(Baonghean) - Năm 2014 chuẩn bị khép lại với nhiều sự kiện, biến động toàn diện và toàn cầu. Để có cái nhìn bao quát về tình hình thế giới năm qua, phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với PGS - TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, Bộ Công an. 
 
 
Phóng viên (P.V):Thưa Thiếu tướng, nếu phải "vẽ" lại bức tranh thế giới năm 2014 bằng 3 sự kiện trên các lĩnh vực an ninh - chính trị - kinh tế, Thiếu tướng sẽ chọn ra những sự kiện gì? 
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Năm qua, thế giới diễn ra nhiều sự kiện. Nhưng những sự kiện nổi bật nhất, tạo nên điểm khác biệt giữa năm 2014 với các năm trước đó, theo quan điểm của tôi gồm:
 
Thứ nhất, về an ninh, đó là cuộc nội chiến tại Ukraina - điểm nóng của “chảo lửa” châu Âu. Kéo dài từ tháng 2/2014 đến nay chưa chấm dứt, đây là cái cớ để Nga và phương Tây - đứng đầu là Mỹ ra mặt đối đầu nhau. Có thể nói, chúng ta gần như đang được chứng kiến sự quay trở lại của thời kỳ chiến tranh lạnh. 
images1106242_phong_van_le_van_cuong.jpgPhóng viên Thục Anh phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Cương tại trường quay Báo Nghệ An
Thứ hai, về chính trị, tôi cho rằng sự kiện có ý nghĩa nhất là việc Mỹ và Cuba tuyên bố bình thường hóa mối quan hệ ngày 17/12. Đây là thời khắc đáng nhớ của lịch sử, bức tường ngăn cách mà 7 Tổng thống Mỹ trong vòng nhiều thập kỷ qua không thể dỡ bỏ, cuối cùng đã bị phá vỡ. Chúng ta cũng có thể tin tưởng rằng sự kiện này sẽ hé lộ phần nào về những biến chuyển trong đường lối ngoại giao của Mỹ thời gian tới. 
 
Thứ ba, về kinh tế, một sự kiện không gây nhiều ồn ào trong dư luận: Ngày 29/10, Cục Dự trữ liên bang - Ngân hàng Trung ương Mỹ (FED) chấm dứt toàn bộ chương trình cứu trợ bắt đầu từ năm 2008. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ đã chính thức thoát ra khỏi bóng đen của cuộc đại suy thoái năm 2007 - 2009. Sự khôi phục trở lại của nền kinh tế đầu tàu tất nhiên là một sự kiện quan trọng, một tin tốt lành với phần còn lại của thế giới. 
 
P.V:Xin Thiếu tướng nói thêm cho bạn đọc hiểu chi tiết hơn về diễn tiến, lý do cũng như ảnh hưởng của các sự kiện kể trên, bắt đầu từ sự kiện an ninh?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Về sự kiện đầu tiên, tôi xin tóm tắt sơ lược diễn tiến như sau: Tháng 2/2014, Ukraina xảy ra bạo loạn về chính trị và 1 tháng sau đó, xung đột vũ trang bùng nổ. Hiện nay, nội chiến giữa lực lượng chính quyền Trung ương và phiến quân ly khai vẫn tiếp tục diễn ra tại hai tỉnh miền Đông là Donetsk và Lugansk. Sự kiện này đã đẩy Mỹ và Nga đến bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh mới. Tôi xin nhắc để bạn đọc nắm được 3 mốc sự kiện đáng nhớ trong toàn bộ diễn biến cuộc khủng hoảng tại Ukraina. Mốc đầu tiên là ngày 21/2, Tổng thống Yanukovych ký thỏa thuận về 6 đảng đối lập, theo đó, các nhóm quyền lực tại Ukraina sẽ phối hợp cùng nhau để đưa tình hình chính trị trong nước trở lại trạng thái cân bằng.
 
Mốc thứ hai là 1 ngày sau đó, ngày 22/2, 6 đảng đối lập với sự hậu thuẫn của Mỹ và châu Âu tổ chức họp Quốc hội và ra quyết định phế truất Tổng thống Yanukovych. Điều đáng nói là Hiến pháp Ukraina quy định Tổng thống chỉ có thể bị phế truất nếu số phiếu thông qua đạt trên 75%, tại cuộc họp hôm đó, chỉ có 72,8% số phiếu đồng ý phế truất Tổng thống. Trên cơ sở đó, có thể gọi sự kiện này là một cuộc đảo chính vi hiến. Chính sự kiện này đã đẩy Nga vào chân tường và bắt buộc phải sát nhập Crimea vào Nga - đây chính là mốc đáng nhớ thứ ba trong diễn biến cuộc khủng hoảng tại Ukraina. 
 
 
Nội chiến tại Ukraina - điểm nóng của “chảo lửa” châu Âu.
 
Về bản chất, có thể nói đây là cuộc chiến đối đầu do Mỹ và 28 nước châu Âu phát động, sau đó cùng với các đồng minh khác như Canada, Nhật Bản,... ban hành cấm vận trừng phạt và cô lập Nga, đẩy nền kinh tế của Nga rơi vào khủng hoảng. Đặc biệt, hệ lụy rõ ràng và có sức ảnh hưởng lớn nhất là lĩnh vực năng lượng: trong vòng 7 tháng, giá dầu giảm từ 110 USD/thùng xuống chỉ còn 55 USD/thùng. Đó chỉ là một trong số rất nhiều hệ lụy của cuộc khủng hoảng tại Ukraina - mà nguy hiểm nhất là nguy cơ một cuộc thế chiến mới sẽ phá vỡ an ninh hòa bình trong khu vực và trên toàn thế giới. 
 
P.V:Còn về chính trị, tại sao chọn một diễn tiến trong mối quan hệ Mỹ - Cuba mà không phải là Mỹ - Trung Quốc hay Trung Quốc - Nhật Bản, nhất là khi sự kiện này mới vừa diễn ra trong những ngày cuối năm, thưa Thiếu tướng?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Nhiều học giả cũng có quan điểm như vậy về mối quan hệ Mỹ - Cuba và họ có những lý lẽ nhất định. Cuba là một đảo quốc nhỏ với khoảng 10 triệu dân, nền kinh tế không thuộc “top” đầu và cũng không có sức nặng đáng kể về chính trị - quân sự trên cán cân thế giới. Tuy nhiên, tại sao tôi lựa chọn sự kiện này làm bộ mặt chính trị cho năm 2014? Theo góc độ chính trị học, có thể ví Cuba như điểm nút cuối cùng của cuộc chiến tranh lạnh giữa Mỹ và Liên Xô giai đoạn 1945 - 1991. Không lớn về diện tích hay dân số, nhưng Cuba nằm ở vị trí cửa ngõ đặc biệt quan trọng với Mỹ. Từ năm 1961, Mỹ thiết lập vòng vây cấm vận, trừng phạt kinh tế và cô lập Cuba. Mỗi năm, các lệnh trừng phạt này làm Cuba thiệt hại trung bình hơn 600 triệu USD. Nhưng ngược lại, Mỹ cũng thiệt hại lên đến hơn 1,2 tỷ USD. Đã 30 lần Đại hội đồng Liên Hợp quốc yêu cầu Mỹ bỏ cấm vận với Cuba nhưng thất bại, mối quan hệ Mỹ - Cuba vẫn bế tắc qua 7 đời Tổng thống Mỹ. Với lịch sử như vậy thì việc Tổng thống Obama tuyên bố bình thường hóa quan hệ với Cuba không thể xem là chuyện bình thường được! 
 
Tổng thống Mỹ Obama tuyên bố thay đổi chính sách với Cuba sau nửa thế kỷ cấm vận
 
Sau tuyên bố của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Cuba ngày 17/12, không chỉ Tây Thái Bình Dương thở phào nhẹ nhõm, mà là sự "thả lỏng" của cả thế giới. Tàn dư cuối cùng của cuộc chiến tranh lạnh đã được xóa bỏ sau hơn 50 năm, đó là tín hiệu tốt đẹp cho một khởi đầu mới. Con đường phía trước tất nhiên còn dài và nhiều chông gai, nhất là khi Hạ viện và Thượng viện Mỹ đều nằm trong tay Đảng Cộng hòa. Thái độ cứng rắn của phe Cộng hòa đối với vấn đề Cuba (và nhiều vấn đề khác) sẽ là chướng ngại vật lớn nhất cho chính sách đối ngoại của Tổng thống Obama. 
 
P.V:Về kinh tế, có thể thấy là lại một lần nữa, Mỹ là tâm điểm của thế giới, xin Thiếu tướng nói rõ hơn về sự kiện kinh tế nổi bật năm 2014?
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Có thể nói sự kiện FED chấm dứt chương trình cứu trợ được triển khai từ năm 2008 không phải là một sự kiện ồn ào trong dư luận chung. Nhưng nếu đặt sự kiện này trên phông nền tình hình kinh tế thế giới, tôi cho rằng đây là sự kiện quan trọng nhất. Bởi lẽ, chỉ trong vòng 1 tuần lễ sau tuyên bố của FED, giá của đồng USD đã tăng lên, kéo theo đó là sự giảm giá vàng trên các thị trường lớn của thế giới tại châu Âu, châu Á,... Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ đã thoát ra khỏi khủng hoảng, bắt đầu bước vào một chu kỳ phát triển mới. Từ đó rút ra hai kết luận: Thứ nhất, Mỹ vẫn nắm vai trò đầu tàu của nền kinh tế thế giới. Thứ hai, nếu như Mỹ thoát khỏi khủng hoảng, có nghĩa là phần còn lại của thế giới cũng có thể hy vọng vào những chuyển biến khởi sắc đối với nền kinh tế chung và riêng từng quốc gia. Đây là bối cảnh, điều kiện hết sức thuận lợi đối với các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Như vậy, dù không gây hiệu ứng ảnh hưởng tức thì và rõ rệt nhưng sự kiện này có phạm vi ảnh hưởng sâu và rộng, nên tôi chọn đây là sự kiện kinh tế quan trọng nhất năm 2014. 
 
FED chấm dứt các gói cứu trợ là tín hiệu cho thấy kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi.
 
P.V:Nếu muốn miêu tả bức tranh thế giới 2014 ngắn gọn trong vài từ, chúng ta có thể dùng những từ gì, thưa Thiếu tướng? 
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tôi cho rằng đó sẽ là "bất ổn", "bất an", "hỗn loạn" và "khó đoán định". "Bất ổn" bởi xung đột, mâu thuẫn bùng nổ trên khắp hành tinh. "Bất an" là tâm lý chung của dư luận. "Hỗn loạn" là tình trạng hiện tại của những điểm nóng về an ninh, chính trị - người ta đã và đang nỗ lực thiết lập lại trật tự, nhưng đang bế tắc. "Khó đoán định" là bởi không chỉ có nhân tai, mà năm vừa rồi còn là năm của thiên tai và rủi ro. Chúng ta không thể không nhắc đến đai dịch Ebola, biến đổi khí hậu toàn cầu kéo theo vô số thiên tai tự nhiên và cuối cùng là hàng loạt vụ tai nạn máy bay, tàu thủy,... Đó là những nhân tố nằm ngoài mong muốn và khả năng tính toán của loài người. Năm 2014 có thể nói là một năm "đen tối" đối với nhân loại trên toàn hành tinh này. 
 
P.V:Chỉ còn ít ngày nữa năm 2014 sẽ kết thúc. Khép lại một năm không mấy vui vẻ, liệu chúng ta có thể hy vọng vào những chuyển biến tươi sáng hơn ở năm 2015 không, thưa Thiếu tướng? 
 
Thiếu tướng Lê Văn Cương:Thế giới hiện nay đang "chuyển động Brown" - có nghĩa là chuyển động như những hạt trong môi trường lỏng, một dạng chuyển động ngẫu nhiên liên tục. Tôi không dám đưa ra dự đoán cụ thể, nhưng tôi có cảm giác về một số vấn đề nóng của thế giới như thế này: Ở khối Đại Tây Dương, quan hệ Mỹ - Nga có thể đã xuống đến đáy rồi, không thể xấu hơn được nữa. Vì vậy, mối quan hệ này chỉ có thể chuyển biến theo chiều hướng tích cực, tôi nghĩ vào khoảng cuối năm 2015 sẽ thấy được rõ rệt nhất. Còn tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, năm 2014 cũng là một năm nhiều va chạm giữa Trung Quốc và Mỹ, nên có thể trong năm 2015 mối quan hệ này có phần ổn định hơn. Các điểm nóng khu vực như Triều Tiên, Nhà nước Hồi giáo IS, nội chiến Syria, xung đột Israel - Palestine,... tôi cho là sẽ vẫn bế tắc. Hy vọng duy nhất là chương trình hạt nhân ở Iran có khả năng sẽ giải quyết được. Đó là về an ninh - chính trị còn về kinh tế, chia làm hai mảng: mảng trung tâm Mỹ - Nhật - châu Âu dưới sức kéo của Mỹ có lẽ sẽ không đi xuống nữa. Mảng BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi - 5 nước phát triển mới nổi - có lẽ cũng sẽ bắt đầu thoát khỏi suy thoái, dù còn chậm chạp. Tóm lại, cá nhân tôi nghĩ và cũng rất tin tưởng, hy vọng vào một năm 2015 tươi sáng hơn bức tranh ảm đạm của năm 2014 vừa qua. 
 
P.V:Xin cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trao đổi này!
 
Thục Anh (Thực hiện)