(Baonghean.vn) - Nghệ An đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương Việt Nam cho phép các doanh nghiệp nhập khẩu gỗ về Việt Nam qua các lối mở là nội dung được bàn thảo tại cuộc làm việc giữa đoàn công tác của Trung ương, do đồng chí Dương Phương Thảo - Phó Cục Trưởng Cục XNK Bộ Công thương làm trưởng đoàn với UBND tỉnh Nghệ An chiều 3/4. 

Phía Nghệ An do đồng chí Lê Xuân Đại - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chủ trì. Tham dự còn có lãnh đạo các sở, ngành; Công thương, Nội vụ, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chi cục Quản lý thị trường và các huyện: Thanh Chương, Anh Sơn, Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong.

Báo cáo của UBND tỉnh cho thấy, 3 tháng đầu năm 2017, tổng kim ngạch giữa Nghệ An và Lào đạt 3 triệu USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu đạt 2,4 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 0,6 triệu USD.

Toàn cảnh buổi làm việc
Toàn cảnh buổi làm việc.

Hiện, Nghệ An có 90 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư, kinh doanh vào thị trường Lào. Tuy nhiên, số doanh nghiệp và kim ngạch nhập khẩu gỗ từ Lào vào Nghệ An giảm mạnh. Năm 2016 có 30 doanh nghiệp hoạt động nhập khẩu gỗ từ Lào, giảm 41,18% so với năm 2015, với tổng kim ngạch 16,69 triệu USD, giảm 76,07% so với năm 2015.

Nguyên nhân, trong quá trình hoạt động nhập khẩu gỗ giữa Nghệ An và Lào gặp nhiều vướng mắc. Các lối mở qua biên giới trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về cơ sở hạ tầng đảm bảo quản lý nhà nước; chưa có lực lượng chức năng thường trực như hải quan, kiểm dịch (trên địa bàn Nghệ An hiện có 3 cửa khẩu phụ và 4 lối mở). Do đó một số doanh nghiệp có đầy đủ hồ sơ, chứng từ, đã vận chuyển và tập kết gỗ đến gần cửa khẩu phụ, lối mở biên giới thuộc đất Lào nhưng không thực hiện được việc nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới tại Việt Nam.

Đồng chí Dương Phương Thảo - Phó Cục Trưởng Cục XNK Bộ Công thương ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Nghệ An. Ảnh: Xuân Hoàng

Đặc biệt, ngày 13/5/2016, Chính phủ Lào đã ban hành Chỉ thị 15/TTg-CP về việc tăng cường nghiêm ngặt quản lý và kiểm tra việc khai thác, vận chuyển và kinh doanh gỗ. Theo đó, kể từ ngày 13/5/2016, Lào chấm dứt việc xuất khẩu các loại gỗ tròn, gỗ xẻ, gỗ tấm, hoặc rễ cây, thân cây, cành cây, u gỗ, cây sống hoặc cây dùng để làm vật trang trí được khai thác từ rừng tự nhiên, xuất khẩu ra nước ngoài trong mọi trường hợp.

Nhu cầu sử dụng gỗ trên địa bàn Nghệ An rất lớn, do vậy việc các doanh nghiệp nghệ An bế tắc xuất khẩu từ Lào về Nghệ An ảnh hưởng đến các hoạt động chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Trong ảnh, đóng thuyền to máy lớn tại một cơ sở đóng tàu ở Thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Xuân Hoàng

Tại buổi làm việc, phía Nghệ An đề xuất với đoàn công tác Trung ương có công văn gửi Chính phủ Việt Nam kiến nghị với Chính phủ Lào cho phép các doanh nghiệp của Việt Nam đã ký kết hợp đồng mua bán gỗ với các doanh nghiệp Lào hoặc đã đầu tư các công trình tại Lào được trả bằng gỗ trước thời điểm Chỉ thị 15 ngày 13/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ Lào, được phép tiếp tục hoạt động nhập khẩu gỗ qua cửa khẩu, lối mở biên giới về Việt Nam đến hết thời hạn theo hợp đồng.

Đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương của Việt Nam cho phép các doanh nghiệp đã ký hợp đồng và được phía Lào cho phép xuất nhập khẩu gỗ về Việt Nam qua các lối mở biên giới Việt Nam - Lào trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Dương Phương Thảo - Phó Cục Trưởng Cục XNK Bộ Công thương ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của Nghệ An, tới đây Bộ Công thương sẽ đề xuất với Chính phủ. Đồng thời đề nghị Nghệ An thống kê con số cụ thể số lượng gỗ của các doanh nghiệp đang tồn đọng từ phía Lào để có phương án linh hoạt để giải quyết số gỗ tồn đọng đó./.

Xuân Hoàng

TIN LIÊN QUAN