Nếu coi xăng là "thức ăn", thì dầu nhớt bôi trơn giống như "máu" của động cơ. Trong thành phần của dầu bôi trơn có các chất phụ gia đảm bảo các tính năng làm sạch, chống ăn mòn hóa học, chống tạo bọt.
Trong quá trình cháy, nhiên liệu phát sinh ra cặn và bụi carbon bám vào trong động cơ, dầu bôi trơn sẽ phân tán cặn và muội này thành các phân tử nhỏ và lưu giữ ở trong dầu. Sau thời gian sử dụng, hàm lượng cặn vượt qua ngưỡng cho phép và nó có thể bám ngược trở lại vào động cơ.
Từ đó, việc thay dầu nhớt bôi trơn là rất cần thiết, tuy nhiên việc xác định thời điểm thay khiến nhiều người băn khoăn.
Anh Đỗ Duy Đức - Giám đốc Duy Đức Workshop cho rằng lỗi thay dầu phổ biến nhất của chủ phương tiện là thay dầu theo một chu kỳ chỉ dựa trên số km, ví dụ 3.000 km hay 5.000 km. Bởi thay dầu bôi trơn phụ thuộc vào 3 yếu tố.
Yếu tố thứ nhất là phẩm cấp của loại dầu đang sử dụng. Yếu tố thứ 2 là tuổi đời và tình trạng thực tế của động cơ. Nếu chiếc xe đã sử dụng nhiều năm, rệu rạo, hao mòn và có những kẽ hở lớn hơn trong động cơ thì cần thay thế dầu bôi trơn theo số km ngắn hơn so với khuyến cáo của từng loại nhớt.
Yếu tố thứ 3 là vận hành. Nếu vận hành trong điều kiện khắc nghiệt, như trước/sau khi đi xa, bị ngập nước, thì cũng phải tiến hành thay thế dầu sớm hơn so với bình thường.
Chỉ thay thế dầu nhớt theo số km đã đi, chứ không quan tâm đến ngày tháng cũng là một thói quen xấu. Vì mặc dù xe chạy ít, nhưng dầu bôi trơn lưu trữ ở trong động cơ sẽ tự giảm phẩm cấp theo thời gian, không thể chỉ nhìn vào số km để thay dầu.
Và theo khuyến cáo thì dầu đa cấp loại 5W và 10W nên thay thế sau 3 tháng sử dụng, dù chạy ít hay chạy nhiều. Loại dầu 0W thì thay thế sau 6-12 tháng tùy theo sự cao cấp của phụ gia trong loại dầu đó.
Thói quen xấu thứ 3 là thay thế dầu nhớt ở nhà hoặc các cơ sở không chuyên. Nhiều chủ xe có xu hướng là thay thế dầu bôi trơn tại nhà hoặc các tiệm rửa xe, khi đó dễ dẫn các rủi ro là rò rỉ rốn xả, mở nhầm ốc xả dầu, châm sai loại dầu hoặc là châm sai dung tích dầu.
Tiếp đến là sử dụng các chất phụ gia không rõ nguồn gốc. Nhiều chủ phương tiện đổ các chất phụ gia chưa thẩm định, không rõ nguồn gốc pha trộn vào dầu bôi trơn nhằm đáp ứng những cái mong đợi của mình, như làm sạch hoặc phá cặn. Nếu người dùng chưa tìm hiểu kỹ, các chất phụ gia không tương thích với dầu bôi trơn đang sử dụng có thể làm đảo lộn tính cân bằng hóa học trong dầu và giảm hiệu suất của dầu bôi trơn.
Các chủ xe cũng có xu hướng thay dầu ngay khi dầu chuyển sang màu đen. Quan niệm này hoàn toàn sai lầm, vì tính năng làm sạch, dầu bôi trơn sẽ hòa tan các bụi bẩn lưu giữ trong động cơ khiến dầu trở thành màu đen sau một thời gian ngắn sử dụng.
"Chúng ta không nhất thiết phải thay dầu ngay khi dầu chuyển thành màu đen nếu như chưa đạt chu kỳ hoặc ngày tháng sử dụng", anh Duy Đức cho biết.
Thói quen khác là chỉ thay thế dầu bôi trơn mà không thay thế lọc dầu bôi trơn. Cần thay lọc dầu bơi trơn sau 2 lần thay nhớt để đảm bảo dòng dầu liên thông tốt ở bên trong, động cơ được thông thoáng.