(Baonghean) - Cuộc sống thực tế và thế giới ảo hiện nay luôn có những mảng giao thoa nhất định, thậm chí với xu hướng ngày càng rõ nét. Trong khi vị Tổng thống đắc cử của nước Mỹ “mượn” mạng xã hội Twitter làm kênh truyền thông và tương tác, thay cho những cuộc họp báo “thực” theo truyền thống thì cư dân mạng Trung Quốc cũng ôm mối lo ô nhiễm không khí lên giãi bày trên mạng xã hội Weibo.
Tổng thống Mỹ và bệnh “nghiện” Twitter
Thứ Sáu ngày 6/1, Tổng thống đắc cử của Mỹ Donald Trump “dằn mặt” hãng xe ô tô Toyota trên trang cá nhân Twitter. Cụ thể, ông tuyên bố nếu Toyota nhất quyết mở xưởng sản xuất mới ở Mexico thay vì ở Mỹ thì khi nhập khẩu xe vào Mỹ sẽ bị đánh thuế cao.
Dĩ nhiên, dòng trạng thái này của Donald Trump ngay lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận với hàng chục nghìn lượt phản hồi và hàng trăm nghìn lượt thích. Có lẽ trong lịch sử nước Mỹ, không có Tổng thống nào “nghiện” Twitter như ông Trump.
Thực vậy, ngay từ khi đang tiến hành chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã chọn Twitter làm kênh tuyên truyền, tương tác chính với cử tri. Ông thậm chí còn dùng Twitter như công cụ chống lại đối thủ Hillary Clinton. Ngay cả khi đã đắc cử Tổng thống, ông vẫn “chung thủy” với Twitter mỗi khi muốn tuyên bố điều gì với cộng đồng hay thể hiện quan điểm chính trị của mình.
Điều thú vị là Tổng thống đắc cử của Mỹ có vẻ chẳng hề nghĩ đến việc thay đổi “phong cách” dùng mạng xã hội của mình. Trong những dòng trạng thái ông đăng tải, các chữ cái thường xuyên được viết hoa “vô tội vạ”, các dấu chấm than cũng xuất hiện liên tục - khiến người ta liên tưởng đến cách diễn đạt trên mạng xã hội của giới trẻ.
Theo thống kê, kể từ khi đắc cử đến nay, ông Trump đã đăng tải 270 dòng trạng thái mới trên Twitter, tức trung bình mỗi ngày ông Trump cập nhập Twitter của mình không dưới 4 lần. Một con số đáng ngạc nhiên và có phần lạ lùng so với phong cách thường thấy của giới chính trị gia. Tuy nhiên, phát ngôn viên tương lai của Nhà Trắng Sean Spicer khẳng định, việc sử dụng mạng xã hội với tần suất như vậy nằm trong một “chiến dịch” chứ không phục vụ nhu cầu cá nhân của ông Trump.
Có lẽ đó không phải chỉ là một lời “thanh minh” suông bởi sự thật là giới truyền thông đang theo dõi hết sức sát sao hoạt động của ông Trump trên Twitter. Cũng có nghĩa là Tổng thống đắc cử của Mỹ đã thành công trong việc kiểm soát truyền thông, theo một cách nào đó. Nên nhớ rằng trước khi đắc cử, ông Trump bị giới truyền thông Mỹ “vùi dập” không thương tiếc và liên tục đưa những thông tin không có lợi.
Thế nhưng bây giờ, tình hình đã hoàn toàn thay đổi và ông Trump mới là người điều khiển cuộc chơi. Có lẽ không ngoa khi nói rằng, Donald Trump là Tổng thống gây ngạc nhiên nhất trong lịch sử nước Mỹ bởi sự thất thường, khó đoán của mình. Nhưng biết đâu, đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài cho những tính toán sâu xa khó lường?
Ô nhiễm không khí ở Trung Quốc
Đã 4 tuần lễ liên tiếp trôi qua, hàng trăm triệu người Trung Quốc vẫn được khuyến cáo hạn chế các hoạt động ngoài trời, khi miền Bắc nước này đang phải vật lộn chống chọi với một cuộc khủng hoảng khói mù dai dẳng. 31 thành phố vẫn trong ngưỡng báo động đỏ, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo 4 cấp độ.
Hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã cũng cho hay, các mức cảnh báo cam và vàng hiện đang được áp dụng tại 30 thành phố khác nữa. Có lẽ người dân tại những nơi này chỉ mong mau chóng đến cuối tuần, bởi theo dự báo chất lượng không khí có thể sẽ cải thiện chút đỉnh nhờ xuất hiện đợt không khí lạnh gây mưa và tuyết tại nhiều khu vực ở miền Bắc Trung Quốc.
Tại thủ đô Bắc Kinh, tuyết đã rơi hôm thứ Năm, nhưng cơ quan khí tượng học của thành phố lại phải phát đi cảnh báo rằng tuyết đợt này “rất bẩn”, và một lần nữa khuyến cáo người dân nên ở trong nhà. Bức bối vì phải sống trong cảnh chất lượng không khí thấp kéo dài, không quá khó hiểu khi dân chúng Trung Quốc cảm thấy “phiền muộn, sợ hãi và giận dữ”.
Thậm chí, tờ Thời báo Hoàn cầu có uy tín của nước này còn cảnh báo nguy cơ tình trạng khói mù dày đặc có thể khiến lòng tin của người dân đối với chính quyền bị ảnh hưởng. Nếu đặt lên đĩa cân so sánh, những tổn thất về kinh tế chỉ như “gió thoảng” so với cơn sóng phàn nàn ồ ạt của những người sinh sống tại các thành phố của quốc gia đông dân số 1 thế giới.
Trên mạng xã hội, người ta ghi nhận cảm xúc của người dân đã thay đổi một cách dễ nhận thấy trong đợt khói mù mới nhất này. Hết ngày này tới ngày khác phải hít thở trong bầu không khí ô nhiễm, nhiều người nhận thức được rằng, đây chẳng còn là vấn đề đáng buồn cười như họ từng nghĩ nữa. Thay vào đó, người ta tự hỏi liệu có cách giải quyết vấn đề không hay phải chung sống với khói mù cho đến hết đời.
Cư dân mạng Trung Quốc chuyền tay nhau một đoạn phim, trong đó có cảnh giả tưởng rằng cư dân tương lai của Bắc Kinh đều có… lông mũi dài cả gang tay để thích nghi với điều kiện sống (!). Đoạn băng với thông điệp “Nếu bạn không thay đổi khói mù, khói mù sẽ thay đổi bạn” đã nhận được 10 triệu lượt xem và hơn 10.000 lượt yêu thích trên mạng xã hội Weibo của Trung Quốc hôm thứ Tư vừa rồi.
Một bài viết khác cũng trở thành tâm điểm bàn tán trên mạng xã hội Trung Quốc, khi đăng tải các bức ảnh chụp một đoàn tàu cao tốc phủ kín bụi bẩn sau khi đi qua các khu vực chịu ảnh hưởng bởi khói mù. Đường sắt Trung Quốc đã phải lên tiếng rằng họ sẽ lau chùi các chuyến tàu cao tốc hàng ngày thay vì 2 ngày 1 lần như trước đây! Chưa hết, trên các trang web, các trang mạng xã hội, không thiếu những hình ảnh khói mù như ôm trọn các thành phố lớn được chia sẻ rộng rãi, người dùng cũng thảo luận rôm rả về việc “chạy trốn” khỏi các đô thị ô nhiễm trầm trọng đang sống.
Nếu tình trạng khói mù vẫn không cách nào khắc phục, làn sóng giận dữ và lo lắng “ảo” trên mạng xã hội Trung Quốc có thể sẽ chuyển biến thành những thay đổi lớn ngoài đời thực. Chung quan điểm này, nhiều chuyên gia phỏng đoán, người Trung Quốc sẽ có xu hướng chuyển tới các thành phố nhỏ hơn, trong lành hơn, nhưng nếu tình trạng vẫn cứ thế xấu thêm, những người thuộc tầng lớp trung và thượng lưu sẽ tính đến khả năng di cư tới những miền đất khác.
Hải Triều - Phú Bình