1. Nỗ lực “cứu” thượng đỉnh Mỹ-Triều
Trong các bình luận được Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đăng tải hôm 25/5, Kim Kye Gwan - một quan chức cấp cao tại Bộ Ngoại giao Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng vẫn sẵn lòng gặp gỡ với phía Mỹ. “Mục tiêu và quyết tâm làm mọi thứ vì hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và nhân loại của chúng tôi vẫn không đổi, và chúng tôi sẵn lòng dành thời gian và cơ hội cho phía Mỹ, luôn luôn với một tư duy lớn và cởi mở”, Kim Kye Gwan phát biểu.
Trước phản ứng của Bình Nhưỡng, Trump tỏ ý hoan nghênh và để ngỏ khả năng thượng đỉnh vẫn diễn ra dù trước đó 1 ngày chính ông đã tuyên bố hủy. Ông cho biết liên lạc giữa Washington-Bình Nhưỡng đã được nối lại, nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ xem mọi việc diễn biến đến đâu. Hiện chúng tôi đang trao đổi với họ. Thậm chí cuộc gặp có thể diễn ra vào ngày 12/6. Đó là điều chúng tôi muốn".
Trong diễn biến mới nhất, Lãnh đạo Hàn - Triều bất ngờ có cuộc gặp thứ 2 trong vòng 1 tháng tại Khu phi quân sự hôm 26/5, nhằm thảo luận các biện pháp mở đường cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều.
2. Bí mật gây “sốc” về các tai nạn máy bay được hé lộ?
Và phản ứng của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin khi được hỏi về việc liệu tên lửa bắn hạ máy bay MH17 có phải thuộc Nga là “Dĩ nhiên là không”. Tổng thống Putin cho rằng Nga không thể tin hoàn toàn vào kết luận của Hà Lan do Moskva không tham gia tiến trình điều tra. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga lại nhận định tên lửa bắn rơi MH17 có thể thuộc về quân đội Ukraine.
Trong một diễn biến khác liên quan đến vụ mất tích bí ẩn máy bay mang số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines khi đang trong hành trình từ Bắc Kinh tới Kuala Lumpur ngày 8/3/2014, ngày 23/5, Australia đã lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng, MH370 mất tích do phi công cố ý tự sát.
Trước đó, theo nhà điều tra tai nạn hàng không Canada Larry Vance, cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah đã bay dọc biên giới Malaysia và Thái Lan, liên tục bay vào và bay ra từ không phận của mỗi nước để gây rối loạn. Sau đó, cơ trưởng đã cố ý điều khiển chiếc máy bay lao xuống biển để tự sát, kéo theo cái chết của 238 người khác trên máy bay. Tuy nhiên, Ủy ban An toàn giao thông Australia cho rằng, giả thiết nói trên là không có cơ sở vì trong những phút cuối của chiếc máy bay xấu số, phi công đã bất tỉnh.
3. Iran ra điều kiện để tiếp tục trụ lại thỏa thuận hạt nhân
Thủ lĩnh tinh thần tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei yêu cầu các cường quốc châu Âu bảo đảm hoạt động buôn bán dầu mỏ của Iran và tiếp tục mua dầu của nước này. Những cường quốc này, bao gồm Anh, Đức và Pháp ngoài ra cũng phải cam kết không tìm cách mở lại các cuộc đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo, cũng như chính sách khu vực của Iran. Theo Đại giáo chủ Ali Khamenei, châu Âu cần đảm bảo đầy đủ hoạt động buôn bán dầu mỏ của Iran. Nếu Mỹ trừng phạt hoạt động buôn bán dầu, thì châu Âu cần phải bù đắp và mua dầu của Iran.
Về phần mình, sau khi tuyên bố bước ra khỏi bản thỏa thuận lịch sử này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert nhấn mạnh Washington không tìm cách thay đổi chế độ ở Iran, người dân phải đưa ra quyết định về tương lai đất nước. Đây là phản hồi trước việc Ngoại trưởng Mike Pompeo trước đó nói rằng người dân Iran nên chọn "chính phủ mà họ muốn có", nếu không, Mỹ sẽ tiếp tục có lập trường cứng rắn đối với Tehran. "Tôi nghĩ rằng ông Pompeo nói vậy vì người dân Iran… Chính sách của chúng tôi không phải là thay đổi chế độ", Heather Nauert cho biết. Theo Sputnik, phía Mỹ cũng nhắc lại những cáo buộc truyền thống nhằm vào Iran như vi phạm nhân quyền, khẳng định "mức độ thất vọng ngày càng tăng" của người Iran đối với chính phủ của họ.
4. Bất đồng Mỹ-Trung nhiều khả năng bị khoét sâu
Trả lời phỏng vấn Báo Nghệ An, PGS. TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược và Khoa học Bộ Công an cho rằng, mục tiêu Trung Quốc đưa máy bay ném bom chiến lược ra Hoàng Sa là để làm chủ và khống chế toàn bộ vùng Biển Đông, đồng thời cảnh báo tất cả các nước về việc hoạt động tàu thuyền khi đi qua Biển Đông đều bị Trung Quốc giám sát chặt chẽ, khi cần thiết họ sẵn sàng nổ súng. Bên cạnh đó, Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông nhằm ngăn chặn và đẩy Mỹ ra khỏi khu vực này, biến Biển Đông thành vùng chịu ảnh hưởng chi phối của Trung Quốc.
Tướng Cương nhấn mạnh Việt Nam và cộng đồng quốc tế phải lên tiếng phản đối, dựa vào sức mạnh của cộng đồng quốc tế có khả năng răn đe những hành động tiếp theo của Trung Quốc.
Trong khi đó, Viện trưởng Viện nghiên cứu WTO của Trung Quốc tại Đại học Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh nhận xét, sự sụp đổ của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều gây thêm bất ổn cho mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung. Giới phân tích cho rằng, căng thẳng trong mối quan hệ này có thể chứng kiến lập trường cứng rắn hơn từ phía Washington đối với các vấn đề dường như nhạy cảm tại Bắc Kinh.
5. Syria đánh bật IS khỏi Damascus
Trong nỗ lực giành lại quyền kiểm soát các khu vực chung quanh thủ đô, chính quyền Damascus đã ký các thỏa thuận rút quân với lực lượng nổi dậy, theo đó tạo lối đi an toàn cho phiến quân cùng gia đình sơ tán chủ yếu đến khu vực Tây bắc Syria. Trong hai tháng qua, khoảng 110 nghìn người đã sơ tán đến khu vực này và khu vực do phiến quân kiểm soát ở Aleppo.
Tuy nhiên, những nguy cơ tiềm ẩn vẫn là thách thức lớn đối với chính quyền Damascus. Cuộc nội chiến ở Syria, do những bàn tay can thiệp từ bên ngoài, đã trở thành cuộc khủng hoảng phức tạp và khó lường. Hiện những diễn biến trên "bàn cờ Syria" còn phụ thuộc nhiều yếu tố. Cánh cửa hòa bình ở quốc gia Trung Đông chỉ được mở ra nếu các biện pháp giải quyết khủng hoảng tập trung thúc đẩy đối thoại, chấm dứt xung đột và tránh sự can thiệp từ bên ngoài.