(Baonghean.vn) -Hôm nay, 9/5, nhân loại kỷ niệm 68 năm Ngày chiến thắng chủ nghĩa phát-xít. 22 giờ 43 phút ngày 8/5/1945, theo giờ Berlin, tức 0 giờ 43 phút ngày 9/5 theo giờ Moskva, tại một trường quân sự cũ ở Karlshorst gần Berlin, trước sự chứng kiến của đại diện các cường quốc đồng minh, các đại diện toàn quyền được ủy nhiệm của nước Đức Quốc xã ký vào biên bản xác nhận họ đầu hàng không điều kiện; kết thúc trên thực tế thứ chủ nghĩa kỳ quái nhất của loài người: phát-xít!Đã có rất nhiều tranh cãi giữa các học giả về bản chất của chủ nghĩa phát-xít. Trên thực tế, chủ nghĩa phát xít ở Ý, nơi khởi đầu của nó, khác với ở Đức, Nhật, Tây Ban Nha và một số nơi khác, và cũng như các phong trào phát-xít mới phát triển ở châu Âu hiện nay, xem xét các khía cạnh kinh tế, thủ đoạn giành chính quyền, cương lĩnh, tư tưởng, mô hình nhà nước,... đều có điểm chung là gắn với tinh thần dân tộc. Sách giáo khoa Lịch sử lớp 8, Việt Nam cho rằng chủ nghĩa phát-xít là hình thức chuyên chính của chủ nghĩa tư bản, là lực lượng đế quốc phản động nhất, hiếu chiến nhất, có chủ trương thủ tiêu mọi quyền tự do cơ bản của con người, khủng bố, đàn áp tàn bạo nhân dân, gây chiến tranh xâm lược để thống trị thế giới. Nghiên cứu lịch sử hình thành tư tưởng – chủ nghĩa phát-xít đã cho thấy, chủ nghĩa phát-xít ra đời trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế từ đầu thế kỷ XX, sự thất trận của một số quốc gia gây tổn hại niềm tự hào dân tộc, những nguy cơ của các cuộc cách mạng thường trực do phân hóa xã hội sâu sắc; sự yếu kém của các nền dân chủ đại nghị trước phong trào cộng sản quốc tế. Và chiến tranh, một hiện tượng chính trị - xã hội đã được sử dụng như là lối thoát duy nhất mà những người phát-xít chủ tâm tiến hành nhằm đạt mục đích “thống nhất thế giới” của họ. Hồng quân Liên Xô (cũ) và quân đội các nước đồng minh cùng cả nhân loại đã nỗ lực, đổ bao xương máu, của cải, vật chất để chống lại chủ nghĩa phát-xít. Đó là cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2, cuộc chiến thảm khốc nhất trong lịch sử loài người.Theo Clausewitz, nhà nghiên cứu lý luận và sử học quân sự nổi tiếng của nước Phổ thế kỷ XIX, thì chiến tranh, hay quân sự là sự kế tục của chính trị bằng thủ đoạn khác. Vì thế, quân đội - công cụ bạo lực chủ yếu của nhà nước lập nên để sử dụng trong các cuộc chiến tranh, không bao giờ ở ngoài chính trị, hay bị “phi chính trị hóa” như các quan điểm đang lan truyền hiện nay. Từ luận điểm khoa học nổi tiếng của Clausewitz và thực tiễn cuộc chiến tranh thế giới lần thứ 2 chống chủ nghĩa phát-xít đã cho thấy, với các ngụy biện của những hệ tư tưởng phản động được hiện thực hóa bằng một thể chế chính trị, chiến tranh rất có thể khởi phát trên phạm vi toàn cầu. Mà để chống lại nó, chiến thắng nó, không thể là một quân đội đã bị “phi chính trị hóa”, một quân đội được cho rằng chỉ để bảo vệ Tổ quốc và nhân dân...Chủ nghĩa phát-xít bị tiêu diệt cũng là thời cơ “ngàn năm có một” để nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, do Hồ Chí Minh đứng đầu tiến hành cuộc cách mạng giành độc lập, tự do, thiết lập nhà nước dân chủ đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Và, 9/5, ngày chiến thắng chủ nghĩa phát-xít cũng là ngày được Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn là Ngày tưởng niệm và Hòa giải, kể từ năm 2004. Năm nay, lễ kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Trại tập trung Mauthausen được tổ chức tại Áo với sự tham dự của nhiều nguyên thủ quốc gia. Tại đây, Chủ tịch Duma quốc gia Nga Sergei Nasyskin đã phát biểu rằng: “Hiện nay, tại một số nước Đông Âu, một số thế lực đang mưu toan phục hồi chủ nghĩa phát-xít, do vậy mọi người vì hàng triệu nạn nhân của chiến tranh, không được im lặng và không cho phép phục hồi hệ tư tưởng thù địch con người”. Đúng như thế, bất cứ điều gì: chính trị hay quân sự, tư tưởng hay đức tin, tinh thần hay vật chất, một khi chống lại con người, thù địch với con người, tất yếu sẽ bị tiêu diệt!

Hoài Quân