Nhiều lĩnh vực chậm thay đổi
Phải khẳng định rằng, thời gian gần đây, thành phố Vinh đã có nhiều đổi mới trong tư duy, quyết liệt trong hành động thông qua sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến các phường, xã.
Thành phố tiếp tục khẳng định vị trí đầu tàu tăng trưởng kinh tế khi tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2019 đạt 9,15%. Thu ngân sách của thành phố ước đạt hơn 2.376 tỷ đồng, chiếm hơn 15% tổng thu ngân sách toàn tỉnh.
Thành phố cũng đã có những đổi mới tư duy, cách nhìn và tiếp cận mới nhằm “kích hoạt” các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất, kinh doanh; đồng thời hình thành hoạt động kinh doanh về đêm, đưa vào vận hành phố đêm, chuẩn bị đưa phố đi bộ vào hoat động trước Tết dương lịch và hiện tại đang phối hợp để nghiên cứu phát triển các dịch vụ về đêm…
Bên cạnh những chuyển động thì nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, Vinh đang đối mặt với sự tụt hậu so với các đô thị loại I trong cả nước.
Theo ông Trần Ngọc Tú – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Vinh “tụt hậu" ở cả 2 phương diện, kinh tế và đô thị. Thành phố chưa có định hướng rõ về phát triển kinh tế, ngành nào ưu tiên; chưa có những mô hình kinh tế mang tính điểm nhấn và đột phá.
Và đô thị thành phố Vinh chưa có những công trình mang tính đặc trưng, điểm nhấn và cơ sở hạ tầng nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập.
Sự tụt hậu về kinh tế của thành phố rõ ràng hơn khi tại hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Đảng bộ thành phố tổ chức ngày 13/12 vừa qua, đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đưa ra sự so sánh: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố Vinh tuy cao với 9,15%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với 2 thành phố liền kề: Thành phố Thanh Hóa các năm trong nhiệm kỳ đều duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 15% còn thành phố Hà Tĩnh duy trì tốc độ tăng trưởng 12 - 13%.
Cùng với sự tụt hậu, thì việc giải quyết một số nội dung, công việc nổi cộm chưa được thành phố và các phường, xã thực hiện thật sự có hiệu quả. Nổi lên là vấn đề cấp mới, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp, đất ở cho các hộ gia đình các xã sáp nhập vào thành phố Vinh. Mặc dù nội dung này đã được đặt ra tại nhiều diễn đàn.
Tại kỳ họp lần thứ 11, HĐND thành phố nhiệm kỳ 2016 – 2021, ông Võ Đình Hoàng – Bí thư Đảng ủy xã Nghi Liên đánh giá, kết quả năm 2019 so với năm 2018 hầu như không có gì thay đổi; người dân vẫn phải đi lại nhiều lần và bị trả đi trả lại hồ sơ ít nhất 3 – 5 lần; kiến nghị thành phố cần làm rõ trách nhiệm và đề ra giải pháp cụ thể cho vấn đề này.
Thừa nhận chậm trong công tác cấp, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, ông Lê Quốc Tuấn - Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố cho rằng, trong quá trình xử lý hồ sơ, quan điểm giữa cơ quan Thuế, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thành phố và Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố đang còn một số điểm chưa thống nhất trong việc giải quyết yêu cầu của người dân.
Tuy nhiên, trong mấy tháng gần đây, các cơ quan đã nghiên cứu trên cơ sở các quy định để có sự thống nhất trong giải quyết một số hồ sơ có những khó khăn để đẩy nhanh tiến độ.
Đề cập ở góc độ khác, ông Nguyễn Văn Ngọc – Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố cho rằng, bên cạnh năng lực hạn chế thì ý thức trách nhiệm của công chức địa chính ở một số xã cũng chưa cao, chưa tập trung để hoàn thiện hồ sơ cho người dân.
Công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, theo ông Lê Sỹ Chiến – Phó Chủ tịch UBND thành phố, dù tỷ lệ giải quyết cao, đạt 97% đơn thư thuộc thẩm quyền Chủ tịch UBND thành phố và 94% thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch UBND phường, xã, song vẫn còn một số vụ việc chưa được giải quyết xong.
Việc giải quyết đơn thư ở một số phường, xã còn có sai sót, giải quyết qua loa, chiếu lệ, đùn đẩy vụ việc lên cấp trên. Vẫn còn nhiều kết luận, quyết định giải quyết đã có hiệu lực pháp luật nhưng chưa được thực hiện.
Trong công tác cải cách hành chính, còn phản ánh của nhân dân về một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, xử lý các vấn đề chậm, gây phiền hà cho nhân dân, doanh nghiệp.
Thực hiện tốt khâu cán bộ sẽ giải quyết nguyên nhân sâu xa
Những khó khăn, tồn tại nêu trên đã được Thành ủy, UBND thành phố thẳng thắn nhìn nhận và làm rõ nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Theo ông Trần Ngọc Tú – Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất là ở đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từ thành phố đến các phường, xã. Theo đó nhiều cán bộ, công chức, viên chức làm việc thiếu tích cực, vì lợi ích cá nhân dẫn đến chất lượng, tiến độ giải quyết công việc không đảm bảo.
Trên cơ sở nhận diện rõ nguyên nhân, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố đặt ra quyết tâm cao để đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Đầu tiên, UBND thành phố tiến hành gặp mặt hơn 600 doanh nghiệp nhằm tiếp nhận kiến thức từ các doanh nghiệp cũng như trách nhiệm của thành phố đối với các doanh nghiệp.
Thành phố cũng đã tổ chức diễn đàn tham vấn các chuyên gia, giáo sư, tiến sỹ, các nhà có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế để hiến kế cho thành phố; đồng thời đề xuất với tỉnh có những cơ chế đặc thù.
Song song với đó, thành phố cũng đang đặt ra quyết tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, “trọng tâm là đội ngũ cán bộ phải được thay đổi về tư duy và muốn thay đổi thì phải làm thật sự, lăn xả thật sự, thấu hiểu, trăn trở thật sự; còn nếu chỉ nói thôi thì không cần nhiều người” – Chủ tịch UBND thành phố Trần Ngọc Tú nhấn mạnh.
Ông Trần Ngọc Tú cũng cung cấp thêm, thông qua tổng hợp, 1 năm UBND thành phố có 323 cuộc họp, nếu mỗi cán bộ, công chức đi họp đều đặn thì sẽ không có thời gian để nghiên cứu, để tư duy và thay đổi được. Đây là vấn đề sẽ được chấn chỉnh trong thời gian tới. UBND thành phố cũng đang tiến hành hoàn chỉnh bộ tiêu chí về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức UBND thành phố “tinh hoa” hơn; gắn xây dựng bộ tiêu chí thắt chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính minh bạch, làm sao để mỗi cán bộ, công chức nỗ lực, phấn đấu.
Việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức cũng có tiêu chí đảm bảo khách quan, tránh tư tưởng “hòa cả làng” hoặc xóa bỏ tư tưởng ưu tiên trong đánh giá để nâng lương; xử lý nghiêm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Để từng bước cụ thể hóa quyết tâm nêu trên, vừa qua, UBND thành phố Vinh đã tiến hành sát hạch toàn bộ đội ngũ cán bộ, công chức với 140 trưởng, phó phòng và chuyên viên các phòng, ban, đơn vị chuyên môn.
Theo ông Nguyễn Văn Chỉnh – Trưởng ban Tổ chức Thành ủy kiêm Trưởng phòng Nội vụ thành phố, trên cơ sở kết quả sát hạch về kỹ năng, năng lực và hiểu biết chung để đánh giá, phân loại đội ngũ một cách thực chất; từ đó tạo bước chuyển về ý thức, trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, chuyên viên UBND thành phố trăn trở, lo lắng với công việc hơn. Đây cũng là cơ sở để sắp xếp lại và đào tạo, bồi dưỡng, tinh giản biên chế.
Mặt khác, UBND thành phố cũng đã tiến hành sắp xếp, điều chuyển, bổ nhiệm 22 đồng chí cán bộ chủ chốt một số phòng chuyên môn thành phố và phường, xã với hy vọng để tạo ra sự thay đổi và đột phá mới cho thành phố.
Hiện tại, UBND thành phố đang đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy và HĐND thành phố thành lập trung tâm hành chính công, gắn với ban hành quy chế mới nhằm thắt chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời đề xuất Thành ủy sớm xây dựng quy định về đào tạo, bồi dưỡng, phát triển con người, đảm bảo xây dựng được những nhân tố có đủ điều kiện, khả năng tư duy và năng lực tốt để có thể đảm nhận được các vị trí, mũi quan trọng của thành phố.