Cụ thể, sau gần 3 tháng triển khai, mặc dù chưa chốt thời gian về việc nhận đơn đăng ký nhưng tính đến ngày 30/4 đã có khoảng 350 đơn của các hộ đăng ký tham gia kinh doanh tại các tuyến phố đi bộ.
Các đơn đăng ký vị trí kinh doanh từ khắp địa bàn các phường, xã trên địa bàn thành phố và phần lớn các đơn đăng ký kinh doanh lĩnh vực ăn uống, bán hàng lưu niệm và tô sơn, vẽ mỹ thuật.
Trước đó trên cơ sở khảo sát, thành phố đã chọn được 79 vị trí kinh doanh trên các tuyến phố đi bộ, trong đó 23 vị trí kinh doanh cả ngày và đêm vào tất cả các ngày trong tuần phía trên mương đường Nguyễn Tài, 11 vị trí kinh doanh trên vỉa hè đường Nguyễn Tài; 15 vị trí trên đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ Trung tâm Văn hóa thông tin tỉnh đến trụ sở Hội Nông dân tỉnh); 8 vị trí trên đường Hồ Tùng Mậu (phía trước Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh); 22 điểm tại phía Tây chợ Quán Lau về đường Nguyễn Trung Ngạn.
Do số lượng hồ sơ đăng ký nhiều nên thay vì đấu thầu vị trí như kế hoạch ban đầu, thành phố sẽ tổ chức bốc thăm để đảm bảo khách quan, công bằng. Sau khi duyệt và thông qua mẫu thiết kế các vị trí kinh doanh, thành phố sẽ giới thiệu, in mẫu quầy di động để các hộ bốc thăm trúng chủ động đặt mẫu thi công.
Hiện UBND thành phố Vinh đang giao cho phường Trường Thi nhận đơn đăng ký tại Phố đi bộ. Sắp tới, cùng với tổ chức bốc thăm vị trí kinh doanh, thành phố đang trình tỉnh phương án thu phí tại Phố đi bộ. Song song với đó, thành phố đang khẩn trương thẩm duyệt mẫu thiết kế để tổ chức sơn kẻ vị trí kinh doanh trên phố đi bộ; đồng thời sẽ họp bàn với các hộ dân trên tuyến phố đi bộ để vận động lắp đèn lồng trang trí trước nhà, khảo sát nguyện vọng của các hộ, ai có nhu cầu kinh doanh thì đăng ký, nếu không thì có thể đề xuất với phường và thành phố để cho thuê lại điểm kinh doanh trước vỉa hè nhà theo mẫu của thành phố.