bna_15527438_2242021.jpgCá vên từ cửa biển ngược nước sông Lam vào tháng 3, 4. Theo kinh nghiệm dân gian, cá vên ngược dòng vào ban đêm nhiều hơn, do đó người dân làng chài thường tập trung đánh bắt về đêm. Chiều về trên sông Lam, bà con làm nghề đánh bắt cá vên ở Thanh Chương thường tập kết thuyền, ngư cụ tại một số bến sông có nhiều thuận lợi như bến Quánh, rú Hà, đền Hữu Võ... để chuẩn bị cho một đêm thức trắng với cá vên. Ảnh: Huy Thư
Khi màn đêm buống xuống, những khúc sông, nơi người dân thường chọn để đánh bắt cá trở nên nhộn nhịp khác thường. Trên mặt sông lấp lánh những ánh đèn pin, đèn điện, đèn hiệu... Chị Nguyễn Thị Sửu trú ở xóm 4, xã Thanh Hà "trôi lưới" trên sông Lam cho biết: Mùa cá vên năm nay, dân đánh bắt được ít cá hơn năm trước, trong khi giá xăng lại cao, nên đi đánh cá vên bằng thuyền máy cũng chật vật hơn. Ảnh: Huy Thư
Những chiếc thuyền máy, thuyền chèo bắt đầu nhổ neo, rời bến đi đánh cá. Dụng cụ để săn cá vên là những tấm lưới 3 tầng, dài từ 150m - 200 m, cao từ 1 - 1,2m, được người dân chuẩn bị chu đáo, treo cẩn thận trên cọc lưới đầu mui thuyền. Ảnh: Huy Thư
Do thuyền đánh bắt cá đông (8 -15 thuyền/bến) lại diễn ra trên cùng một khúc sông, nên người dân thường tự giác tuân thủ giao ước: Ai đến trước thì giăng lưới trước, ai đến sau thì phải ngồi chờ. Khi người cuối nguồn vớt lưới, người trên nguồn mới được thả, cứ tuần tự như vậy, hết người này đến người kia. Có nơi phải bắt thăm trước khi thả lưới. Ảnh: Huy Thư
Việc chờ đến lượt để thả lưới lâu hay mau phụ thuộc vào số thuyền đánh bắt cá tại bến sông đó. Nếu ít thuyền thì nhanh đến lượt, còn nhiều thuyền thì chờ đợi mỏi mòn. Nhiều người phải cắm neo đánh bài, lướt điện thoại, thậm chí nằm ngủ ngay trên thuyền. Ảnh: Huy Thư
Nằm ngủ trên bến sông lúc lặng gió muỗi khá nhiều. Một số người phải mặc áo mưa, trùm kín từ đầu tới chân để tránh muỗi. Ảnh: Huy Thư
Các làng chài làm nghề đánh cá vên ở Đồng Văn, Thanh Hà, Thanh Giang... ngoài đàn ông, con trai thì phụ nữ, người già cũng tham gia làm nghề, có cụ trên 70 tuổi hàng đêm vẫn lên thuyền đi "trôi lưới". Giữa đêm hôm khuya khoắt, nhiều phụ nữ vẫn đảm đang một mình một thuyền, tần tảo mưu sinh. Ảnh: Huy Thư
Thời gian mỗi “trộ lưới” tính từ lúc rải lưới đến lúc thu về khoảng 30 phút. Mỗi đêm, một người đi đánh cá cũng chỉ rải được vài ba trộ, nhiều thì 5 - 7 trộ. Vất vả nhất khi đi trôi lưới, không chỉ là thức thâu đêm, dãi dầm mưa gió mà gặp phải gốc cây, những cây tre nguyên cành lá hay khối rác thì việc thu lưới cũng gặp nhiều khó khăn, mất công gỡ lưới, nhiều khi hỏng cả lưới. Ảnh: Huy Thư
Theo bà con các làng chài, đánh cá vên cũng hên xui, hôm được thì dăm ba cân, nhiều thì cả yến, nhưng gặp hôm xui xẻo có khi cũng chẳng được con nào. Anh Nguyễn Viết Bảo trú ở xóm 1, xã Thanh Hà cho biết: Mùa cá vên năm nay, tôi kéo được trộ lưới "nổi tiếng" có 105 con cá vên, bán được 3 triệu đồng. Đêm đó anh trai tôi cũng kéo được một trộ hơn 70 con. Với người dân làm nghề "đánh vên" như thế là trúng lớn. Ảnh: Huy Thư
Cá vên sau khi đánh được, bà con thường thả vào khoang thuyền hoặc bỏ vào những chiếc lồng lưới treo sát mạn thuyền cho cá sống. Sáng mai thuyền về bến, số cá này sẽ được mang đi chợ hoặc bán ven đường. Những con cá vên to, còn tươi sống thường bán được giá. Giá cá vên dao động từ 40.000 - 100.000 đồng/kg, tùy loại to hay nhỏ. Mỗi đêm "trôi lưới", nếu gặp hên, một người cũng kiếm được vài trăm nghìn đồng, có khi tiền triệu. Những đêm “thua cuộc” thất thu, thì lỗ tiền xăng. Ảnh: Huy Thư