(Baonghean) - Công việc nặng nề với rất nhiều áp lực. Bệnh nhân hầu hết trong tình trạng hôn mê, ở ranh giới của sự sống và cái chết.
Công việc đã chọn họ, hay chính họ đã nguyện gắn bó với nơi này, nơi của mỗi một nhịp tim cũng có thể làm nên niềm hạnh phúc vỡ òa, nơi mà nước mắt lúc nào cũng thường trực cho những xót xa, tiếc nuối, nơi mà họ đứng vững được thì phải có trình độ chuyên môn rộng và sâu, phải có lòng nhiệt tình, đức hy sinh và cả sức khỏe phi thường? Hãy lắng nghe tâm sự bình dị của người thầy thuốc Khoa Hồi sức tích cực và chống độc (Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An) để hiểu và chia sẻ cùng họ...
Vẫn là cái hành lang bệnh viện thật dài và hun hút gió. Tôi đã từng đẩy xe cáng bệnh nhân đi qua biết bao lần với sự vội vã, khẩn thiết hay nỗi mệt mỏi... Ấy vậy mà, tất cả những lo lắng, những trĩu nặng, những gấp gáp trong phút này bỗng tan biến. Tôi quên đi đôi tay mình cả chiều nay rã rời vì bóp bóng hỗ trợ để đặt ống nội khí quản cho một bệnh nhân bị tim phổi tắc nghẽn. Tôi quên đi nỗi buồn khi chịu sự tức giận đến vô lý của một người nhà bệnh nhân bị tôi nhắc nhở khi vi phạm nội quy phòng bệnh. Tôi quên mất bữa cơm chiều đã muộn, chắc hẳn con trai đang chờ tôi mua về cho nó cái mặt nạ siêu nhân như đã hứa bằng tiền mừng tuổi... Cả cái hành lang này nữa, sao bữa nay những bước đi của tôi - một điều dưỡng viên bình dị giữa hàng trăm người thầy thuốc khác của bệnh viện rộng lớn này - vang lên thứ âm thanh hân hoan biết bao.
Líu ríu sau chân tôi, là con gái của người bệnh bám theo chiếc cáng đẩy của cha mình. Nước mắt chị không ngừng tuôn rơi. Chị khóc vì niềm hạnh phúc ngỡ chỉ có trong giấc mơ, khi mà tất cả mọi người đã đinh ninh cha chị sẽ bị tử thần cướp đi sinh mạng trước cái Tết Ất Mùi này, giờ đây đã “thoát hiểm” một cách kỳ diệu. Nhập viện khi đã hôn mê sâu do nhồi máu não, gần 2 tháng thở máy, điều trị tích cực, vật lộn với sự sự sống - còn từng giây phút, giờ đây, cha của chị đang mỉm cười trên chiếc cáng đẩy để chuyển xuống một khoa chuyên môn khác điều trị phục hồi. Nụ cười còn xanh xao, yếu ớt nhưng lấp lánh ánh sáng của niềm tin, của sự sống... Và khi đỡ ông nằm xuống yên vị trên giường bệnh ở khoa mới, ông đã run run chìa tay mình nắm lấy tay tôi: “Bác nhớ lần đầu mở mắt ra là thấy có cháu...”. Lời cảm ơn nghẹn trong ngực ông. Tôi gật đầu với ông, và nói, tôi sẽ chuyển lời cảm ơn ấy tới tất cả những đồng nghiệp của tôi ở khoa Hồi sức tích cực và chống độc trong thời gian qua đã cùng ông vượt qua ngưỡng cửa tử thần.
Thế đấy, tôi nhận thấy, mình và nhiều đồng nghiệp khác đã có những niềm vui và cái cảm giác hạnh phúc, tự hào mà không một nghề nào khác có thể đem lại cho mình. Cái cảm giác ấy, lạ thật, không phải đến khi chúng ta bước trên bục vinh quang, giữa tiếng vỗ tay và hoa với hàng ngàn lời tung hô, khen ngợi xuýt xoa, mà đến trong lặng lẽ. Lặng lẽ đến nỗi, những người đi bên tôi vẫn đang dửng dưng nhìn. Lặng lẽ đến nỗi, chỉ có mình mình mới thấy dường như cái hành lang hun hút này như sáng lên...
Tôi trở về phòng điều dưỡng, treo tấm áo của mình lên mắc. Một ngày làm việc của mình vừa kết thúc. Cô bạn mới đến nhận ca gương mặt chưa hết bần thần: “Bữa nay 2 đứa đều sốt, vừa phải chở lại đằng bà nội”. Rồi hỏi tôi: “Bệnh nhân H. đã ăn cơm tối chưa?”. Tôi lắc đầu. “Vậy hôm nay xin sữa hay cháo nhỉ?”. Hỏi, chỉ để hỏi vì cô ấy đã tất bật đi lấy cặp lồng. H là một bệnh nhân được chuyển vào khoa trong tình trạng bất tỉnh. Người đi đường đã bắt gặp anh gục xuống bên lề đường. Không giấy tờ, không người thân, không có tiền trong túi... 5 ngày qua nằm viện, cho đến khi tỉnh lại, chúng tôi phải chia nhau đi xin cháo, góp tiền mua sữa cho anh.
Những bệnh nhân như H cũng không phải hiếm. Đã có nhiều ca bệnh được đưa vào viện mà bệnh nhân đã hôn mê, không có người thân bên cạnh. Lúc đó, điều dưỡng viên “kiêm” luôn chức phận người nhà. Có người bệnh nghèo quá, khi ra về, chúng tôi phải góp thêm tiền xe. Cá biệt, có trường hợp bệnh nhân nam, gần 10 năm gắn bó với khoa bởi căn bệnh suy thận, phải lọc máu theo chu kỳ, lại mắc thêm bệnh tim mạch.
Bệnh nhân này đã sống được nhờ sự hỗ trợ của bệnh viện và tình thương, sự chia sẻ của các y, bác sỹ, người bệnh khác trong Khoa. Hậu - một điều dưỡng viên nam của khoa tôi - đã trở thành “người bạn tâm giao” của bệnh nhân này. Không chỉ bởi Hậu luôn rủ cậu ấy đi ăn cơm, rủ cậu ấy chơi cờ mỗi khi Hậu vừa xong ca trực, mà còn thường xuyên hỏi han, động viên mỗi khi cậu ta buồn bã. Căn bệnh của cậu đã khiến gia đình cậu khánh kiệt. 1 năm, 2 năm thì người thân trong nhà còn cố chạy vạy, thế nhưng căn bệnh mà người ta biết chắc sẽ phải gánh cả cuộc đời thì... Thế là, gia đình cậu ấy buông tay. Những người thân phó mặc cậu trôi dạt với cuộc sống tật bệnh. Đã nhiều lần cậu ta muốn chết đi, để bản thân không còn là gánh nặng với gia đình và cũng đừng chịu thêm sự giày vò. Thế rồi, niềm ham sống cùng những ân tình đã níu cậu ở lại...
Có nhiều người đã gọi Khoa Hồi sức tích cực của chúng tôi là Khoa tử thần. Nhiều đồng nghiệp khoa khác còn gọi đùa: Khoa này là nơi đến gần nhất của... nhà xác bệnh viện. Bạn có thể nhận ra sự khác biệt của Khoa Hồi sức tích cực trong một bệnh viện, bởi nơi này bệnh nhân phải dùng dây truyền, ống dẫn, máy móc trợ thở, máy đo nhịp tim, mạch nhiều nhất. Đây cũng là khoa mà bệnh nhân “im ắng” nhất vì hầu hết họ đến trong tình trạng rất nặng, nhiều trong số họ đã hôn mê, ở biên giới mong manh của sự sống. Bệnh nhân ngày một đông thêm, còn nhân lực làm việc thì có hạn. Chúng tôi vẫn thường phải động viên nhau mà bám trụ.
Bác sỹ trưởng khoa chúng tôi vốn kiệm lời, thế nhưng trong một ngày lễ kỷ niệm trang trọng, ông đã đứng dậy phát biểu đầy xúc động trước toàn khoa: “Tôi biết chứ, rất nhiều người trong chúng ta mệt mỏi, muốn chuyển khoa khác làm việc. Những ai còn muốn ở lại, hẳn phải yêu nghề lắm lắm”. Tất nhiên, chuyện các thầy thuốc, đặc biệt là đội ngũ điều dưỡng viên muốn chuyển khoa là chuyện hoàn toàn dễ hiểu và đáng cảm thông. Ngay như bản thân tôi, cũng không ít lần buồn nản... Tôi nhớ, có những đêm trực, chúng tôi có tới 34 bệnh nhân, gần như toàn bộ cần đến máy thở trong khi toàn khoa chỉ có 18 chiếc. Chạy đôn, chạy đáo mượn từ các khoa khác chưa đủ, chúng tôi phải đứng bên giường bệnh bóp bóng duy trì nhịp thở cho bệnh nhân. Một tháng 30 đêm thì có 10 đêm trực viện. 10 đêm không có giây chợp mắt. Bởi, chỉ cần một phút lơ là là bệnh nhân chậm một nhịp thở... Có những sáng mai, tựa cửa buồng bệnh với gương mặt phờ phạc, tôi và cô bạn trực cùng đã nhìn vào đôi mắt trũng sâu của nhau mà thở dài. Hẳn rằng, cô ấy, cũng như tôi, đang có cùng một ý nghĩ: “Mình mệt mỏi, mình cũng muốn buông tay lắm rồi...”. Nhiều bữa, tròn 2 ngày mới được gặp con.
Mẹ trực đêm, con phải gửi bà nội, ngoại. Sớm mai mẹ về thì con đã đi học. Cứ bảo rằng vì sao mà con “chẳng cần mẹ”- đã có lần, bà nội nói xa xôi thế. Biết bà xót cháu, nhưng tôi cũng đành nín lặng... Bởi trong chính tôi đây cũng có những xót xa hơn thế. Tôi, đã chứng kiến và cũng không ít lần là nạn nhân của... người nhà bệnh nhân. “Này, cái cô kia. Người nhà tôi sắp chết mà cũng không cho vào là sao. Người nhà tôi có làm sao thì cô cũng không xong với tôi đâu”. “Cô định vòi tiền phải không? Các cô chỉ cần ném tiền vào mặt là xong chứ gì?”...
Ấy là còn nhẹ nhàng, còn không hiếm người xô cửa ầm ầm xông vào, văng tục chửi bậy, thậm chí còn cầm theo cả “vũ khí nóng”. Khi bệnh viện còn ở cơ sở cũ thì chuyện ấy không hiếm gặp. Có lần người nhà bệnh nhân còn đập phá, làm hỏng cả máy thở của bệnh nhân. Lần ấy, tôi đã phải chạy vào phòng mình đóng chặt cửa lại. Sợ hãi sự hung hãn ấy ư, điều đó chỉ đúng một phần. Có một nỗi sợ hãi khác đang đến trong tôi, tôi sợ nhìn thấy sự nhẫn tâm, sự bất công diễn ra ở nơi mà tôi nghĩ nó phải dành cho sự tôn nghiêm, tôi sợ cái nỗi chán nghề đang từ từ chiếm lĩnh lấy tôi...
Thế đấy, trong căn phòng này, những khoảnh mấy chục mét vuông này, biết bao niềm vui, nỗi buồn đã diễn ra. Cả biết bao hỉ nộ, ái ố của cuộc đời. Nghĩa là sóng, là gió, là bão gắn trong từng nhịp thở, trong cái âm thanh tít tít quen thuộc của máy móc, sau ô cửa kính trong suốt . Nước mắt rơi, nhiều lắm. Của bệnh nhân khi biết mình sắp lìa đời, khi biết mình được cứu sống. Của những đứa con xa hối hận không kịp về bên mẹ. Của những người chồng nhận ra mình vô tâm với vợ con thường ngày... Này người mẹ trẻ dại uống thuốc sâu tự vẫn, đổ cả thuốc vào miệng đứa con nhỏ. Này là đứa con ngông cuồng, bất hiếu đánh cha tới chấn thương sọ não. Này là cả gia đình gồm cha mẹ và 2 con cùng gặp tai nạn, người đã mất, người đang hấp hối...
Bao nhiêu số phận, bấy nhiêu câu chuyện, bi kịch của cuộc đời ồn ã ngoài kia. Nước mắt, của cả những người thầy thuốc áo trắng, khi chứng kiến sự hồi sinh trên từng làn da, từng vóc dáng. Nước mắt, khi bắt gặp người nhà bệnh nhân bỗng nhiên quỳ xuống trong cơn tuyệt vọng: “Xin hãy cứu lấy cha tôi!”. Nước mắt, của sự bất lực khi nhìn thấy sự ra đi mà bản thân người thầy thuốc không thể làm gì hơn được. Nước mắt, khi người nhà bệnh nhân vì quá nghèo mà nằng nặc xin các bác sỹ cho bệnh nhân về...
Đã có những lần, trong ca trực yên ắng, tôi ngắm nhìn những gương mặt thiêm thiếp nằm đây. Này ông nhà thơ có mái tóc bạc trắng, này cô bé sinh viên đại học năm cuối chờ ngày tốt nghiệp, này anh chàng dân tộc Thái xuống từ rẻo cao Kỳ Sơn mới hôm qua còn phơi phới trên môi ngọn sáo pỉ pương... Không thể, không thểđể dừng lại những vần thơ, không thể để dừng lại những giấc mơ, không thể để tắt đi tiếng sáo... Và quan trọng hơn hết, là những nhịp đập trái tim kia quý giá biết bao với những người thân, với cả chính họ khi được ban tặng một cuộc đời.
Còn bây giờ, tôi đã xong phần việc của một ngày. Một ngày kết thúc với niềm vui, khi 2 ca bệnh hiểm nghèo ngỡ chừng khó qua khỏi đã được chuyển khoa chức năng khác. Từ ngày một số kỹ thuật mới được triển khai, tiếp cận như dẫn lưu não thất, lọc máu, thay huyết tương... cơ hội sống của bệnh nhân Khoa Hồi sức tích cực và chống độc được nâng cao. Niềm vui đến với chúng tôi nhiều hơn mỗi ngày. Trên con đường về, tôi nhớ đã có lần, khi chúng tôi hỏi nhau: Vì sao bạn chọn nghề y, một bác sỹ - một người anh trong nghề mà tôi rất kính trọng đã kể cho tôi nghe, khi anh là cậu trò lớp 7 đã chứng kiến mẹ mình dần lả đi trong vòng tay ôm của chính mình do một cơn tai biến. Và từ đó, cái quyết tâm phải theo đuổi nghề “chữa bệnh cứu người” đã hình thành mạnh mẽ trong anh.
Còn tôi, điều gì nhỉ? Tôi đã nghĩ về một công việc có thể dễ chịu khi thi vào Cao đẳng Y khoa, chỉ thế, và trở thành một điều dưỡng viên bình thường như bao nhiêu người điều dưỡng khác. Cũng có nhiều người như tôi. Nhưng khi đã bước vào thế giới của những tấm áo trắng ấy, tôi biết rằng mình cần cảm tạ cuộc sống này, vì nó đã cho tôi cơ hội được cứu giúp con người. Có bao nhiêu lần, tôi mệt mỏi vì áp lực đến từ nhiều phía thì cũng có bấy nhiêu lần, niềm vui không gì sánh được dâng lên trong lồng ngực mình. Tôi tự hào khi khoác lên mình màu áo trắng, tự hào là người thầy thuốc của Khoa Hồi sức.
T.V (ghi)