Được biết đến là "thầy giáo quyến rũ nhất thế giới" với bằng tiến sĩ, Pietro Boselli từ khi theo đuổi nghề mẫu phải đấu tranh với định kiến người mẫu không thông minh.
Pietro Boselli, thầy giáo 28 tuổi người Italy, là người mẫu từ năm lên 6. Anh tiếp tục sự nghiệp người mẫu khi trưởng thành, tham gia các show diễn ở Milan, làm việc thường xuyên với Armani - hãng thời trang nổi tiếng Italy. Tuy nhiên, chàng trai vẫn luôn ưu tiên công việc học tập với chuyên ngành cơ khí ở trường đại học Anh (University College London).
"Dù nghề mẫu kiếm tiền tốt nhưng tôi không bỏ lỡ một giờ học nào ở trường. Điều may mắn là sau khi vượt qua các kỳ thi, tôi có thể làm mẫu trong mùa hè", anh nói. Tốt nghiệp bằng kỹ sư, anh ở lại trường dạy Toán và học lên cao hơn. Boselli tốt nghiệp tiến sĩ vào tháng 2/2016.
Làm mẫu song song với dạy học cũng đem lại nhiều rắc rối cho Boselli. "Tôi từng có 5 năm làm trợ giảng và sau đó là giảng viên, mỗi năm có thêm 100 sinh viên mới. Trong năm học, luôn có sinh viên lén chụp ảnh tôi trong lớp và đăng lên mạng xã hội, khoe rằng thầy giáo của tôi cũng đồng thời là một người mẫu. Tôi thường bỏ qua các bài đăng này. Cuối cùng, một trong số đó đã gây bão cộng đồng", Boselli kể lại về sự nổi tiếng bất ngờ trên Indy100 ngày 14/12. Hiện tài khoản Instagram của anh có 1,6 triệu người theo dõi.
Khi hoạt động trong ngành công nghiệp thời trang, Boselli may mắn được xem như người đánh bại định kiến về người mẫu. Trình độ học vấn của anh luôn là trung tâm của các cuộc đối thoại.
Pietro Boselli cho rằng vai trò của người mẫu và tiến sĩ có điểm tương đồng. Cả hai đều năng động, có lịch trình linh hoạt và thường có thêm nghề tay trái. Thực tế, diễn trên sàn catwalk và chụp ảnh không phải là nguồn thu nhập duy nhất của đa số người mẫu. Họ cần cởi mở và rèn luyện kỹ năng giao tiếp, đi đến nhiều nơi trên thế giới và trực tiếp trải nghiệm. Để thành công trong ngành công nghiệp khắc nghiệt này, người ta phải tận tâm và làm việc chăm chỉ.
Giải thích về việc mọi người cho rằng người mẫu kém thông minh, Boselli cho rằng nhiều người trong nghề không bị đòi hỏi yếu tố trí tuệ. Nhận xét chủ quan về nghề mẫu đến từ những người thiếu tài năng hoặc thiếu hiểu biết.
Tự gọi mình là "mọt sách", Boselli từ chối nhiều hợp đồng thời trang béo bở. Giờ đây, khi đã nhận bằng tiến sĩ, Pietro Boselli quyết định nghỉ dạy một thời gian, có kế hoạch khám phá tài năng khác của bản thân và du lịch khắp thế giới.
Theo VNE