Nhiều sự kiện diễn ra tại Kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc lần thứ 73: Hội nghị Hòa bình Nelson Mandela được tổ chức hôm 24/9 nhân dịp 100 năm ngày sinh cố tổng thống Nam Phi. Đây là một trong những sự kiện đầu tiên quy tụ nhiều nhà lãnh đạo cấp cao trong kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc diễn ra từ ngày 18/9 đến 5/10 tại trụ sở ở New York, Mỹ. Trong ảnh: Chủ tịch Đại hội đồng Espinosa, Tổng thư ký Guterres tại lễ khánh thành bức tượng cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela ở trụ sở Liên Hợp quốc. Ảnh:AFP
Tổng thống Mỹ Donald Trump, như mọi khi, lại là tâm điểm chú ý trong kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc lần thứ 73, tại trụ sở ở New York, Mỹ. Trong ảnh: Ông Trump phát biểu, chỉ trích các nước xuất khẩu dầu OPEC là "cướp bóc" phần còn lại của thế giới.Ảnh: AFP
Ngày 27/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung cấp cao khóa 73 Đại Hội đồng Liên Hợp quốc. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề cao vai trò của Liên Hợp quốc trong giải quyết các vấn đề toàn cầu; đề cao việc duy trì hòa bình ổn định, tôn trọng Hiến chương Liên Hợp quốc, luật pháp quốc tế; các thành tựu Việt Nam đã đạt được đóng góp cho các Mục tiêu thiên niên kỷ; đề cao phát triển bền vững; lãnh đạo toàn cầu, chia sẻ trách nhiệm, xã hội bền vững. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Việt Nam sẽ đảm đương và hoàn thành tốt trọng trách tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Ảnh: VGP
Mỹ - Hàn ký lại thỏa thuận thương mại tự do: Ngày 24/9, lễ ký kết giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In diễn ra tại New York, bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp quốc. Theo Bloomberg, thỏa thuận này được nhận định là tiến triển quan trọng trong lĩnh vực thương mại giữa hai nước. Tổng thống Trump gọi bản thỏa thuận với Hàn Quốc là “thỏa thuận hoàn toàn mới” thay vì sự thay đổi từng bước. Trong khi đó, Tổng thống Moon cho biết hai nước đã có một số “điều chỉnh” với thỏa thuận. Ảnh: AP
Nga đưa lá chắn tên lửa S-300 đến Syria: Trong bài phát biểu được tường thuật trên truyền hình hôm 24/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói Tổng thống Vladimir Putin đã ra lệnh tăng cường các biện pháp an ninh sau khi lực lượng phòng không Syria bắn rơi một máy bay quân sự Nga do nhầm lẫn hồi tuần trước. Theo đó, Moscow sẽ tăng cường năng lực phòng không của Syria bằng hệ thống S-300 và làm nhiễu radar của máy bay quân sự tấn công từ ngoài khơi Địa Trung Hải. Ảnh: Sputnik
Trong khi đó, ngày 28/9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, ông Avigdor Lieberman đưa ra tuyên bố sẽ tiếp tục nối lại hoạt động tấn công tại Syria dù vướng phải khó khăn nào. Vị Bộ trưởng này nhấn mạnh rằng, Israel không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Syria, nhưng Israel sẽ không cho phép Iran triển khai quân đội tại Syria và việc chính quyền Damascus có S-300 - những vũ khí có thể được dùng để chống lại Israel. Trong ảnh: Tiêm kích F-16 của Israel. Ảnh: Jet Photos.
EU thách thức Trump:Bất chấp sức chi phối mạnh mẽ của Mỹ và đồng USD trên thị trường, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố các nước thành viên sẽ thiết lập một hệ thống thanh toán cho phép các công ty và doanh nghiệp dầu mỏ tiếp tục giao dịch với Iran, đồng thời khẳng định quyết tâm "bảo vệ quyền tự do của các nhà quản lý kinh tế trong hoạt động kinh doanh hợp pháp với Iran". Trong ảnh: Thủ tướng Iran Mohammad Javad Zarif (trái) và Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại EU Federica Mogherini trước thềm một cuộc họp tại Brussels, Bỉ, hôm 25/4. Ảnh: AFP
Biểu tình biến thành bạo động ở Nam Phi: Ngày 25/9, 8 người quá khích đã bị cảnh sát bắt giữ sau cuộc biểu tình biến thành bạo động quy mô lớn tại Cape Town nhằm phản đối tình trạng tội phạm và thất nghiệp ngày càng gia tăng tại thành phố mang tính biểu tượng của du lịch Nam Phi này. Theo đó, hàng nghìn người biểu tình đã chặn một số tuyến phố chính tại Cape Town gây tắc nghẽn giao thông nghiêm trọng. Cảnh sát đã buộc phải sử dụng lựu đạn hơi cay và súng bắn đạn cao su để giải tán một số đám đông quá khích. Ảnh: Reuters
Động đất và sóng thần tại Indonesia: Indonesia bị rung chuyển bởi trận động đất mạnh 7,5 độ lúc 18h02 ngày 28/9 giờ Indonesia (17h02 giờ Hà Nội). Đây là thời điểm nhiều người đang chuẩn bị lễ cầu nguyện Ngày thứ sáu, ngày quan trọng nhất trong tuần của đạo Hồi. Video trên mạng xã hội cho thấy nhiều người dân hoảng loạn, chạy khỏi nhà trong trận động đất. Sân bay thành phố Palu, thủ phủ tỉnh Trung Sulawesi đang phải đóng cửa, trong khi nhiều người cho biết đã mất liên lạc với người thân sau trận động đất. Trong ảnh: Một công trình hư hại nặng sau trận động đất chiều 28/9. Ảnh: AP
Ngay sau động đất, cơn sóng lớn tràn từ biển vào thành phố Palu, phá hủy những ngôi nhà, phương tiện giao thông gần bờ biển và khiến nhiều người hoảng loạn. Cơ quan Ứng phó Thảm họa Quốc gia Indonesia ngày 29/9 cho biết số nạn nhân thiệt mạng trong thảm họa động đất, sóng thần đã tăng lên 384 người và thống kê thương vong có thể tăng lên nhanh chóng. Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết ông đã chỉ đạo Bộ trưởng an ninh điều phối các cơ quan của chính phủ về xử lý thảm họa. Ông cũng đã trao đổi với người đứng đầu ngành quân sự về tìm kiếm cứu nạn và sơ tán khi cần thiết.
Nhà chức trách Indonesia cho biết đang gặp nhiều khó khăn trong tiến hành hoạt động cứu trợ người dân tại Palu do các cơn dư chấn vẫn đang tiếp diễn. Trong ảnh, nhân viên y tế đang chăm sóc cho các nạn nhân của vụ động đất và sóng thần tại thành phố Palu. Ảnh: AFP
Tiếp nhận người di cư trên tàu cứu hộ Aquarius: Ngày 25/9, Bồ Đào Nha thông báo nước này đã đạt được một thỏa thuận với Pháp và Tây Ban Nha về việc tiếp nhận 10 trong tổng số 58 người di cư trên tàu cứu hộ Aquarius hoạt động tại vùng biển Địa Trung Hải. Bộ Nội vụ Bồ Đào Nha cho biết việc nước này tiếp nhận số người di cư nói trên nhằm phối hợp và chia sẻ với Pháp và Tây Ban Nha gánh nặng tiếp nhận người di cư. Ảnh: THX/TTXVN