(Baonghean.vn) - Soi vào tiêu chí về thiết chế văn hóa – thể thao của một đô thị loại I thì thành phố Vinh đang còn nợ rất nhiều.

Đó là vấn đề được nêu ra tại cuộc làm việc giữa Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh với UBND thành phố Vinh chiều ngày 18/4 theo chương trình giám sát thực hiện chế độ, chính sách đối với hoạt động thể dục, thể thao, giai đoạn 2013 – 2016.

Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc
Bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh chủ trì cuộc làm việc giữa  ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh với UBND thành phố. Ảnh: Mai Hoa

Ông Bùi Văn Phương - Trưởng phòng Văn hóa, Thông tin và Thể thao, cho rằng: Hiện tại, thành phố Vinh chưa có quỹ đất cho sân vận động và không gian thể dục, thể thao (sân bóng đá, tennits, cầu lông, bể bơi...), mà chủ yếu chỉ ở các phường, xã hoặc các sân thể thao của tư nhân. Khi tổ chức một hoạt động thể dục, thể thao cấp thành phố đều phải đi thuê mượn.

Ông Phương cũng cho biết thêm: Đề án phát triển Vinh thành trung tâm thể dục, thể thao vùng Bắc Trung Bộ, đến nay gần như chưa có gì tiến triển. Một số khu đất được quy hoạch để xây dựng các trung tâm thể dục, thể thao trước đó, nay đã được chuyển sang mục đích sử dụng khác. "Kinh phí phục vụ cho các hoạt động thể thao có thể kêu gọi xã hội hóa, tuy nhiên về đất đai, không gian thể dục, thể thao thì Nhà nước cần phải quan tâm", ông Phương nhấn mạnh.

Cũng đề cập đến lĩnh vực này, ông Tôn Thất Hải – Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao thành phố, nêu: Do hạn chế về cơ sở vật chất nên việc tổ chức các giải phong trào trên địa bàn thành phố lâu nay rất hạn chế. Bởi muốn tổ chức  1 giải thi đấu quần vợt hay giải bởi cấp thành thì phải bỏ ra một phần kinh phí thuê sân bãi, trong khi đó nguồn cho hoạt động này hạn hẹp. Ông Hải nhấn mạnh: Soi vào tiêu chí về thiết chế văn hóa – thể thao của một đô thị loại I thì thành phố Vinh thì đang còn nợ rất nhiều.

Ông Bùi Văn Phương - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố khẳng định: "Đề án phát triển Vinh thành trung tâm thể dục, thể thao vùng Bắc Trung Bộ, đến nay gần như chưa có gì tiến triển". Ảnh: Mai Hoa

Liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách đối với hoạt động thể dục, thể thao theo Nghị quyết số 41/2012/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, theo phản ánh của thành phố, chế độ, chính sách đối với vận động viên, huấn luyện viên hiện nay đang còn quá thấp.

Cụ thể, chế độ mỗi ngày tập luyện là 90.000 đồng/người; đối với ngày thi đấu giải cấp tỉnh là 120.000 đồng/người. Nếu Sở Văn hóa – Thể thao tổ chức một giải thi đấu được tổ chức tại một huyện như Quỳnh Lưu, Tương Dương, Con Cuông thì việc đưa quân đi rất khó khăn về kinh phí, đặc biệt là ăn ở. Quy định tổ chức các giải đấu cấp huyện, quy định chế độ cho ban tổ chức, trọng tài, giám sát, khó đảm bảo.

Cũng tại cuộc làm việc, Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND tỉnh cũng đã làm rõ một số kết quả thực hiện các kết luận sau giám sát của Ban được thực hiện từ năm 2014 về công tác quản lý Nhà nước đối với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn thành phố Vinh. Nhìn chung, thành phố Vinh đã thực hiện khá nghiêm túc các nội dung mà Ban Văn hóa – Xã hội đã kiến nghị trước đó.

Tuy nhiên, thông qua khảo sát thực tế tại một số di tích sáng 18/4/2017, Ban Văn hóa - Xã hội đã chỉ ra một số vấn đề chưa được khắc phục. Đơn cử như việc phát huy giá trị các di tích cũng như giáo dục truyền thống cho học sinh, sinh viên tại các điểm di tích lịch sử như Cụm di tích Làng Đỏ, Đền thờ Hoàng đế Quang Trung và Di tích Phượng Hoàng - Trung Đô còn hạn chế. Việc bố trí các hòm công đức ở một số di tích chưa hợp lý và chưa đúng quy định của tỉnh.

Quang cảnh di tích đền Hồng Sơn, thành phố Vinh. Ảnh tư liệu

Trên cơ sở tiếp thu các thông tin từ UBND thành phố Vinh và trao đổi làm rõ một số nội dung mà các thành viên đoàn giám sát quan tâm, bà Nguyễn Thị Lan - Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh, trưởng đoàn giám sát đề nghị Thành phố tăng thành viên đoàn giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh cũng đề nghị UBND thành phố đề xuất cụ thể về chế độ, chính sách hoạt động thể dục, thể thao.

Đồng thời tăng cường quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thể dục, thể thao trên địa bàn và hoạt động giáo dục thể chất trong các trường học. Quan tâm các giải pháp khắc phục việc thiếu đất và không gian hoạt động thể dục, thể thao. Đối với việc quản lý các di tích lịch sử - văn hóa, Phó trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND tỉnh đề nghị thành phố chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng, nhất là các di tích được xếp hạng Quốc gia;  đồng thời quản lý tốt các hoạt động dịch vụ tại các di tích, bố trí các hòm công đức tại các di tích đảm bảo hợp lý và đúng quy định....

Mai Hoa

TIN LIÊN QUAN