(Baonghean) - Chiều nay 16/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về Bộ luật Lao động (sửa đổi) và Luật Công đoàn (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thảo luận tại tổ số 5 cùng với Đoàn đại biểu tỉnh Vĩnh Phúc và Đak Lak.

 

Đồng chí Phan Đình Trạc - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy – Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An làm tổ trưởng điều hành buổi thảo luận.

 



Bộ luật Lao động hiện hành gồm có 7 chương và 223 điều
, dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) vẫn giữ nguyên số chương là 7 chương và nâng số điều lên tổng số 273 điều (trong đó giữ nguyên 52 điều, sửa đổi 157 điều và bổ sung mới 64 điều).

 

Phát biểu tại buổi thảo luận, hầu hết ý kiến các đại biểu đoàn Nghệ An, Vĩnh Phúc và Đăk Lăk đều đồng tình cao với sự cần thiết ban hành Bộ Luật Lao động sửa đổi. Tuy nhiên các đại biểu đề nghị trong Bộ luật cần phải quy định rõ trách nhiệm các cơ quan, bộ ngành, UBND cấp tỉnh về quản lí nhà nước. Về thời gian làm thêm giờ, các đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành, tối đa là 200 giờ trong một năm trừ một số trường hợp đặc biệt được làm thêm không quá 300 giờ trong một năm. Các đại biểu đề xuất tăng thêm 1 ngày nghỉ vào tết âm lịch từ 4 ngày lên 5 ngày.

Về
vấn đề bình đẳng giới và tuổi nghỉ hưu đối với người lao động, một số đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành, nghĩa là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ trong điều kiện lao động bình thường. Đối với lao động đặc thù như làm việc trong môi trường nặng nhọc, độc hại… hay lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, lao động làm công tác quản lý thì tuổi nghỉ hưu sẽ do Chính phủ quy định. Đồng thời, giao Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu đối với một số loại lao động đặc thù khi người lao động tự nguyện kéo dài thời gian làm việc và được sự đồng ý của người sử dụng lao động (điều 199). Bên cạnh đó một số ý kiến lại đề nghị nên nâng mức tuổi lao động 63 tuổi đối với nam và 58 tuổi đối với nữ.

 

Quy định về mức lương, các đại biểu thống nhất với bản dự thảo, nhưng các doanh nghiệp phải đảm bảo cho cuộc sống của người lao động với mức lương tối thiểu. Xung quanh vấn đề về thỏa ước lao động tập thể ngành, một số đại biểu đề nghị cần có những quy định khuyến khích tập thể lao động và người sử dụng lao động xây dựng thoả ước lao động tập thể trong doanh nghiệp, nhưng về lâu dài vẫn nên quy định về Thoả ước lao động tập thể ngành để tạo khuôn khổ pháp lý cho việc thương lượng, ký kết thoả ước ngành trong tương lai.Các đại biểu cũng đồng ý với thời gian nghỉ thai sản cho phụ nữ là 6 tháng.

 

Thảo luận về Luật Công đoàn, các đại biểu thống nhất cao với bản dự thảo Luật sửa đổi. Tuy nhiên các đại biểu đề nghị về xác định địa vị pháp lý của Công đoàn và chức năng của Công đoàn nên gộp chung vào điều 1. Về quyền gia nhập và hoạt động công đoàn của lao động là người nước ngoài, các đại biểu cho rằng nên quy định “người lao động là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam hoặc đang làm việc tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, có thời hạn hợp đồng lao động từ 1 năm trở lên, có giấy phép lao động của cơ quan có thẩm quyền, tự nguyện và thừa nhận Điều lệ Công đoàn Việt Nam thì trong thời gian làm việc tại Việt Nam có quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam, khi không còn làm việc ở Việt Nam thì thôi gia nhập công đoàn Việt Nam. Về số lượng lao động tối thiểu để thành lập tổ chức công đoàn cơ sở các đại biểu đề xuất phải từ 20 lao động trở lên. Xung quanh vấn đề tên gọi các cấp công đoàn, một số đại biểu đề nghị nên để như hiện nay, nhưng một số đại biểu cho rằng nên thống nhất tên gọi chung Công đoàn Việt Nam . Còn về bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách trong doanh nghiệp các đại biểu đề xuất phải có từ 500 lao động trở lên.


Ngày mai 17/11, buổi sáng Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa 13, buổi chiều thảo luận về dự án Luật phổ biến, giáo dục pháp luật.

Tin, ảnh: Đ.A