(Baonghean.vn )Thầy Chu văn An hiệu là Tiểu Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, tên thuỵ là Văn Trinh. Thầy người làng Văn Thôn, xã Quảng Liệt, huyện Thanh Đàm, nay là Thanh Trì - Hà Nội. Sau khi đậu Thái học sinh (tương đương Tiến sỹ thời Lê). Thầy không ra làm quan, chỉ ở nhà dạy học. Học trò rất đông và có nhiều người tài giỏi. Chu Văn An là tấm gương suốt đời tự học để luyện đức, rèn tài theo gương các bậc thánh hiền xưa.
Ngày nay, tại Văn Miếu (Hà Nội) có tấm Hoành phi đề 4 chữ “Vạn thế sư biểu” dưới là hình thầy Chu Văn An. Bốn chữ “Vạn thế sư biểu” có nguồn gốc ở 4 chữ của vua Khang Hy nhà Thanh (Trung Quốc) dành cho Khổng Tử. Văn Miếu theo đúng nghĩa là thờ Khổng Tử. Chu Văn An được thờ phối tự ở Văn Miếu. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta trân trọng coi thầy Chu Văn An xứng đáng gương muôn đời chói lọi của Nhà giáo Việt Nam!
Thi hào Cao Bá Quát có bài thơ nói về đức độ, khí tiết của thầy Chu Văn An:
Phiên âm chữ Hán
Vịnh Chu Văn An
Kinh tiết tham tu khí phách đương,
Dục tương chích thủ vãn đồi dương.
Lôi đình bất toả cô trung phẫn,
Quỷ mị do kinh thất trảm chương.
Hoà khí dĩ hằng thiên địa bạch,
Cao phong do đối thuỷ sơn trường.
Lâm tuyền cựu ẩn kim hà tại?
Văn Miếu duy tư tính tự hương!
Tôi tạm dịch thơ:
Trăn trở lo toan việc nước nhà,
Những mong cứu khỏi cảnh chiều tà.
Oai hùm nào khuất người trung dũng,
“Thất trảm” mưu trừ lũ quỷ ma.
Hào khí bao thời bừng sáng chói,
Cao phong muôn thuở chẳng phôi pha.
Nơi xưa ẩn dật còn đâu tá,
Văn miếu danh thơm mãi chẳng nhoà!