Thí sinh đã dự tuyển vào các trường theo phương thức xét tuyển riêng vẫn phải tiếp tục đăng ký nguyện vọng trên hệ thống theo kế hoạch chung của Bộ. Với thí sinh đã được trường thông báo đủ điều kiện trúng tuyển một nguyện vọng nhất định, vẫn được tự quyết định đặt thứ tự ưu tiên nguyện vọng khi đăng ký trên hệ thống và sẽ được công nhận trúng tuyển ở nguyện vọng cao nhất. Nguyện vọng trúng tuyển cuối cùng này có thể không phải là nguyện vọng đã trúng tuyển ban đầu.
Với quy định của năm nay, thí sinh phải đăng ký xét tuyển trên cả hai hệ thống của trường và của Bộ GD&ĐT.
Theo đánh giá của các nhà tuyển sinh, điều này tránh được hiện tượng một thí sinh rải hồ sơ ở nhiều trường với nhiều phương thức khác nhau, trúng tuyển nhiều phương thức và tỷ lệ trúng tuyển ảo ở các trường khá cao. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho hay quy định này sẽ gây ra không ít khó khăn cho các trường.
Trả lời báo chí, TS. Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM nêu thực tế nhiều trường đã nhận hồ sơ xét tuyển các phương thức riêng dựa vào học bạ, điểm thi đánh giá năng lực, ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng…
Theo như dự thảo, thí sinh đã đăng ký xét tuyển học bạ vào 1 trường thời điểm này vẫn phải đăng ký xét tuyển lại trên hệ thống chung. Như vậy, nguyện vọng thí sinh đăng ký 2 thời điểm có thể giống hoặc khác nhau. Nếu khác nhau sẽ xảy ra tình trạng lệch dữ liệu đăng ký xét tuyển giữa 2 hệ thống (trường và hệ thống chung của Bộ GD&ĐT) và việc xét tuyển sớm của các trường có thể không còn ý nghĩa.
TS Nguyễn Đức Nghĩa cho rằng, quy định lọc ảo chung tất cả các phương thức không chỉ gây rối với các trường trong thực hiện xét tuyển các phương thức riêng mà còn tác động tới thí sinh. Trước đây, thí sinh được trúng tuyển nhiều phương thức xét tuyển và chọn 1 phương thức để nhập học. Nhưng nếu việc xét tuyển đồng thời các phương thức và thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất này, người học sẽ không có nhiều cơ hội trúng tuyển các phương thức khác nhau như trước đây.