(Baonghean) - Không biết từ bao giờ mà Trung úy Nguyễn Trọng Thảo, Công ty phát triển miền núi - Tổng Công ty hợp tác kinh tế Quân khu 4 được anh em gọi bằng cái tên rất trìu mến - Thảo “cột mốc”?

Tìm hiểu về thắc mắc đó, chúng tôi được biết trong hơn 3 năm (2010 - 2013) trên cương vị Đội trưởng Đội thi công cột mốc thuộc Công ty Phát triển miền núi, Trung úy Nguyễn Trọng Thảo đã cùng với anh em “lập kỷ lục” hoàn thành trước thời hạn khi được giao xây dựng 23 cột mốc, 6 cột dấu trên tuyến biên giới Việt - Lào (đoạn qua địa phận tỉnh Nghệ An (Việt Nam) - tỉnh Xiêng Khoảng, Hủa Păn (Lào). Nhiều cột mốc, cột dấu đội của anh chỉ thi công nửa thời gian dự kiến của cấp trên. Và cái tên Thảo “cột mốc” cũng có từ đó.

Với khao khát được phát huy sức trẻ của mình cống hiến cho quê hương, đất nước, năm 2008, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, ngành Xây dựng dân dụng và công nghiệp Nguyễn Trọng Thảo đã làm đơn xin tham gia khóa học Sĩ quan dự bị tại Trường Quân sự Quân khu 4. Kết thúc khóa học, anh về nhận công tác tại Công ty Phát triển miền núi, Tổng công ty Hợp tác kinh tế Quân khu 4. Là người thông minh, nhạy bén, tận tụy với công việc, sau hơn 1 năm làm Trợ lý xây dựng của công ty, anh được cấp trên tin tưởng giao trọng trách Đội trưởng Đội thi công công trình cột mốc trên tuyến biên giới Việt - Lào.
 
images949723_a6_trung__y_nguy_n_tr_ng_th_o__th__4_t__tr_i_sang_ph_i___ch_p__nh_c_ng___ng___i_khi_ho_n_th_nh_c_t_m_c_s__384..jpgTrung úy Nguyễn Trọng Thảo (thứ 4 từ trái sang), cùng đồng đội tại Cột mốc số 384.
 
Những ngày đầu đảm nhiệm cương vị mới, anh gặp không ít khó khăn, nhất là điều kiện khí hậu thời tiết khắc nghiệt, nơi ăn ở, sinh hoạt tạm bợ nay đây mai đó, điều kiện làm việc khó khăn, vất vả và cả sự hiểm nguy luôn rình rập... Trong khó khăn đó, anh đã động viên anh em chủ động khắc phục và nhanh chóng bắt tay vào công việc. Và chính anh là người tiên phong gương mẫu trong mọi công việc để anh em làm theo. Những lúc rét thấu xương, ăn mì tôm, uống nước suối thay cơm... các anh vẫn cõng nguyên vật liệu cả chục kilômet từ điểm tập kết lên đỉnh Trường Sơn - nơi thi công công trình, đối diện với bao hiểm nguy nhưng các anh vẫn đứng vững và hoàn thành tốt nhiệm vụ cấp trên giao phó.
 
Trên dải đất biên cương từ Hạnh Dịch, Tri Lễ (Quế Phòng); Mường Típ, Mường Ải, Nậm Càn (Kỳ Sơn) đến Nhôn Mai, Tam Hợp (Tương Dương)... đều hằn in dấu chân nhọc nhằn nhưng đầy tự hào của các anh để cắm mốc xác lập chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. “Dẫu biết rằng, nhiệm vụ xây dựng cột mốc, cột dấu trên tuyến biên giới là công việc khó khăn, phức tạp và hiểm nguy nhưng đó là nhiệm vụ vinh quang, là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam đối với Tổ quốc. Chúng tôi đã vượt qua tất cả sự vất vả, hiểm nguy, đó bằng sức trẻ, ý chí quyết tâm của người lính và tình yêu quê hương, đất nước của mỗi công dân Việt Nam” - anh chia sẻ.
 
Hơn 3 năm, những người lính xây dựng cột mốc phải bám trụ với núi rừng biên cương với biết bao khó khăn, vất vả. Khi những cơn mưa rừng bất chợt, ngoài việc lo bảo đảm lán trại không bị ướt các anh lại lo bảo vệ vật liệu không bị trôi, xi măng không bị ướt… Nhưng các anh đã đoàn kết một lòng, cùng nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có được những thành công đó chính là nhờ Trung úy Nguyễn Trọng Thảo - người đội trưởng năng động, sáng tạo, tận tụy, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc để anh em hoàn thành tốt nhiệm vụ.
 
Với những kết quả đạt được, trong gần 5 năm trong quân ngũ, có 4 năm liền anh được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2012, anh được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen. Đội thi công công trình của anh cũng liên tục được cấp trên khen thưởng…
 
Huy Cường - Phúc Hậu