nhất một câu.
Để làm giảm một phần bất cập trên, nhiều trường đã tăng điểm đỗ tối thiểu lên và áp dụng luật trừ điểm. Ví dụ với yêu cầu phải đạt 80% và trừ điểm với mỗi câu trả lời sai, vấn đề phát sinh từ việc “đoán” đúng giảm đi đáng kế.
Nhược điểm thứ hai là vấn đề đạo đức khi đưa các lựa chọn gây nhiễu có một phần thông tin đúng. Việc giáo viên cố gắng “dẫn sinh viên lầm đường lạc lối” bằng cách đưa các lựa chọn gây nhiễu này liệu có đúng? Trong khi các hình thức thi viết khác khuyến khích sinh viên lấy điểm vì sự hiểu biết chứ không phải vì một đáp án.
Với hai lý do trên, Đại học Central Queensland đã thay thế thi trắc nghiệm bằng hình thức câu trả lời ngắn. Sinh viên chỉ viết một từ hoặc cụm từ ngắn trong phiếu trả lời và giáo viên sẽ chấm theo đó. Đây là hình thức giúp loại bỏ vấn đề bất cập của việc chọn lựa đáp án mà vẫn hiệu quả trong việc chấm bài.
Theo VNE