Theo trang thống kê toàn cầu Worldometers, tính đến 6h sáng ngày 5/1, đại dịch Covid-19 tiếp tục tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến 295,2 triệu người nhiễm virus corona chủng mới và 5,47 triệu người tử vong kể từ khi bùng phát cách đây hơn 2 năm.

Mỹ không những dẫn đầu về số ca nhiễm mới (450.000) mà còn cả về số ca tử vong mới (1.560) do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Đến nay nước này có gần 58 triệu người nhiễm và trên 851.000 nạn nhân xấu số của Covid-19.

Trong khi đó tại Pháp, các nhà khoa học vừa phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2, được gọi là là B.1.640.2. Chứa tới 46 đột biến nên nó có khả năng tránh vắc xin cao hơn và dễ lây lan hơn chủng gốc. Tuy vậy, tốc độ lan truyền của biến thể này khó có thể vượt qua Omicron.

Tính theo khu vực, châu Âu đang bị ảnh hưởng nặng nhất của dịch bệnh, với gần 91 triệu ca nhiễm. Tiếp đến là châu Á với hơn 85 triệu ca, Bắc Mỹ 68 triệu ca, Nam Mỹ 40 triệu ca, châu Phi 9,9 triệu ca và châu Đại Dương với 712.000 ca nhiễm.

065509-1.jpgNhân viên y tế chuẩn bị mũi tiêm thứ 4 cho một người Israel. Ảnh: Reuters


Philippines phong tỏa Hạ viện

Tổng thư ký Hạ viện Philippines Mark Llandro Mendoza thông báo trụ sở cơ quan này đang được đặt trong tình trạng phong tỏa để ngăn chặn biến thể Omicron lây lan, nhằm đảm bảo an toàn cho các nghị sĩ cũng như ban thư ký và toàn thể nhân viên.

Quyết định phong tỏa được thực hiện dù đến nay Hạ viện Philippines chưa ghi nhận ca nhiễm Omicron nào. Dự kiến, lưỡng viện Quốc hội Philippines sẽ hoạt động trở lại vào ngày 17/1.

Số ca nhiễm mới tại Philippines đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng qua. Sau khi phát hiện các ca nhiễm Omicron, Bộ Y tế nước này cảnh báo số ca nhiễm mới sẽ tăng mạnh trong những ngày tới.

Từ ngày 5/1, các tỉnh Cavite và Rizal lân cận thủ đô Manila nâng cảnh báo dịch bệnh lên mức cao thứ 3.

Philippines đã ghi nhận trên 2,8 triệu ca nhiễm, trong đó có trên 51.000 bệnh nhân tử vong, kể từ khi Covid-19 bùng phát.

Australia tăng kỷ lục ca nhiễm mới

Sự lây lan nhanh của biến thể Omicron đang đẩy số ca nhiễm Covid-19 mới ở Australia tiếp tục đà tăng kỷ lục. Số ca nhập viện ở nước này cũng nhiều lên và ở mức cao chưa từng có. Đa số bệnh nhân phải điều trị tích cực đều chưa tiêm vắc xin.

Ngày 4/1, Australia ghi nhận khoảng 47.800 ca, tăng gần 335 ca so với kỷ lục trước đó một ngày. Bang Queensland ghi nhận 5.699 ca mắc mới trong khi bang New South Wales có 1.344 người cần điều trị tại bệnh viện. 

Giới chức Australia đang đề xuất cho người dân tự xét nghiệm nhanh tại nhà thay vì đến cơ sở của chính phủ để giảm tải cho hệ thống y tế. Tuy nhiên, chính đề xuất này gây áp lực ngược lại với nhà chức trách, vì nhu cầu tăng cao và tâm lý thích tích trữ dẫn tới tình trạng khan hiếm bộ xét nghiệm và đẩy giá lên cao.

Sức mạnh của mũi tiêm thứ 4 ở Israel

Thủ tướng Israel Naftali Bennett thông báo, nghiên cứu tại nước này cho thấy liều tiêm ngừa Covid-19 thứ tư giúp tăng gấp 5 lần lượng kháng thể sau khi tiêm một tuần. Trò chuyện tại Trung tâm Y tế Sheba ở thành phố Ramat Gan, ông nói: "Một tuần sau khi triển khai tiêm mũi vắc xin thứ tư, chúng tôi biết chắc chắn hơn rằng việc này an toàn".

Trích dẫn kết quả sơ bộ trong nghiên cứu của Trung tâm này, Thủ tướng Bennett cho biết thêm: "Tin thứ hai là chúng tôi nhận thấy một tuần sau khi tiêm liều thứ tư, lượng kháng thể ở người được tiêm tăng gấp 5 lần. Điều này rất có thể đồng nghĩa với khả năng chống lây nhiễm virus, nhập viện và các triệu chứng nghiêm trọng sẽ được tăng cường đáng kể".

Ứng phó với làn sóng Covid-19 đang bùng phát do biến thể Omicron, Israel triển khai mũi tiêm thứ 4 từ ngày 3/1 cho nhóm người trên 60 tuổi và các nhân viên y tế đã tiêm liều thứ 3 ít nhất 4 tháng trước.

Israel ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm mới hôm 3/1, ngang với đỉnh điểm làn sóng lây nhiễm thứ 3 hồi tháng 1/2021 và thứ 4 hồi tháng 9/2021.